Tập đoàn Shinsegae vừa đưa vào hoạt động đại siêu thị Emart đầu tiên ở Việt Nam |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm qua, Hàn Quốc dẫn đầu về vốn FDI vào Việt Nam với 702 dự án cấp mới và 260 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6,72 tỉ đô la Mỹ, chiếm 29,6% tổng vốn FDI cam kết.
Kết quả vượt trội ấy có được - bên cạnh yếu tố môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do - được xem là có tác động lan tỏa từ các dự án lớn đã thành hình trước đó. Hay nói cách khác, đó là nhờ vào hiệu ứng cánh chim đầu đàn.
Tác động lan tỏa
Những ngày cuối cùng của năm 2015 vừa qua, Tập đoàn Samsung đã cam kết tiếp tục rót thêm 600 triệu đô la Mỹ vào dự án nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng tại khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), nâng vốn của dự án lên 2 tỉ đô la Mỹ dù dự án này chưa đi vào sản xuất.
Cam kết rót thêm vốn vào "dự án tỉ đô" tại TP.HCM của Samsung phát thêm một tín hiệu tích cực cho các công ty khác từ Hàn Quốc, nhất là những công ty lâu nay đóng vai trò là nhà cung cấp của Samsung tại Hàn Quốc.
Hàng loạt nhà cung cấp ở Hàn Quốc của Samsung cũng đã cam kết rót hàng trăm triệu đô la Mỹ vào SHTP để xây dựng nhà xưởng nơi đây, cùng tham gia vào kế hoạch của nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới này.
Không chỉ có Samsung. LG với dự án 1,5 tỉ đô la Mỹ được cấp phép vào Hải Phòng trước đây cũng tạo ra một chất xúc tác thu hút hàng chục nhà cung cấp khác từ Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh lĩnh vực công nghệ với hai ông lớn nêu trên, lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam cũng đang thu hút được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Sau thành công của tập đoàn Lotte với một loạt các siêu thị quy mô ở Việt Nam, nhiều nhà bán lẻ khác từ Hàn Quốc cũng không muốn chậm chân. Mới đây, tập đoàn Shinsegae cũng vừa đưa vào hoạt động đại siêu thị Emart đầu tiên của mình ở Việt Nam đặt tại TP.HCM sau 5 năm tìm cơ hội đầu tư.
Emart Gò Vấp có tổng vốn đầu khoảng 60 triệu đô la Mỹ trở thành một đối thủ lớn đối với các nhà bán lẻ đang có mặt ở thị trường trong nước. Đây là thương hiệu siêu thị có hệ thống kinh doanh rộng khắp ở xứ kim chi với khoảng 160 điểm bán và được đánh giá rất thành công, thâu tóm cả chuỗi kinh doanh 16 siêu thị Wallmart (Mỹ) ở Hàn Quốc vào năm 2006.
Ông Choi Kwang Ho, Tổng giám đốc Emart Việt Nam, cho biết mục tiêu của công ty là sẽ phát triển được 10 điểm bán tại Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, địa điểm Emart thứ hai ở TP.HCM ở Quận Tân Phú có quy mô vốn không nhỏ cũng đang chờ giấy phép đầu tư.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực điện tử, hàng loạt tập đoàn về thương mại, dịch vụ, sản xuất khác như Lotte, chuỗi rạp chiếu phim CGV, Doosan, CJ, Kumho... cũng đang không ngừng mở rộng kinh doanh và tăng cường sự hiện diện sâu rộng ở thị trường Việt Nam. Hiện tại, đầu tư của Hàn Quốc ở rất nhiều lĩnh vực, quy mô lớn nhỏ đều có.
Cơ hội từ môi trường nhiều hứa hẹn
Ông Park Noh Wan, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, cho biết Hàn Quốc là nước đầu tư vốn FDI vào Việt Nam nhiều nhất cho đến nay, và đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực và Việt Nam trở thành một thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong khi đó, ông Young-Jun Cho, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KCCI), cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam nhờ những thuận lợi về hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đặc biệt là việc ký Hiệp định VKFTA. Theo ông Cho, bên cạnh công nghiệp chế tạo thì đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào các lĩnh vực điện tử, dịch vụ logistics và bán lẻ... sẽ nhiều hơn trong thời gian tới.
Với VKFTA, thuế quan đối với nhiều dòng sản phẩm giảm mạnh nên sẽ có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, theo nhận định của ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong khi đó ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì cho rằng Hiệp định VKFTA sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam nhiều hơn, kèm theo nguồn công nghệ, trình độ quản lý và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba.
Tại sự kiện “Ngày hội tuyển dụng nhân tài Hàn – Việt 2015”, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM tổ chức mới đây, ông Park Sang-Hyup, Tổng giám đốc KOTRA, cũng dự báo rằng làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là khi Việt Nam tham gia vào TPP.
Khi tham gia vào TPP, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các nước thành viên sẽ rất thuận lợi nên đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong lĩnh vực này cũng đang tăng lên.
Kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2015 cũng cho thấy, 49% trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia đã khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp Hàn Quốc về môi trường đầu tư trong nước là rất lớn. Các doanh nghiệp Hàn Quốc trông chờ nhiều hơn vào cam kết giảm thuế, mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư từ VKFTA.
Việc các doanh nghiệp Hàn Quốc cam kết đầu tư đến 6,72 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam trong năm 2015 tiếp tục đưa "xứ sở kim chi" trở thành quốc gia dẫn đầu về số vốn và dự án cam kết trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI vào Việt Nam hiện nay. Hiện Hàn Quốc có 4.944 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lên đến hơn 44,9 tỉ đô la Mỹ.
Nói như ông Young-Jun Cho, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, chính sự tham gia những dự án đầu tư lớn của các tập đoàn như Samsung, LG, Emart, Lotte... sẽ tiếp tục kéo thêm nhiều nhà cung cấp của Hàn Quốc vào Việt Nam.
Ví dụ chỉ riêng hai tổ hợp sản xuất của Samsung ở Bắc Ninh đã kéo theo gần 100 nhà cung cấp Hàn Quốc đi cùng. Và xu hướng này sẽ tiếp tục khi Samsung dự kiến sẽ tiếp tục rót hàng tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam cho nhiều dự án khác trong đó có cả dự án điện tử, hạ tầng, hàng không, đóng tàu...
Dĩ nhiên, yếu tố tiên quyết đối với doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam là do họ nhìn thấy những cơ hội mở rộng sản xuất tại một địa bàn có nhiều yếu tố thuận lợi để từ đó thâm nhập thị trường thế giới tốt hơn. Nhưng, một đàn sếu bay thường theo hình đầu mũi tên, và con sếu đầu đàn giúp định hướng bay cho cả đàn; vai trò của các tập đoàn lớn Hàn Quốc khi quyết định đầu tư vào Việt Nam cũng giúp định hướng đầu tư cho nhiều doanh nghiệp khác từ đất nước này.
Theo TB KTSG