Đế chế của Trump: Mê cung nợ và những nút thắt chồng chéo

Thứ hai, 21/11/2016, 19:04
Trong chiến dịch tranh cử, Trump tuyên bố việc kinh doanh giúp ông kiếm hàng tỷ USD và không bị phụ thuộc tài chính vào bất kỳ tổ chức nào. Nhưng sự thật có thể không như vậy.

Một cuộc điều tra do The New York Times thực hiện về mê cung tài chính của Trump đã cho thấy các công ty của vị tỷ phú này nợ ít nhất 650 triệu USD, gấp đôi khoản nợ mà tự ông kê khai trong hồ sơ tranh cử vào Nhà Trắng. Tờ báo còn điều tra được tài sản của ông Trump bị chi phối mạnh mẽ bởi một danh sách dài những nhà tài trợ.

Trump tại khách sạn Trump International ở Washington (Mỹ), nơi công ty con của ông thuê đất trong 60 năm từ chính phủ với giá 3 triệu USD mỗi năm. Ảnh: The New York Times.

Một tòa nhà văn phòng tại Manhattan, New York (Mỹ) do Trump đồng sở hữu hiện đang nợ tới 950 triệu USD từ nhiều nguồn, trong đó có khoản vay từ Bank of China, ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, quốc gia mà Trump đã liệt vào hàng đối thủ kinh tế của nước Mỹ trong chiến dịch tranh cử. Ngoài ra tòa nhà này còn sử dụng khoản vay quỹ Golden Sachs, quỹ tài chính mà Trump cho rằng đã thao túng bà Hillary Clinton trong quá trình bầu cử sau khi trả cho bà 675.000 USD “phí diễn thuyết”.

Các dự án bất động sản thường có cấu trúc sở hữu và sang nhượng phức tạp nên với thâm niên trong ngành cùng tài sản được chính Trump tự nhận là hơn 10 tỷ USD, có thể khẳng định ông sẽ là tổng thống phức tạp nhất về mặt tài chính cá nhân trong lịch sử bầu cử Mỹ.

Sau khi nhậm chức Trump sẽ có ảnh hưởng lớn tới chính sách thuế và tiền tệ của nước Mỹ cũng như có quyền đưa ra những quyết định có thể ảnh hưởng tới đế chế tài chính của chính ông. Trump cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới nhánh lập pháp, tạo ra tác động lớn tới tài sản của mình. Là tổng thống Mỹ, Trump cũng hoàn toàn có thể thay đổi chính sách đối ngoại và làm việc chính thức với nhiều quốc gia mà tập đoàn của ông quan tâm.

Tuy nhiên cuộc điều tra của The New York Times không thể làm rõ hết được mảng kinh doanh đang nằm trong bóng tối của Trump. Ứng viên đắc cử tổng thống này đã từ chối công khai hồ sơ thuế cũng như không cho phép một đơn vị kiểm toán độc lập đánh giá tài sản của mình.

Trước đó trong chiến dịch tranh cử, Trump đã hoàn thiện một báo cáo tài chính liên bang dài 104 trang để hoàn thiện hồ sơ tranh cử. Ông tự khai rằng các doanh nghiệp của mình vay ít nhất 315 triệu USD từ khoảng hơn 500 nguồn cho vay nhỏ. Dù đã điền đầy đủ bản báo cáo, Trump vẫn còn rất nhiều điều chưa công khai do bản báo cáo được thiết kế cho những ứng viên có tài chính ít phức tạp hơn Trump rất nhiều và không yêu cầu Trump phải tiết lộ chi tiết các hoạt động kinh doanh.

Các sản phẩm mang thương hiệu Trump được bày bán bên ngoài một bất động sản thuộc sở hữu của Trump Organization. Ảnh: The New York Times.

Ngoài khoản nợ 650 triệu USD tại các công ty của mình, tờ thời báo này còn phát hiện ra tài sản của Trump còn gắn kết mật thiết với các đối tác khác và nhóm này hiện đang nợ 2 tỷ USD từ nhiều nguồn, đã bao gồm khoản nợ 950 triệu USD kể trên.

Ông Trump từng khẳng định nếu nhậm chức tổng thống, ông sẽ nhường lại việc kinh doanh cho 3 người con của mình. Rất nhiều tổng thống tiền nhiệm đã tránh những mâu thuẫn trong quyền lực được giao và quyền lợi cá nhân. Nhiều đời tổng thống đã bán nhiều tài sản sau khi nhậm chức để chuyển sang các hình thức đầu tư “mù”, nơi tài sản của các tổng thống sẽ được đem đầu tư sinh lời tại các nguồn mà họ không biết tới nhằm tránh những ảnh hưởng thiên vị tới các quyết định điều hành đất nước. Việc các con của Trump bán lại tập đoàn Trump Organization để làm điều tương tự là chuyện rất khó có thể xảy ra.

Trump từng phát biểu trên CNN rằng “Tôi là vua nợ” và “Tôi yêu các khoản nợ”. Nhưng trong sự nghiệp của mình nợ đã nhiều lần thắng Trump khi ông từng phá sản tới 4 lần.

The New York Times đã công bố rất nhiều chi tiết trong kết quả điều tra của mình, cho thấy Trump có cổ phần hay sở hữu một phần ở rất nhiều dự án bất động sản rải khắp nước Mỹ, đi kèm là các khoản nợ nhỏ nhưng nếu cộng dồn lại, con số này có thể lên tới 1,95 tỷ USD.

Truy sở hữu của Trump là việc rất khó khăn vì có dự án ông sở hữu cả tòa nhà và mảnh đất, có dự án ông chỉ sở hữu một trong hai hoặc chỉ đầu tư một phần dưới dạng vốn.

Theo giáo sư Painter, cựu luật sư về đạo đức tại Nhà Trắng, lịch sử kinh doanh mờ mịt của Trump có thể khiến ông dễ bị ảnh hưởng bởi các nhà băng, các doanh nhân lớn trong và ngoài nước Mỹ. “Thành công của đế chế Trump phụ thuộc vào khả năng gọi tín dụng, vay vốn và chúng ta hầu như không biết gì về những thương vụ tài chính của Trump ở khắp nơi trên thế giới”, giáo sư Painter cho hay.

Theo Zing

Các tin cũ hơn