Tiền cho margin bắt đầu khan hiếm

Thứ tư, 07/03/2012, 09:03
Nhiều NĐT đang đặt cược số phận tài khoản của mình vào đợt tăng điểm này. Sử dụng đòn bẩy là cách để họ nhanh chóng hướng đến mục tiêu kỳ vọng.


Lãi vay margin hiện phổ biến ở mức 23%

“Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó”, nhiều NĐT dường như đang đặt cược số phận tài khoản của mình vào đợt tăng điểm này của thị trường. Sử dụng đòn bẩy (margin) là cách để họ nhanh chóng hướng đến mục tiêu kỳ vọng.

Với giá trị giao dịch lên tới gần 4.000 tỷ đồng như phiên hôm qua (6/3), nhiều người đặt câu hỏi: tiền ở đâu mà nhiều vậy? Câu trả lời có thể đến từ một đáp án quen thuộc: margin. Tất nhiên, để sử dụng nhiều vốn margin, bản thân NĐT phải nộp vào một lượng tương ứng tiền thực có. Ở những CTCK có sự “linh hoạt” cung cấp đòn bẩy cho NĐT, trong vòng 1 tuần qua, khan hiếm vốn vay cho NĐT đã bắt đầu xảy ra.

Anh Nguyễn Trọng Phúc, một NĐT tại Hà Nội cho biết, cách đây khoảng 10 ngày, CTCK nơi anh mở tài khoản chào mời NĐT sử dụng vốn vay với lãi suất 21%/năm. Thậm chí, nhân viên môi giới còn nói, nếu sử dụng dịch vụ cung cấp vốn vay của ngân hàng mẹ, cầm cố bằng bất động sản thì NĐT có thể được hưởng lãi suất 18%/năm. Nhưng đến cuối tuần trước, khi anh hỏi sử dụng dịch vụ margin thì nhân viên CTCK cho hay, lãi suất cho vay đã được nâng lên 23%/năm, cho vay theo hình thức cầm cố bằng bất động sản thì lãi suất cũng hơn 20%/năm. Việc tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh TTCK tăng điểm có lẽ chỉ được giải thích bằng tình trạng khan hiếm nguồn cho vay tín dụng chứng khoán.

Tại một số CTCK lớn, ĐTCK cũng ghi nhận tình trạng bắt đầu trở nên khan nguồn tiền hỗ trợ giao dịch chứng khoán cho NĐT. Ưu tiên khách lớn, khách VIP, nhất là “đội lái” là hiện tượng khá phổ biến tại các CTCK mà nguồn tiền hỗ trợ khách hàng bắt đầu cạn kiệt. Cũng vì thế, mức phí cho vay tuần qua đã tăng lên đáng kể so với trước đó, xấp xỉ 2%/năm so với cách đây một tháng.

Tuy nhiên, câu chuyện khan hiếm nguồn tiền cho dịch vụ margin không phải câu chuyện chung của các CTCK. Khảo sát của ĐTCK với nhiều CTCK khác cho thấy một bức tranh khác.

Tại CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), ông Trần Hữu Chung, phụ trách môi giới SHS cho biết, hơn 2 tháng qua, tổng lượng tiền cho khách hàng vay thông qua margin tăng mạnh, nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn chưa thiếu tiền cung cấp cho khách hàng. Một trong những nguyên nhân là do từ giai đoạn trước, SHS đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp, từ đó bổ sung được một nguồn tiền khá ổn định cho khách hàng vay.

Theo ông Chung, SHS chủ yếu cung cấp dịch vụ margin ngắn hạn, tối đa là 30 ngày. Khách hàng sử dụng đòn bẩy cũng có xu hướng sử dụng thời gian vay trong phạm vi T+4 (gói T4) thay vì T30, nên tốc độ quay vòng tiền rất nhanh. Ngoài ra, từ hơn 1 tuần nay, Ban lãnh đạo SHS có chủ trương siết chặt tỷ lệ margin trên từng mã chứng khoán cụ thể để hạn chế rủi ro.

Còn tại CTCK Tân Việt (TVSI), năm 2011, dịch vụ hỗ trợ tài chính cho NĐT đóng góp đáng kể vào hiệu quả hoạt động của Công ty, nhưng năm nay, khi thị trường tăng điểm mạnh, lượng khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính tăng không đáng kể. Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc TVSI cho biết, do Công ty áp dụng khá nghiêm ngặt tỷ lệ áp dụng cho vay đối với từng mã chứng khoán, nên trong thời gian qua, chưa khi nào khách hàng dùng hết số tiền mà Công ty phân bổ cho hoạt động margin. Trong giai đoạn vừa qua, tổng quy mô tiền khách hàng dùng đòn bẩy tại TVSI chỉ tăng khoảng 20%, thấp hơn nhiều so với tổng ngân sách mà Công ty sẵn sàng chi cho hoạt động margin là 300 tỷ đồng.

Theo ông Cường, khách hàng của TVSI thời gian vừa qua sử dụng nhiều tiền vốn là tiền tiết kiệm. “Đa số khoản tiền chuyển đến Công ty đến từ các khoản chuyển khoản ngân hàng, mà theo chúng tôi khảo sát thì đó là do NĐT rút tiền gửi tiết kiệm”, ông Cường nói.

Không chỉ sử dụng margin ít, thậm chí ĐTCK còn ghi nhận được trường hợp CTCK nằm trong Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn trên hai sàn, nổi tiếng là cho khách hàng sử dụng đòn bẩy cao trong quá khứ, nhưng gần đây  gần như không cung cấp dịch vụ margin.

Giám đốc chi nhánh Hà Nội của CTCK này cho biết, tại chi nhánh hầu như không có khách vay margin. Lý do của việc này chủ yếu là vì lãi suất áp dụng đối với khách hàng vay tiền lên tới 25%/năm. Vị này cho biết thêm, những ngày gần đây, các ngân hàng cũng chào mời lãi suất liên kết cho vay tới 23%/năm, nên bản thân Công ty không mấy mặn mà.

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn