Doanh nghiệp nội “tố” siêu thị ngoại làm khó

Thứ bảy, 13/08/2016, 11:45
Chiết khấu cao, kéo dài thời gian thanh toán, phát sinh nhiều chi phí không chính thức... là những bất hợp lý các doanh nghiệp trong nước phải gánh chịu khi đưa hàng vào kênh siêu thị ngoại.
Nhiều siêu thị ngoại đưa ra các điều kiện bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Điều này dẫn đến nguy cơ hàng Việt bị đánh bạt ra khỏi kênh phân phối này.

Những bất hợp lý trên đã được doanh nghiệp (DN) nêu cụ thể tại hội thảo “Tăng cường kết nối hàng Việt Nam với các kênh phân phối”, do Bộ Công Thương cùng Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam tổ chức tại TP.HCM hôm qua (12-8).

Chiết khấu gấp đôi

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food, phản ánh nếu mức chiết khấu tại nhiều siêu thị trong nước từ 10% trở xuống thì ở các siêu thị ngoại cao hơn, từ 10 - 20%; thời gian thanh toán của các siêu thị nội phổ biến là 30 ngày thì tại các siêu thị ngoại từ 30 - 45 ngày, thậm chí có nơi còn kéo dài đến 90 ngày. Hay trong khi một số siêu thị nội miễn phí chào thêm sản phẩm mới cho DN thì các siêu thị ngoại lấy phí rất cao và trả lời cho DN rất lâu, có khi kéo dài đến 6 tháng.

Đặc biệt, bà Lâm bức xúc cho biết trong việc thông báo thay đổi giá sản phẩm cực kỳ khó khăn, kéo dài đến 90 - 120 ngày. Ví dụ, giá cá trứng từ đầu năm đến nay tăng hằng ngày trên thị trường thế giới, với mức tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Saigon Food đã gửi thông báo tăng giá 10% và một số siêu thị nội địa đã chấp thuận. Nhưng các hệ thống siêu thị lớn như Metro, BigC và cả Sài Gòn Co.op chưa có phản hồi, dù đã hơn 1 tháng trôi qua và công ty cũng không biết đến bao giờ mới được chấp thuận.

“Nghịch lý ở chỗ đã là bạn hàng càng lâu năm thì mức chiết khấu càng cao vì mỗi năm các siêu thị đòi tăng mức chiết khấu. Chưa hết, nếu DN dễ tiếp cận với các siêu thị nội để chia sẻ thông tin thị trường, hàng hóa tồn kho, xu hướng kinh doanh... thì với siêu thị ngoại DN hoàn toàn không biết thông tin gì. Nói chung DN vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận hay thương lượng với các siêu thị nước ngoài” - bà Lâm nói.

Đồng quan điểm trên, ông Ngô Minh Hải, Phó giám đốc Tập đoàn TH, cũng cho rằng mức chiết khấu từ 12 - 20% của các siêu thị là quá cao. Chưa kể, hằng năm, các siêu thị đều nâng mức chiết khấu lên thêm 0,5 - 2%. Bên cạnh đó, chi phí kê khai sản phẩm mới và chi phí thuê mướn quầy kệ cũng quá cao khiến nhiều DN phải bỏ cuộc khi muốn đưa hàng vào siêu thị.

Còn theo bà Huỳnh Bảo Châu, Giám đốc marketing Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex, các DN phải trả hàng loạt chi phí gồm trưng bày, phí mở mã hàng mới, thuê quầy kệ, quảng cáo hay thưởng doanh số... và các mức phí cũng được tăng tùy tiện theo từng năm. Chẳng hạn, để thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở các điểm bán mới của siêu thị, DN phải hỗ trợ chi phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán từ 15 - 30%.

Ngoài ra, DN phải chi thêm những khoản phí không chính thức cho nhân viên siêu thị để hàng được đưa lên quầy kệ, nếu không hàng hóa sẽ bị nhét trong kho. Hoặc DN phải có nhân viên đứng tại siêu thị để phụ những việc khác nếu không thì hàng hóa không được ưu tiên xuất kho đưa lên quầy kệ…

Bà Huỳnh Bảo Châu nhấn mạnh: “Thị trường ngày càng dày đặc hệ thống phân phối ngoại khiến không chỉ riêng Cholimex mà nhiều DN khác cũng có nguy cơ bị đánh bật khỏi kênh phân phối hiện đại vì nhiều loại phí và mức chiết khấu đòi hỏi quá cao. Việc loại bỏ sản phẩm Việt Nam được thực hiện xem ra rất hợp lý, nhưng thật sự đó là cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, cần phải có sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về việc có hay không ưu đãi cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước và hàng hóa của chính quốc ở các hệ thống phân phối ngoại”.

Xây dựng kênh phân phối đối trọng

Từ những bức xúc nêu trên, các DN trong nước đều cho rằng các hệ thống siêu thị cần xem lại chính sách của mình. Theo ông Ngô Minh Hải, siêu thị nên đưa ra mức chiết khấu hợp lý để đảm bảo chính sách giá bán hợp lý, rút ngắn khoảng cách về giá bán cho người dùng giữa kênh siêu thị và kênh truyền thống; đồng thời cần giảm chi phí kê khai sản phẩm mới cũng như cân nhắc để tìm giải pháp cho khoản chi phí thuê mướn theo định hướng hợp tác hai bên cùng có lợi. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét xây dựng cơ chế có kênh phân phối riêng dành cho hàng Việt Nam và tạo ưu thế cạnh tranh cho hàng nội bằng các chương trình cụ thể...

Còn bà Huỳnh Bảo Châu kiến nghị Bộ Công Thương cần ra chính sách quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hằng năm của các nhà phân phối; cần thiết quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ, ưu tiên các điểm bán lẻ cho DN trong nước.

Tương tự, đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị cũng đề xuất các siêu thị cần tạo điều kiện nhận thêm mã hàng mới của nhà cung cấp để đa dạng hóa sản phẩm; giải quyết vấn đề quá tải trong giao nhận hàng hóa tại các kho để giảm thời gian chờ đợi cho nhà cung cấp; đưa giá bán sản phẩm về mức hợp lý hơn để tạo sự cạnh tranh tốt hơn...

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Lâm cũng nhấn mạnh rằng các siêu thị cần xem xét lại những khoản chi phí bất hợp lý, tăng cường việc giao lưu, chia sẻ thông tin thị trường giữa siêu thị với các nhà cung cấp. Ngoài ra, bản thân các DN cần xây dựng kênh phân phối cho riêng mình, mở rộng kênh phân phối khác để không quá lệ thuộc vào các siêu thị. Quan trọng hơn, nhà nước cần hỗ trợ cho các DN phân phối, bán lẻ nội địa để mở rộng hệ thống siêu thị, đổi mới công nghệ và đó cũng là cách góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa Việt Nam nhiều hơn.

Siêu thị Việt cũng chèn ép DN nội

Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, hệ thống Sài Gòn Co.op vẫn để cho hàng của Ba Huân vào nhưng lại “chặn” không cho sản phẩm vào hệ thống Co.op Food - một kênh phân phối đang được phát triển mạnh đến các khu dân cư. “Nguyên nhân là họ đặt hàng của các doanh nghiệp nhỏ lẻ ở các địa phương sản xuất “nhãn hàng riêng” cho họ. Tôi đã nhiều lần phản ánh vấn đề này với lãnh đạo siêu thị, lãnh đạo thành phố nhưng nhiều năm rồi vẫn không đạt kết quả”, bà Huân nói.

Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích