"Hành trình đi tới giấy phép xây dựng" qua lời một sếp doanh nghiệp

Thứ sáu, 29/04/2016, 08:19
Kể về hành trình của chính doanh nghiệp mình trong quá trình lấy giấy phép xây dựng cho một nhà máy 200 tỷ đồng, vị tổng giám đốc phản ánh lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực tế: Nói là một cửa, nhưng số chông gai mà doanh nghiệp phải vượt qua vẫn gần bằng tất cả chông gai của "nhiều cửa" ngày trước cộng lại!

Chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sắp diễn ra vào sáng nay (29/4), nhiều ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã được tổng hợp gửi đến Văn phòng Chính phủ và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tại hội nghị này, các doanh nhân, doanh nghiệp đều kỳ vọng sẽ giãi bày được những bức xúc nhất về khó khăn, vướng mắc vấp phải tới người đứng đầu Chính phủ, để từ đó nhằm tháo gỡ, đưa môi trường kinh doanh trở nên thông thoáng, thuận lợi hơn như mục tiêu Chính phủ hướng đến.

"Việc nhập thiết bị và thi công thì có thời hạn còn việc cấp giấy phép là vô thời hạn"

"Hành trình đi tới một giấy phép xây dựng"

Trong bức "tâm thư" gửi đến Thủ tướng, một vị tổng giám đốc doanh nghiệp phản ánh, thủ tục hành chính đang càng ngày càng giăng mắc, trói chặt các doanh nghiệp bằng các sợi dây vô hình tưởng như không thể nào nới ra được. Điều này thể hiện qua "hành trình đi tới một giấy phép xây dựng" của doanh nghiệp. Theo vị tổng giám đốc, nếu thực hiện đúng theo quy định pháp luật thì để có một giấy phép xây dựng không quá khó khăn, nhưng trên thực tế lại vô cùng phức tạp.

Cụ thể, khi dự án được chấp thuận, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, việc tiến hành xây dựng trên quy hoạch này là đương nhiên thế nhưng, để làm được điều này, doanh nghiệp phải qua rất nhiều cửa ải. Cửa ải bắt buộc là "giấy chứng nhận thẩm định phương án Phòng cháy chữa cháy" của cơ quan Phòng cháy chữa cháy (PCCC).

"Tưởng là đơn giản nhưng nếu ai đã từng trải qua thì đều thấy phức tạp", vị tổng giám đốc cho biết. Câu chuyện mà ông kể gói gọn như sau:

"Một công ty của Tổng công ty chúng tôi có dự án xây dựng một nhà máy bê tông đúc sẵn, có phun lửa vào nhà máy cũng không thể cháy được. Một tình thế bất ngờ, một yêu cầu thật lạ lùng mà cơ quan thiết kế đưa ra làm chúng tôi phải đau đầu đó là "thiết kế yêu cầu chúng tôi phải xây tường gạch bao kín các cột thép để phòng gây cháy"!?. Chúng tôi chỉ có thể lựa chọn 1 trong 3 phương án sau đây:

a. Bỏ cột thép thay thế bằng cột bê tông để khỏi phải xây.

b. Theo phương án mà họ đưa ra (xây bịt) để được phê duyệt.

c. Cứ chấp thuận theo phương án của họ để xong thủ tục nhưng khi thi công thì làm theo ý mình.

Nếu theo phương án (a) thì hồ sơ thiết kế nhà máy bị hủy bỏ hoàn toàn và phải làm lại hết, gây tốn kém tiền bạc và kéo dài thời gian làm lại thiết kế nên phương án này bị loại bỏ.

Nếu theo phương án (b) thì cũng không được vì thành “ngớ ngẩn”!.

Vậy duy nhất là phải theo họ nhưng khi làm thì không xây bịt... và phương án này biết trước phải chấp nhận 'làm luật" cho mỗi lần cơ quan PCCC đến kiểm tra (việc kiểm tra này ít nhất là 1 năm 1 lần và kéo dài gần như vĩnh viễn).

Chặng đường làm thủ tục của các doanh nghiệp rất gian nan (ảnh minh họa)

Khi được "một cửa chấp nhận" cấp cho giấy hẹn ngày trả tưởng đã xong. Nhưng đến ngày hẹn "một cửa" trả lời đơn giản là "chưa xong", các sếp bận chưa ký được. Một tuần sau cũng chưa xong, các sếp vẫn bận. Hai tuần sau "một cửa" thông báo sếp về rồi nhưng muốn ký được thì phải "tác động". Quá mệt mỏi và bức xúc vì một dự án 200 tỷ đồng, thiết bị đã nhập về chất đống đầy sân đã nằm chờ nhiều ngày xin cấp phép xây dựng mà giấy của PCCC còn chưa xong. Không còn cách nào tốt hơn chúng tôi phải nghe theo lời khuyên của "một cửa" là "tác động". Nhưng có thể "tác động" chưa đủ mạnh nên "một cửa" bảo vẫn phải chờ. Tới lúc này chúng tôi không còn chịu được nữa.

Thái độ của nhân viên một cửa thường rất lạnh lùng, họ bảo việc chờ, việc chậm là bình thường, chuyện bé có gì phải làm ầm lên. Để có một giấy chứng nhận PCCC phải mất 3 tháng. Vẫn còn hàng loạt cửa ải nữa mới mong có được một giấy phép xây dựng".

"Công chức nhà nước phải bỏ thói vô cảm và vòi vĩnh"

Trong bức thư gửi Thủ tướng, vị tổng giám đốc cho rằng, mặc dù cơ chế “một cửa” được coi là bước tiến trong cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân, nhưng trên thực tế, “một cửa” vẫn như “nhiều cửa” và xu hướng còn rắc rối hơn. Nói là một cửa, nhưng số chông gai mà doanh nghiệp phải vượt qua vẫn gần bằng tất cả chông gai của "nhiều cửa" ngày trước cộng lại!

Theo vị đại diện, có lẽ vì bộ máy quản lý quá cồng kềnh và còn tình trạng quan liêu, thói quen tệ hại của một bộ phận công chức nhà nước đã làm xấu đi ý nghĩa tốt đẹp của hai từ "một cửa".

Trong câu chuyện trên, doanh nghiệp phải trình các hồ sơ thiết kế. Để có được bộ hồ sơ này, doanh nghiệp phải nhập toàn bộ thiết bị dây chuyền cho nhà máy. Và như vậy doanh nghiệp phải bỏ tiền vốn của mình ra nhập đầy đủ thiết bị và nằm chờ giấy phép xây dựng. Những điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Còn thủ tục cấp hạn mức tín dụng của ngân hàng chỉ được xác nhận khi đã có giấy phép xây dựng (nhưng khi đó doanh nghiệp gần như đã bỏ hết vốn tự có ra rồi cần gì tới vốn của ngân hàng nữa). Những điều như thế rất vô lý và luẩn quẩn.

"Thật trớ trêu khi việc nhập thiết bị và thi công thì có thời hạn. Còn việc cấp giấy phép là vô thời hạn" - Vị tổng giám đốc nhận xét, đồng thời cho biết, những trường hợp như trên khiến cỗ máy hành chính vốn được nuôi bằng tiền thuế của dân nhưng khi ai đó cần đến thì lại chỉ nổ máy hoạt động nếu được đổ thêm nhiên liệu.

"Đất nước cần cuộc cải cách thực sự. Bộ máy quản lý nhà nước phải tinh gọn. Công chức nhà nước phải bỏ thói vô cảm và vòi vĩnh. Có như thế thì doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển để đóng góp thiết thực vào công cuộc chấn hưng đất nước" - vị doanh nhân bày tỏ trong bức thư gửi Thủ tướng nhân hội nghị người đứng đầu Chính phủ đối thoại cùng doanh nghiệp.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn