Mục tiêu của quỹ này là đầu tư vào 100-150 dự án khởi nghiệp với 2 phân nhóm: các nhóm đáp ứng các nhu cầu của thị trường Việt Nam và nhóm Việt Nam hướng đến thị trường nước ngoài. Số vốn cho mỗi dự án thấp nhất là 100.000 USD và cao nhất đến 250.000 USD.
Ngoài việc nhận được hỗ trợ tài chính, các công ty đầu tư sẽ được tiếp cận mạng lưới quốc tế của 500 Startups với 3.000 cố vấn và những người sáng lập, cùng với mức ưu đãi tín dụng vay lên đến 1,5 triệu USD từ các đối tác như Amazon, Facebook và những nỗ lực khác nhằm giúp công ty mở rộng quy mô kinh doanh.
“Chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều cơ hội đầu tư ngắn hạn trong lĩnh vực B2B, doanh nghiệp dịch vụ phần mềm Saas, công nghệ tài chính Fintech và thương mại điện tử nhưng điều chúng tôi cần nhất chính là sự tận tâm và khát khao chinh phục đỉnh cao bất khả thi nhất của các founder”, Eddie Thái chia sẻ.
Trên thực tế, trong thời gian qua quỹ 500 Startup đã đầu tư vào một số công ty tận dụng chi phí thấp và các tài năng công nghệ cao ở Việt Nam như: ELSA (ứng dụng đào tạo kỹ năng phát âm trên điện thoại), Ticketbox (vé nền tảng cho những sự kiện hàng đầu Việt Nam) và Tappy (ứng dụng mạng xã hội định vị, được thâu tóm bởi Weeby.co).
500 Startups đánh giá Việt Nam là 1 thị trường có tiềm năng phát triển lớn và đang trong giai đoạn đầu của các quỹ đầu tư. Dân số Việt Nam đông hơn cả California, New York và Florida kết hợp lại và có hơn 40 triệu người đang sử dụng Internet.
Đây là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới từ năm 1990 và đang là thị trường phát triển nhanh nhất của Apple trên toàn thế giới. Đồng sáng lập Apple là Steve Wozniak, CEO Google Sundar Pichai và các nhà lãnh đạo công nghệ danh tiếng khác đã từng đến thăm Việt Nam trong những tháng qua.
Những thuận lợi khác như TPP, chi phí nhân công thấp và mức tiêu dùng tăng đã khiến US News gần đây xếp Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách “Những quốc gia tốt nhất nên đầu tư vào”.
Ngoài việc đầu tư mạo hiểm, quỹ 500 Startups còn hướng đến kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam qua việc đào tạo các nhà sáng lập, đặc biệt là việc thành lập doanh nghiệp và kêu gọi vốn đầu tư, cải thiện sản phẩm, trải nghiệm người dùng và tăng cường an ninh.
Cùng với đó, tổ chức nhóm các founder đã thành công với startup của mình trở thành mentor hoặc làm nhà đầu tư thiên thần cho cho các dự án non trẻ. Hỗ trợ thủ tục pháp lý cho các founder cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư giai đoạn sau.
Hai nhà điều hành của quỹ 500 Startup tại Việt Nam là Bình Trần, một kỹ sư công nghệ ở San Francisco có bốn lần sáng lập và 20 năm kinh nghiệm. Thành công gần đây nhất của ông là Klout được mua lại vào năm 2014 với giá 200 triệu USD.
Eddi Thái là doanh nhân có 6 năm kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược và tài chính cho các công ty khởi nghiệp, nằm trong danh sách Forbes Việt Nam Under 30 năm 2015.
Theo Trí Thức Trẻ