“Trà đá, rau thơm” mã hồi tiền tỷ
Ba phiên tăng liên tiếp cuối tháng 5/2016 đã kéo cổ phiếu DRH của CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ Ước lên mức 46.200 đồng/cp, cao gấp khoảng 8 lần so với trước đó 1 năm và cao gấp hơn 35 lần cách đó 3 năm. DRH bất ngờ vụt thành tâm điểm thị trường.
Thời điểm này năm ngoái, nhà đầu tư Hà Mạnh Tuấn ghi nhận biến động bất thường của DRH. Giao dịch tăng vọt ở mức giá 6.000 đồng/cp cùng với xu hướng tăng giá trong tuần trước đó cho thấy một cổ phiếu sắp nổi sóng.
Đầu tư đa ngành, không xác định thế mạnh khiến nhiều cổ phiếu sụp đổ. |
Tuy nhiên, không mấy ai để ý bởi các số liệu tài chính cho thấy DRH kém hấp dẫn. Thông tin DRH chào bán riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp cũng không thể kéo cổ phiếu này thoát ngưỡng 6.000 đồng/cp. Mất kiên nhẫn, ông Tuấn đã bán DRH với mức lãi không đáng kể nhưng bây giờ ông mới thực sự tiếc.
Sau một thời gian làm ăn bết bát vì bị “ăn quả lừa” lớn liên quan tới dự án khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội), cổ phiếu SHN của Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) bất ngờ nổi sóng, liên tục tăng mạnh từ mức 'rau dưa' vài trăm đồng/cp lên tới trên 20.000 đồng/cp.
Từ chỗ kiểm toán lo lắng khả năng hoạt động liên tục và chủ tịch SHN - Đinh Hồng Long tuyên bố DN bên bờ vực phá sản, hơn 6.000 cổ đông nguy cơ mất vốn, SHN bất ngờ trở thành ngôi sao trên thị trường với những thương vụ lướt sóng cổ phiếu kiếm hàng trăm tỷ đồng trong vài ngày. Dường như, cú M&A với sự xuất hiện của đại gia Vũ Văn Tiền đã giúp SHN gặp vận đỏ.
Cổ phiếu TNT của CTCP Tài Nguyên cũng tăng 20 lần trong 2 năm gần đây, từ mức vài trăm đồng/cp lên hơn 25.000 đồng/cp. Cổ phiếu TDM của CTCP Nước Thủ Dầu Một tăng gấp hơn 2,5 lần trong vòng một tuần.
Không ít cổ phiếu bất ngờ vượt mặt các blue-chips để gia nhập câu lạc bộ trên 100 ngàn đồng/cp như TV2, Vicostone (VCS), Mía đường Sơn La (SLS), Coteccons (CTD), Superdong Kiên Giang (SKG), Phú Tài (PTB)…
Cuối 2015 đầu 2016, giới đầu tư cũng chứng kiến những đợt 'sóng thần' trên UPCOM. Hàng loạt cổ phiếu im hơi lặng tiến bất ngờ thu hút sự chú ý của nhiều NĐT như May Việt Tiến (VGG), Tài Nguyên Masan (MSR), Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEF)…
Nhiều cổ phiếu có giá ngang rau thơm, trà đá. |
Cú trượt dài của những ông lớn
Không ít cổ phiếu bị rơi vào quên lãng trong một thời gian dài đã hồi phục trở lại. Ngay cả một số cổ phiếu bị hủy niêm yết trên 2 sàn TP.HCM và Hà Nội và khi được chuyển sang UPCOM cũng đã nổi sóng.
Đặc điểm chung của các cổ phiếu tăng giá mạnh thường có lĩnh vực kinh doanh khá hẹp, tập trung, có dịch vụ tranh cạnh hoặc/và có nhiều BĐS hấp dẫn và DN bật dậy nhanh khi thị trường phục hồi. Tuy nhiên, cũng có không ít các cổ phiếu ngày càng chìm vào quên lãng, không mấy khi được nhắc tới cho dù từng là cái tên oanh liệt một thời.
HAP của Tập đoàn Hapaco là một trong 3 cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên TTCK năm 2000 (cùng với SAM và REE), Hapaco được gần như tất cả các NĐT chứng khoán thời kỳ đó biết tới là một cổ phiếu blue-chip hàng đầu.
Tuy nhiên, giờ đây, rất ít người còn nhắc tới Hapaco. Trong 3 năm qua, cổ phiếu HAP có giá loanh quanh 4.000-8.000 đồng/cp. Gần đây, HAP có đầu tư thêm bệnh viện quốc tế nhưng vẫn khá lu mờ.
Lên sàn cùng HAP, CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông - Sacom (SAM) cũng đã có một giai đoạn thăng trầm. 5 năm đầu trên sàn, Sacom blue-chips trụ cột của TTCK. Cho tới thời điểm này, SAM vẫn là một trong những DN lớn trên sàn với vốn chủ sở hữu gần 2,5 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, SAM hiện còn rất ít ấn tượng với nhà đầu tư và thị giá dưới 10.000 đồng. Cổ tức liên tục suy giảm trong gần 10 năm qua. Danh tiếng của SAM đi xuống gắn liền với những thời điểm kinh doanh thua lỗ, sức cạnh tranh kém hẳn khi đầu tư đa ngành. Quý I/2016, SAM báo lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Trên TTCK, giới đầu tư còn chứng kiến sự lãng quên cổ phiếu ALP (CTCP Alphanam) của ông Nguyễn Tuấn Hải. Cổ đông mù thông tin về DN này sau khi ALP hủy niêm yết tự nguyện trên TTCK và nhiều năm liên tục thua lỗ. Tới đây, có thể sẽ không còn nhiều người nhớ tới cổ phiếu MPC của Thủy sản Minh Phú sau khi vợ chồng chủ tịch Lê Văn Quang quyết định rút niêm yết cổ phiếu.
Nhiều cổ phiếu đã trở thành dĩ vãng và không còn mấy khi được nhắc đến như: Vận tải dầu khí Vinashin VSP (đã tên thành vận tải biển và BĐS Việt Hải), Chứng khoán AGR, Nagakawa Việt Nam (NAG), Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX), Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV), CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), bánh kẹo Kinh Đô, CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI), các đế chế “họ” Sông Đà, dầu khí, Vinaconex, Viglacera... Khi tất cả đã và đang trải quan giai đoạn khó khăn do thua lỗ, nợ nần ngàn tỷ.
Theo VietnamNet