Thị trường trầm lắng, nhà đầu tư không dám rót vốn… khiến nhiều siêu thị lâm vào cảnh lao đao
Bức tranh thị trường xám xịt
Sức mua sụt giảm, thị trường khó khăn, DN thiếu vốn có nguy cơ phải phá sản… những dự báo đó được các chuyên gia kinh tế đưa ra từ năm 2010 giờ đang “lơ lửng” ngay trên đầu nhiều DN kinh doanh điện tử, điện máy.
Từ đầu năm 2012 đến nay, thực trạng các siêu thị lớn nhỏ trong nước ồ ạt khuyến mãi (như giảm giá 20 - 50% cho từng sản phẩm, giảm giá thêm cho khách hàng mua online, vận chuyển miễn phí hàng trăm cây số để câu khách tỉnh xa…), chấp nhận lãi ít hoặc bù lỗ phần nào cho thấy tình trạng khát vốn để quay vòng hoạt động của các DN.
Ông Đinh Anh Huân - TGĐ Dienmay.com và GĐ Kinh doanh của Thegioididong.com cho rằng trong năm 2012, hầu hết các nhà đầu tư đều gặp khó khăn về nguồn vốn, nhu cầu tiêu dùng; các DN đang phải liên tục đánh giá xác thực hơn nhu cầu thị trường, phát triển những sản phẩm giá rẻ và hạn chế mở thêm đại lý, cửa hàng.
Còn đại diện Công ty CP Pico tỏ rõ lo ngại khi nền kinh tế vĩ mô vẫn có những tác động xấu đến đời sống kinh tế, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng leo thang khiến người dân thắt chặt chi tiêu, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Xuân Kiên – TGĐ Công ty CP Thế giới số Trần Anh nhận định phải qua năm 2013 thị trường trong nước mới có thể khả quan hơn.
Mối nguy “bong bóng vỡ”
Tại Việt Nam, thị trường bán lẻ ngành hàng điện tử, điện máy đang có hàng trăm DN tham gia cạnh tranh, tuy nhiên chỉ có khoảng 30 DN tạo được tên tuổi như Pico, Nguyễn Kim, Trần Anh, Thế giới di động, Media Mart, Top Care, HC Home Center... Trong đó, nhiều siêu thị nhỏ, mới thành lập gặp nhiều khó khăn khi loay hoay giải quyết những vấn đề mà các DN lớn đã giải quyết xong cách đây 5 - 6 năm như chọn kênh phân phối, quản trị hàng tồn kho...
Chưa kể, một số DN bán lẻ điện tử, điện máy trong nước dù hoạt động rất khó khăn nhưng vẫn cố “níu kéo” bằng cách chấp nhận bù lỗ để hy vọng khi nền kinh tế phục hồi sẽ lấy lại sức bật. “Hoặc có DN hoạt động đa ngành nghề, đổ vốn lớn vào bất động sản nên lâm cảnh lao đao khi thị trường bất động sản đóng băng. Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, điều này càng trở nên bất lợi với các DN”, ông Trần Xuân Kiên nói.
Có thể thấy thực tế đang tạo ra hàng loạt nguy cơ “bong bóng” có thể vỡ bất cứ lúc nào với hậu quả khôn lường. Giới kinh doanh cho rằng do thị trường bán lẻ luôn trong quá trình thanh lọc khốc liệt nên dự kiến trong tương lai sẽ có thêm nhiều công ty phải phá sản, chuyển ngành nghề. Cuộc chạy đua bán lẻ điện tử, điện máy chỉ còn lại khoảng 8 DN lớn.
“Nhiều khả năng năm 2014 sẽ là năm bước đệm để các công ty bán lẻ nước ngoài ồ ạt nhảy vào trong năm 2015. Khi đó, cuộc chiến giữa các DN nội vốn đầy rẫy khó khăn sẽ càng trở nên quyết liệt hơn khi có thêm đối thủ từ nước ngoài dạn dày kinh nghiệm”, đại diện Bộ Công Thương nói.
Dù không tiết lộ cụ thể nhưng giới kinh doanh ngành hàng điện tử, điện máy tại Hà Nội và TP.HCM còn “tiên đoán” trong năm 2012 sẽ có ít nhất 2 công ty tuyên bố phá sản kiểu như siêu thị điện máy Wonderbuy tại TP.HCM hồi tháng 6/2011 (chỉ sau gần 1 năm hoạt động với khoản nợ trên 52 tỉ đồng do thị trường khó khăn, các nhà đầu tư không dám mạo hiểm rót thêm vốn - PV). Thậm chí nếu nhanh, việc tuyên bố phá sản có thể diễn ra ngay từ quý II/2012.
Theo ICTNews