“Hàng giả, hàng nhái”: Bài toán khó của thị trường thương mại điện tử

Thứ sáu, 08/01/2016, 14:30
Thời gian gần đây, tình trạng hàng giả hàng nhái xuất hiện trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) đã gây nên tâm lý hoang mang cho nhiều người tiêu dùng trực tuyến. Điều này cũng là hồi chuông cảnh tỉnh, buộc các trang thương mại điện tử phải mạnh tay hơn trong kiểm soát hàng hóa của đơn vị mình.

Thách thức chung của thị trường

Nhìn ở góc độ khách quan, ngay cả những “ông vua” của thị trường TMĐT trên thế giới như Amazon, Ebay, Alibaba cũng không tránh khỏi những trường hợp tranh cãi về nguồn gốc hàng hóa, chất lượng dịch vụ. Như gần đây nhất, tháng 5 năm 2015, trang Alibaba đã bị các thương hiệu Gucci, Yves Saint Laurent và một nhãn hiệu khác của Tập đoàn tại Paris, Kering (PRTP.PA) cáo buộc về việc cung cấp hàng hóa vi phạm bản quyền, kém chất lượng.

Tại Việt Nam, thị trường cũng chứng kiến nhiều trường hợp website bán hàng trên mạng hoặc các đơn vị bán hàng của website bị truy tố do lừa đảo, hay chỉ đơn giản là quản lý hàng hóa không nghiêm ngặt.

Một trường hợp gần đây có thể kể đến là sự việc đơn vị bán hàng Panda Home bị Cục quản lý thị trường truy tố về việc kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc và những mặt hàng này cũng bị nghi ngờ là được giao dịch online trên các trang thương mại điện tử, trong đó có Lazada.

Khi được tiếp cận, phía doanh nghiệp đã khẳng định Lazada là doanh nghiệp “Không Khoan Nhượng” với hàng giả. Từ phía công ty đã ngay lập tức tạm ngưng các hoạt động giao dịch của Panda Home trên sàn giao dịch nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, cung cấp những bằng chứng chứng minh những sản phẩm bị truy tố không nằm trong danh mục sản phẩm hiện có của Lazada. (Hai sản phẩm bị điều tra là Lechgtools & Philips 6610 là 2 sản phẩm nhập khẩu không có bán trên sàn giao dịch của Lazada).

Song song đó, Lazada cũng tiến hành các hoạt động rà soát hàng hóa của nhà bán hàng để xác minh nguồn gốc và chất lượng hàng hóa của đơn vị này. Sau khi có kết quả rà soát nội bộ từ Lazada và kết luận điều tra chính thức từ Cục Quản lý thị trường, nếu các hàng hóa của đơn vị này được chứng minh là hàng giả, Lazada sẽ ngay lập tức tiến hành đình chỉ vô thời hạn việc kinh doanh của đơn vị đó và báo cáo, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan (nếu có yêu cầu).

Sự việc trên cũng phần nào thể hiện tính chất muôn hình vạn trạng của vấn đề kiểm soát, quản lý hàng hóa trên thị trường rộng lớn của thương mại điện tử. Không có cách nào khác, các sàn giao dịch phải nỗ lực để đảm bảo môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, mang đến lợi ích cả cho người mua và người bán hàng chân chính, bảo vệ niềm tin của người tiêu dùng.

Lời giải từ các trang thương mại điện tử

Trên thế giới, các trang TMĐT đã phải tự tìm ra giải pháp quản lý kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm cung cấp đến người tiêu dùng. Tại Việt Nam, ngoài việc triển khai cam kết “Không Khoan Nhượng” với hàng giả, hàng kém chất lượng; ngay đầu năm 2016, Lazada cũng đẩy mạnh quy trình kiểm soát chất lượng, kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ… để tiến tới triển khai một dự án “Chống hàng giả” lớn nhất năm, dự kiến diễn ra vào đầu quý 2 năm 2016.

Có thể thấy, quản lý hàng hóa chặt chẽ và xây dựng niềm tin của người tiêu dùng là điều mà các trang thương mại điện tử vẫn đang phải nỗ lực hoàn thiện. Trong bối cảnh các doanh nghiệp chỉ vừa bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế Việt Nam cũng như thế giới và người tiêu dùng vẫn chưa mạnh tay chi tiêu, việc đầu tư hoàn thiện quy trình kiểm soát và thu hút khách hàng là một cuộc chạy đua dài hơi mà các trang TMĐT đang dốc sức theo đuổi.

Theo Báo Đầu Tư

Các tin cũ hơn