Các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể sẽ không áp dụng thêm các biện pháp kích thích tiền tệ trong tuần này khi giá dầu tăng cao kết hợp với mối quan tâm ít dần về một cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro.
Theo ý kiến của tất cả các nhà kinh tế được khảo sát bởi Bloomberg, Hàn Quốc và New Zealand sẽ giữ nguyên mức lãi suất công bố trong ngày 7/3. 15/16 chuyên gia được hỏi cũng cho rằng Indonesia cũng sẽ giữ lãi suất cơ bản không đổi ở mức 5,75% sau khi bất ngờ giảm hồi tháng trước, trong khi Malaysia được dự báo sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất hiện tại.
Việc giá dầu tăng 23% trong 6 tháng qua đang đe dọa một áp lực lạm phát trong khu vực. Trong khi đó, dấu hiệu cải thiện của thị trường việc làm Mỹ cũng như cái nhìn tích cực đối với Hy Lạp cũng giảm dần sự bức thiết của một gói kích thích nữa.
Ông Matt Hildebrandt, một nhà kinh tế tại JPMorgan Chase & Co tại Singapore cho biết "Rủi ro lạm phát hoặc tăng trưởng đều không đủ hấp dẫn để thúc đẩy các ngân hàng trung ương tiến mạnh theo bất kỳ hướng nào. Nhìn chung, các ngân hàng có thể sẽ chuyển từ mối quan tâm tăng trưởng sang trung lập."
Hầu hết các cổ phiếu và các loại tiền tệ châu Á đã tăng trong năm nay khi tăng trưởng của khu vực tiếp tục vượt Mỹ và châu Âu, thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn nữa. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 7,3% trong năm nay so với mức tăng 1,8% ở Mỹ và sự suy giảm của khu vực đồng euro.
Tuy vậy, một số ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục hạ lãi suất.
Bloomberg cũng đưa tin, Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ tái cấp vốn và repos thêm khoảng 1% trong vài ngày tới. Ngân hàng Nhà nước cho biết thông tin kinh tế cải thiện và tỷ lệ lạm phát giảm sẽ mở đường cho việc cắt giảm lãi suất. Lần cắt giảm lãi suất tái cấp vốn gần đây nhất của Việt Nam là vào năm 2009.
Theo TTVN