“Hiện tượng” Vissan

Thứ ba, 08/03/2016, 11:57
Tại phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, giá đấu thành công cao gần 5 lần mức khởi điểm cho thấy Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đang hấp dẫn nhà đầu tư

Sáng 7-3, tại phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), toàn bộ 11.328.002 cổ phần đấu giá đã bán hết cho 6 nhà đầu tư (5 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức) với giá bình quân 80.053 đồng/cổ phiếu, cao gần 5 lần mức khởi điểm.

Thu được 906 tỉ đồng

Theo diễn biến cuộc đấu giá, với mức khởi điểm 17.000 đồng/cổ phiếu, giá trúng cao nhất là 102.000 đồng, thấp nhất là 67.000 đồng. Với mức giá này, Vissan thu về 906 tỉ đồng. Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (Hose) công bố có 142 nhà đầu tư đăng ký mua tổng cộng hơn 63,5 triệu cổ phiếu Vissan, cao gấp gần 5,6 lần lượng chào bán.

Sau cổ phần hóa, Vissan có vốn điều lệ 809,14 tỉ đồng, nhà nước nắm giữ 65%, nhà đầu tư chiến lược 14% (tương đương 11.328.002 cổ phần), nhà đầu tư bên ngoài 14%, cán bộ- công nhân viên và tổ chức Công đoàn công ty 7%. Ngày 24-3, Vissan sẽ tổ chức phiên đấu giá cổ phần cho 3 nhà đầu tư chiến lược. Sau đó, dự kiến, ngày 29-4, Vissan sẽ tổ chức đại hội cổ đông đầu tiên và hoàn thành thủ tục đăng ký, đi vào hoạt động theo hình thức cổ phần vào tháng 6-2016.

Sản phẩm thực phẩm của Vissan được người tiêu dùng tin tưởng Ảnh: Tấn Thạnh
Sản phẩm thực phẩm của Vissan được người tiêu dùng tin tưởng Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết kết quả IPO sẽ là nền để nhà đầu tư định giá trong buổi đấu giá giành cho nhà đầu tư chiến lược sắp tới. Hiện có rất nhiều đối tác đủ điều kiện và muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan; trong đó có 3 đơn vị lớn, gồm Công ty CP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco), Công ty CP Dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (ANCO) thuộc Tập đoàn Masan và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc).

Đến cuối năm 2014, Vissan có tổng giá trị tài sản thực tế đạt 1.254 tỉ đồng, tổng giá trị thực tế nguồn vốn nhà nước có giá trị sổ sách 536 tỉ đồng. 9 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu của Vissan đạt 3.369 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 ước đạt hơn 109 tỉ đồng. Hiện ngoài mảng thực phẩm tươi sống, Vissan đang nắm 65% thị phần xúc xích, 75% thị phần lạp xưởng và sở hữu hệ thống phân phối với hơn 130.000 điểm bán trên toàn quốc.

Triển vọng đầu tư

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Hose, cho rằng qua kết quả IPO, Vissan đã trở thành một hiện tượng của thị trường chứng khoán khi giá đấu thành công cao hơn nhiều lần mức khởi điểm. Vissan là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, bài bản và phát triển theo hướng bền vững nên triển vọng đầu tư rất tốt. Đó là lý do các nhà đầu tư sẵn sàng mua với giá cao.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn đầu tư tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định so với các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết, Vissan là doanh nghiệp tiềm năng nhưng được định giá khá khởi điểm khiêm tốn. Vissan không chỉ là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm mà nó còn có một tài sản lớn về bất động sản, hệ thống phân phối, cơ sở vật chất...

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích