Nguy cơ tăng trưởng thấp, lạm phát cao

Thứ tư, 07/03/2012, 16:03
Giá cả tuy có giảm tốc độ tăng, song vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép tăng giá. Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế yếu đi khi sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn cả ở phía cung lẫn cầu... Đó là những chấm phá tối màu trong bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm.

Theo báo cáo của tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là mức tăng rất thấp so với cùng kỳ của nhiều năm trở lại đây. Theo đó, ngoại trừ năm 2009, chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm chỉ tăng 2,5%, còn lại, từ năm 2003 đến nay, chỉ số này thấp nhất là 13,6% (năm 2010), cao nhất là 17,5% (năm 2007).



Hoạt động xuất khẩu nông sản đang gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm. Trong ảnh: chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Đặng Hoàng

Sản xuất: khó cả cung lẫn cầu

Trong khi đó, chỉ số tồn kho tiếp tục ở mức cao khi lên đến 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái (tính đến thời điểm đầu tháng 2.2012).

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng đầu tiên của năm 2012 giảm mạnh, chỉ bằng 76% tháng 12.2011 và bằng 83% cùng kỳ năm 2011. Ngoài nguyên nhân rơi vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán, cơ quan thống kê cho rằng, “do ảnh hưởng của lạm phát cao dẫn đến tiêu thụ chậm”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Ánh, viện nghiên cứu Thị trường, giá cả (bộ Tài chính), e ngại sự giảm sút của sản xuất công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế, bởi lĩnh vực này luôn dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế khi chiếm tỷ trọng 40% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

“Những năm trước, sản xuất công nghiệp hạn chế chủ yếu do năng lực yếu kém, nhưng từ năm 2011 đến nay gặp khó cả đầu vào lẫn đầu ra khi cầu thị trường sụt giảm mạnh”, ông Ánh nhận xét và phân tích tiếp: “Đối với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng – một trong những chỉ số quan trọng đo lường lực cầu – đã suy giảm mạnh từ năm 2011 và tiếp tục xu hướng này hai tháng đầu năm. Cụ thể, năm 2011, chỉ số này tăng 24,4%, loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,7% (năm 2010 con số tương ứng là 24,5% và 14%).

Hai tháng đầu năm nay, chỉ số này tăng 22%, loại trừ yếu tố giá còn 4,4% (cùng kỳ năm 2011, số tương ứng là 23,7% và 10,2%). Thị trường xuất khẩu cũng có xu hướng bị thu hẹp, do kinh tế thế giới suy giảm, trong khi năng lực xuất khẩu của Việt Nam không có sự cải thiện. Hai tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi hai tháng đầu năm 2011 lên tới 40,3%.


Mấu chốt là điều hành giá điện, xăng dầu

CPI hai tháng đầu năm tăng 2,38% so với cuối năm 2011, mức tăng được ghi nhận là thấp so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây (chỉ cao hơn mức tăng 1,49% trong hai tháng đầu năm 2009). Chuyên gia giá cả Ngô Trí Long cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số (dưới 10% trong cả năm) của Chính phủ đòi hỏi một quyết tâm rất lớn và phụ thuộc đáng kể vào công tác điều hành giá điện, giá xăng dầu.

Ông Ánh phân tích, chỉ số ăn uống và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình bớt đi chút áp lực khi mặt hàng lương thực được dự báo ít biến động trong năm nay, do vậy, sức ép đến chỉ số giá cả chung chủ yếu phụ thuộc vào giá điện và xăng dầu.

Trong khi đó, mặt hàng xăng dầu trong nước (yếu tố quan trọng nhất tác động đến chi phí giao thông) đang phải đối mặt với sức ép tăng giá, khi giá dầu thô thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay.

Còn giá điện cũng sẽ thực hiện lộ trình tăng giá theo nguyên tắc thị trường, việc tăng giá là khó tránh. “Tuy nhiên, cơ quan quản lý, điều hành giá cả có thể xem xét mức tăng phù hợp trên cơ sở điều tiết về thuế, phí, đồng thời tính toán thời điểm thuận lợi để hạn chế tối đa tác động dây chuyền”, ông Ánh nói.

Bởi vậy, đã xuất hiện lo ngại trong trường hợp công tác kiểm soát lạm phát của Chính phủ không đạt mục tiêu, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn – nghĩa là kinh tế suy thoái trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.

Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, với Việt Nam, khả năng suy thoái kinh tế rất thấp, song nếu tăng trưởng kinh tế tăng chỉ đạt mức dưới 5% một năm cũng đã là dấu hiệu đáng ngại. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, sản xuất thu hẹp, tồn kho cao như hiện nay, tăng trưởng kinh tế đạt trên 5% trong năm nay là một mục tiêu đầy thách thức.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn