Là DN chuyên tư vấn M&A được thành lập đầu tiên tại Nhật Bản, đồng thời là một trong những nhà tư vấn M&A giữa DN Nhật Bản và Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản, Công ty RECOF, nhìn nhận, năm nay sẽ xuất hiện làn sóng M&A giữa DN hai nước, với số lượng thương vụ ít nhất gấp đôi năm 2011. Trao đổi với ông Toshifumi Iwaguchi, Giám đốc điều hành Công ty RECOF:
Dựa vào đâu mà RECOF cho rằng, số lượng thương vụ M&A trong năm nay sẽ gấp đôi năm 2011, thưa ông?
Là một trong những nhà tư vấn M&A giữa DN Nhật Bản và Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản, có mối quan hệ với 20.000 DN Nhật Bản, trong đó hầu hết là các DN niêm yết trên TTCK, đồng thời là đối tác tiếp cận trực tiếp với các cấp ra quyết định về M&A của Chính phủ Nhật Bản, RECOF có trong tay hồ sơ các thương vụ M&A sắp diễn ra khá chi tiết. Với kinh nghiệm về thời gian đàm phán, cũng như đi đến ký kết một thương vụ M&A giữa DN hai nước, RECOF có cơ sở để khẳng định, trong năm nay, số thương vụ M&A giữa DN Nhật Bản và Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với năm 2011, với ít nhất 32 thương vụ, một con số ấn tượng so với 21 thương vụ đã đạt được trong suốt gần 9 năm qua kể từ khi thương vụ M&A đầu tiên diễn ra năm 2004.
Để đáp ứng nhu cầu M&A của các DN Nhật Bản với các DN Việt Nam gia tăng đột biến, RECOF dự kiến thành lập bộ phận chuyên trách tư vấn về hoạt động M&A với các DN Việt Nam. Chưa bao giờ chúng tôi nhận thấy làn sóng M&A giữa DN hai nước tăng cao như hiện tại.
Đâu là lý do của làn sóng này, thưa ông?
Việc một loạt thương vụ mua bán cổ phần lớn vừa thành công, trong đó có thương vụ đạt giá trị lớn nhất tính đến thời điểm này là Mizuho Corporate Bank bỏ ra hơn 543 triệu USD để mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), cùng với các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu của Nhật Bản đạt hiệu quả kinh doanh tốt tại Việt Nam trong nhiều năm qua, đang tạo sức hấp dẫn đối với các DN Nhật Bản muốn tham gia thị trường Việt Nam.
Kết quả một cuộc điều tra mới nhất của RECOF đối với 307 DN Nhật Bản đang niêm yết và các DN tư nhân quy mô lớn cho thấy, Việt Nam xếp thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ tại châu Á với tư cách là điểm đến đầu tư hấp dẫn thông qua M&A. Có 2 điểm hấp dẫn chính khiến DN Nhật Bản chọn Việt Nam là triển vọng tăng trưởng thị trường và nguồn lao động dồi dào. Sự khó khăn của kinh tế vĩ mô nói chung, TTCK Việt Nam nói riêng cũng đang tạo cơ hội cho hoạt động M&A.
DN Nhật Bản có xu hướng M&A với DN niêm yết nhiều hơn hay với DN chưa niêm yết, thưa ông?
Không chỉ trong năm nay, mà thời gian tới, xu hướng DN Nhật Bản chủ yếu thực hiện mua bán, sáp nhập với các DN niêm yết trên TTCK Việt Nam. Lý do chính là bởi DN niêm yết có thông tin hoạt động minh bạch hơn so với các DN khác hiện có tại Việt Nam.
Khi niêm yết, tính xác thực về hiệu quả hoạt động của các DN này đã được “lọc” khá tốt, bởi chịu sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý và thị trường. Ở giai đoạn đầu của sự hợp tác, DN Nhật Bản có xu hướng tham gia góp vốn với tỷ lệ sở hữu ở mức thiểu số, để giảm thiểu rủi ro. Họ luôn chú trọng tìm kiếm cơ hội M&A với các DN Việt Nam đã có chỗ đứng, thị phần nhất định tại thị trường nội địa và có chiến lược hoạt động bài bản, minh bạch.
Cụ thể đó là các DN hoạt động trong những lĩnh vực nào, thưa ông?
Các DN Nhật Bản đang gia tăng hoạt động tìm kiếm cơ hội sở hữu cổ phiếu của các DN Việt Nam đang niêm yết hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất máy móc, thiết bị điện, thép, thực phẩm, hóa chất… và tài chính như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… Quy mô của các DN mục tiêu có giá trị khoảng từ trên 5 triệu USD đến 100 triệu USD. DN Nhật Bản cần một quá trình ra quyết định tương đối lâu, nhưng sẽ hiện thực hóa thương vụ khi đã ra quyết định và hiếm khi thay đổi quyết định đó.
Theo ông, cơ quan quản lý và DN Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy hoạt động M&A sôi động hơn?
Về dài hạn, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung pháp lý mang tính chuyên biệt cho hoạt động M&A theo thông lệ quốc tế. Trước mắt, cần sớm hoàn chỉnh các quy định về quản trị công ty, quản trị rủi ro, chuẩn mực công bố thông tin, chế độ kế toán và kiểm toán… theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế áp dụng cho các DN niêm yết và công ty đại chúng, để DN Nhật Bản dễ dàng tiếp cận thông tin từ phía DN Việt Nam. Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian cho một thương vụ M&A. Kinh nghiệm từ các thương vụ M&A thành công cho thấy, một điểm DN Việt Nam cần đặc biệt lưu ý là nên công bố thông tin trung thực, kịp thời về tình hình hoạt động, giá trị, lợi thế kinh doanh…, tuyệt đối tránh thông tin mập mờ dễ khiến đối tác nghi ngờ, mất niềm tin.
Theo ĐTCK