Đó là quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại cuộc họp báo Chính phủ, diễn ra ngày 6/3/2012.
Liên quan đến hoạt động tái cấu trúc ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, có chuyển cổ phần, cổ phiếu từ sở hữu này sang sở hữu khác, Thống đốc Bình nói:
"Những diễn biến vừa rồi trên thị trường chứng khoán, trong chúng ta đây cũng không ai dám khẳng định thị trường bước sang năm nay sẽ được hồng hào hơn. Cuối năm ngoái, nhiều nhà báo hỏi tôi phải chăng năm nay Ngân hàng Nhà nước cũng phải bơm ra một chút, nới lỏng một chút với thị trường chứng khoán, để thị trường hồng hào lên.
Tôi cũng khẳng định đó chỉ là biện pháp ăn xổi ở thì, sẽ không tạo ra phát triển vững chắc của thị trường chứng khoán. Nhưng những việc Ngân hàng Nhà nước đang làm với các tổ chức tín dụng đang tạo ra nền tảng vững chắc cho thị trường phát triển.
Chúng ta thấy là hai tháng đầu năm nay, mặc dù tín dụng tín dụng của hệ thống ngân hàng cho thị trường chứng khoán không hề thay đổi nhưng bản thân thị trường đã có những chuyển biến tích cực.
Cụ thể là một tâm lý chung trong việc tin tưởng vào chính sách vĩ mô của Chính phủ, cũng như điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất sẽ giảm xuống.
Khi đó việc gửi tiền vào ngân hàng sẽ không còn hấp dẫn nữa, không còn là kênh đầu tư nữa, thì các nhà đầu tư sẽ phải nhìn sang thị trường chứng khoán, sẽ phải phân tích giá trị của doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Và nếu họ tìm được các doanh nghiệp như vậy có thể đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với gửi tiền vào ngân hàng thì đó là nền tảng vững chắc cho thị trường chứng khoán.
Còn hiện nay, nhóm cổ đông có thể mua cổ phần của tổ chức tín dụng nào đó thì đấy là vấn đề của thị trường. Điều đó thể hiện họ hết sức tin tưởng vào quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ nói chung và của Ngân hàng Nhà nước nói riêng. Họ cũng đã thấy được rằng các tổ chức tín dụng mặc dù trong ngắn hạn là yếu kém, nhưng nếu được tái cấu trúc sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. Họ tranh thủ lúc giá cổ phiếu đang thấp để mua vào.
Cũng có thể có nhóm cổ đông có ngân hàng tiềm năng phát triển hơn nữa trong thời gian tới thì họ dồn tiền vào mua. Vì vậy, việc đó diễn ra cũng đúng theo luật pháp quy định. Vì các tổ chức tín dụng này cũng đã niêm yết trên thị trường.
Còn một số nhà đầu tư quan tâm đến ngân hàng yếu kém, thôn tính các ngân hàng này để trở thành ông chủ mới. Tôi xin khẳng định với các tổ chức tín dụng nằm trong diện cơ cấu lại của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ việc này.
Ví dụ, một tổ chức tín dụng đang là yếu kém, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước họ có thể mất vốn một lượng nhất định. Theo luật, các cổ đông cũ phải bổ sung cho đủ lượng vốn đó. Nhưng nếu có cổ đông mới mà muốn tham gia vào ngân hàng đó và lấp đầy số vốn đã bị mất thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét kỹ lưỡng. Bởi vì ngay cả có cổ đông mới nhưng không tạo ra bước ngoặt hay năng lực mới trong quản trị, cũng như năng lực tài chính của bản thân tổ chức tín dụng đó thì Ngân hàng Nhà nước cũng không cho phép".
Theo NDHmoney