Ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định
liên bộ Tài chính - Công Thương đang cân nhắc các biện pháp đối với mặt hàng này.
Thưa ông, giá xăng dầu thế giới đang chênh lệch với giá xăng hiện hành ở mức độ nào?
Diễn biến giá thế giới từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3 là xu thế tăng, đặc biệt một số ngày đầu tháng 3 là cao nhất trong 8-9 tháng gần đây. Giá xăng dầu thế giới trong 30 ngày gần đây cao hơn 30 ngày trước từ 2%- 6,98% tuỳ mặt hàng, trong đó giá xăng có mức chênh lệch cao nhất. Với giá thế giới cao như vậy, giá xăng dầu cơ sở trong nước là khá cao.
Nếu không tính sử dụng quỹ bình ổn thì giá xăng hiện hành cao hơn giá cơ sở gần 3.000 đồng/lít. Với mức sử dụng quỹ bình ổn là 1.400 đồng/lít xăng, 1.240 đồng/lít dầu diezel, 1.610 đồng/kg với dầu mazut, thuế nhập khẩu xăng và madut là 0%, thuế nhập khẩu dầu hoả và dầu diezel là 3%, thì chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành đối với xăng là khoảng 1.000 đồng/lít, các mặt hàng khác từ 550-600 đồng.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn được bao nhiêu, thưa ông?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang âm. Trong giai đoạn trước trong và sau Tết Nguyên đán, để phục vụ mục tiêu bình ổn giá nên vẫn sử dụng quỹ bình ổn nhưng sau đó trích bù. Nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì doanh nghiệp sẽ khó khăn về vốn.
Giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang đắt hay rẻ hơn giá xăng dầu các nước trong khu vực?
So với các nước có cùng biên giới, mức thấp hơn so với các nước là từ 4.000-7.000 đồng/lít (kg) tuỳ mặt hàng. Mức giá này dễ dẫn đến tình trạng buôn lậu. Do đó, công tác điều hành giá cũng góp phần việc giảm buôn lậu, không chỉ thông qua các biện pháp kinh tế mà còn các biện pháp kiểm tra, kiểm soát.
Vậy đã có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá bán chưa, thưa ông?
Với mức chênh lệch cao như vậy, một số doanh nghiệp cho là kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đã có 3 doanh nghiệp gửi đăng ký giá đến liên bộ Tài chính - Công Thương là PV Oil, Petrolimex và Công ty TNHH Dầu khí Tp.HCM.
Thưa ông, giá xăng dầu thế giới dường như đã “dồn” cơ quan chức năng đến tận cùng các biện pháp, sẽ tăng giá hay là biện pháp nào khác, thưa ông?
Liên bộ đang tính toán các giải pháp về giá xăng dầu với rất nhiều phương án, không chỉ với thuế, có cả phương án giữ nguyên và xử lý các chính sách khác. Có cả phương án giảm thuế. Tăng giá cũng là một trong các biện pháp, nhưng biện pháp nào phù hợp hơn sẽ được lựa chọn.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay không nên để doanh nghiệp định giá?
Rất nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đang có vị thế độc quyền với 60% thị phần thì không nên trao quyền cho doanh nghiệp định giá theo thị trường. Thế nhưng, giá xăng dầu theo Nghị định 84 là không phải theo thị trường. Khi giá cơ sở biến động dưới 7% thì doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá, ngay điều này cũng có nghĩa Nhà nước đã “chặn” giới hạn và nêu thời hạn rõ ràng. Theo Nghị định 84, cứ 30 ngày doanh nghiệp phải tính giá.
Nghị định này cũng quy định trong các trường hợp giá cơ sở biến động cao quá, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước sẽ sử dụng các biện pháp bình ổn giá. Trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp được thực hiện Nghị định 84. Nhưng hiện nay, cơ cấu giá tính không đủ. Cơ cấu tính giá các mặt hàng xăng dầu đang bị “méo mó” vì Nhà nước đang thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết 11 còn tinh thần vẫn theo Nghị định 84.
Một số ý kiến cho rằng có thể trích một khoản thu từ thuế của nhà máy lọc dầu Dung Quất để bù đắp cho xăng dầu. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu với thuế của nhà nước là hoàn toàn khác nhau.
Theo thông tư 234/2009/TT-BTC, các thương nhân đầu mối được quyền chủ động thực hiện các phương thức kinh doanh xăng dầu phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh; trích lập Quỹ Bình ổn giá và chỉ sử dụng quỹ này cho mục đích bình ổn giá theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Quỹ bình ổn giá được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở. Trong khi đó, thuế là nghĩa vụ của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tự khai tự nộp.
Theo Vneconomy