Từ củ hành, điện thoại đến ôtô…"gi gỉ gì gi" cũng nhập từ Trung Quốc

Thứ sáu, 08/01/2016, 08:37
Các băng rôn, áp phích “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” được treo dán ở nhiều nơi, thậm chí gần đây phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về những loại đồ chơi có nguồn gốc Trung Quốc độc hại, có thể gây dậy thì sớm ở trẻ hoặc chứa chất gây ung thư nhưng không vì thế mà số lượng hàng hóa “made in China” trở nên ít đi.

“Mỏi mắt” tìm hàng Việt

Anh Thành Trung (35 tuổi, Hà Nội), một người cha có con nhỏ bước vào một cửa hàng kinh doanh các mặt hàng “mẹ và bé” trong Khu đô thị Xa La (Hà Đông) tìm mua đồ chơi cho con. Các đồ chơi, mô hình ôtô, máy bay lẫn áo quần được bày la liệt trên giá, kệ, móc treo nhưng hầu hết đều gắn mác "made in China".

Những trò chơi do Trung Quốc sản xuất rất bắt mắt và đa dạng, được trẻ em yêu thích 

Chị Mai Anh, nhân viên quầy tại cửa hàng này cho biết, các loại “đồ chơi thông minh” bằng gỗ của một số doanh nghiệp Việt vẫn được cửa hàng nhập về. Tuy nhiên, do mẫu mã và chủng loại “nghèo nàn” nên rất kén khách, cho dù câu hỏi đầu tiên mà các khách hàng đưa ra khi bước vào mua sắm vẫn là “có đồ chơi Việt Nam sản xuất không?”.

Những loại trò chơi được trẻ em ưa thích như mô hình ôtô, máy bay thì gần như chỉ có Trung Quốc sản xuất, hiếm thấy ở đâu bày bán những mặt hàng này của doanh nghiệp Việt Nam hay nhập bán sản phẩm từ những quốc gia khác.

Trong khi sản phẩm Việt có mức giá cao, ít chủng loại, kém hấp dẫn thì hàng Trung Quốc bắt mắt, đủ tất cả các kiểu dáng, chủng loại, giá lại rẻ nên rất nhiều khách mua. Dù giá bán rẻ hơn nhưng theo chia sẻ của cửa hàng thì biên lợi nhuận từ các sản phẩm Trung Quốc cao hơn hẳn. “Một sản phẩm giá 10.000 đồng thì nếu là hàng Trung Quốc, chúng tôi lãi khoảng 2.000 - 4.000 đồng còn sản phẩm Việt Nam có khi chỉ lãi vài trăm đồng”, đại diện cửa hàng này cho biết.

Có rất nhiều lý do để người mua mua hàng hóa Trung Quốc và người bán bán hàng Trung Quốc. Các băng rôn, áp phích “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” được treo dán ở nhiều nơi, thậm chí gần đây phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về những loại đồ chơi có nguồn gốc Trung Quốc độc hại, có thể gây dậy thì sớm ở trẻ hoặc chứa chất gây ung thư nhưng không vì thế mà số lượng hàng hóa “made in China” trở nên ít đi.

Hàng Trung Quốc tràn lan, len lỏi khắp nơi

Chợ Nghi Phú – nơi buôn bán nhộn nhịp nhất ở cửa ngõ phía Bắc thành phố Vinh (Nghệ An), giai đoạn giáp Tết, hàng thực phẩm nhập về liên tục, “thượng vàng hạ cám”, gần như bất cứ sản phẩm tiêu dùng nào cũng có. Thế nhưng, theo chia sẻ của bà Linh, tiểu thương buôn bán tại chợ thì gia đình bà vẫn phải đặt hàng rau củ sạch từ quê.

“Ở khu vực này, nhà nào có điều kiện thì sẽ tự trồng rau ăn. Cà rốt, khoai tây…Trung Quốc trông đẹp mã lắm nhưng chất lượng thì không rõ như thế nào nên chúng tôi hạn chế mua, dùng đồ quê vẫn yên tâm hơn” – bà Linh chia sẻ.

Trong khi đó, các sản phẩm như hành, tỏi Trung Quốc lại được đa số người tiêu dùng ưa thích. Chủ một sạp bán hàng khô tại đây cho biết, kích cỡ hành, tỏi Trung Quốc lớn, dễ bóc tách và giá cả phải chăng nên được lòng khách; hàng Việt Nam dậy mùi hơn nhưng thường bị lép, không đẹp.

Một số mặt hàng khác như quần áo, phụ kiện thời trang cũng đang vào mùa, khách hàng nườm nượp ra vào các “shop” lớn, nhỏ. Tại khu vực chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), đa số hàng hóa được chủ hàng nhập từ Quảng Châu song vẫn có một số đề xuất xứ Việt Nam.

Thời gian gần đây, nắm bắt tâm lý nhiều khách hàng ưa mẫu mã đẹp, rẻ song lại “ngại đồ Trung Quốc” nên chủ hàng đã thay mác “made in Vietnam” vào. Đến lúc khách hàng phát hiện tem nhỏ in chữ Trung Quốc trong sản phẩm thì nhiều chủ hàng được phen “dở khóc dở cười”.

Ngoài ra, không chỉ len lỏi khắp các chợ dân sinh, siêu thị, hàng hóa Trung Quốc còn tràn ra các vỉa hè, các hàng tạp hóa ở nông thôn, lẫn thành phố. Một độc giả đã phải thốt lên đầy cảm thán: “Không mua hàng Trung Quốc thì biết mua gì bây giờ!”

Những lô kính mát được bày bán trên những tấm bạt trải dọc vỉa hè

Nhập hơn 49 tỷ USD hàng Trung Quốc năm 2015

Theo số liệu của Hải quan, trong số gần 45 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giai đoạn 11 tháng đầu năm 2015 thì Việt Nam nhập tới 164,5 triệu USD hàng rau quả; 1,23 tỷ USD sản phẩm từ sắt thép; 6,45 tỷ USD điện thoại và linh kiện; gần 870 triệu USD ô tô nguyên chiếc…

Ngoài ra, các sản phẩm nguyên vật liệu cho đầu vào sản xuất cũng được doanh nghiệp Việt Nam nhập về rất nhiều: 4,77 tỷ USD vải các loại; 558 triệu USD xơ sợi; 1,65 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày; 8,2 tỷ USD máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng… Có thể thấy, từ củ hành, củ tỏi cho đến điện thoại, hàng điện tử, ôtô…hàng hóa Trung Quốc đều đang thống lĩnh thị trường Việt Nam.

Còn theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, năm 2015, trong khi hội nhập ngày càng sâu hơn vào thị trường quốc tế thì Việt Nam lại quay trở lại tình trạng nhập siêu sau 3 năm xuất siêu. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc tăng 12,5% so với năm trước, ước tính lên tới 32,3 tỷ USD (gấp 10 lần mức nhập siêu chung của cả nước). Trung Quốc liên tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 49,3 tỷ USD trong năm 2015, tăng 12,9% so với năm trước và chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Năm vừa rồi, Việt Nam tăng nhập khẩu từ thị trường này máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 15,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 15,2%

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đang có mức độ phụ thuộc rất cao vào Trung Quốc cả ở đầu vào (vật tư, nguyên liệu) và đầu ra (thị trường tiêu thụ). Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mai Xuân Hùng, có tới 80% nguyên vật liệu đầu vào của Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc, 60% xuất khẩu nông sản đang phụ thuộc vào Trung Quốc.

Còn theo TS. Alan Phạm, chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ Vinacapital, Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ nền công nghiệp Việt Nam qua nguyên liệu, thành phẩm và thu về trên 20 tỷ USD mỗi năm – tương ứng con số nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam.

Một khảo sát của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương) trong suốt giai đoạn 2003-2013 cho thấy, Trung Quốc đang thống trị nhóm sản phẩm này ở 4 trong 5 ngành chính là thủy điện, nhiệt điện, xi măng, bauxite, và sàng tuyển than tại Việt Nam. Nhóm sản phẩm máy và thiết bị đồng bộ có giá trị nhập khẩu hàng năm tới 10 tỷ USD.

“Tóm lại, trong cơ cấu thương mại song phương hiện nay, Việt Nam cần và phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc cần đến Việt Nam. Nói cách khác nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu sang Việt Nam thì khối lượng đó chỉ bằng 1% tổng xuất khẩu của Trung Quốc nhưng lại tương đương với 28% tổng nhập khẩu của Việt Nam” – Viện CIEM nhận xét.

Viện CIEM cũng cảnh báo, nếu không đa dạng hóa cả thị trường xuất khẩu, lẫn nhập khẩu, Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại. Hệ quả là "chỉ cần Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại hoặc có động thái áp dụng các biện pháp bảo hộ hàng sản xuất trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, cấm hoặc hạn chế mặt hàng xuất - nhập khẩu nào đó thì nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với không ít khó khăn, cho dù là trong ngắn hạn!"

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn