Cuộc chuyển giao quyền lực của Tổng thống tân cử Donald Trump đang trải qua nhiều xáo trộn mạnh mẽ. Việc một doanh nhân trở thành tổng tư lệnh đất nước, đặc biệt là thông tin về các cuộc điện đàm giữa tỷ phú Trump và các nhà lãnh đạo thế giới thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Một lần nữa, ông Trump đang thực hiện cách thức tiếp cận ngoại giao không chính thống, khiến nhiều người hoài nghi liệu đây có phải là dấu hiệu cho một cuộc đại tu về các thủ tục chính trị ở Mỹ.
Theo truyền thống, Tổng thống đắc cử cần thảo luận với Bộ Ngoại giao trước khi thực hiện hoặc trả lời điện đàm từ người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ khác.
Đây là cách mà đội ngũ chuyển giao quyền lực phối hợp với nhóm chiến lược tiếp cận cộng đồng quốc tế của Tổng thống đắc cử Barack Obama từng thực hiện trong năm 2008.
Tổng thống tân cử Trump trả lời cuộc gọi của Thủ tướng Anh Theresa May trong chiến dịch tranh cử. |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng cho biết đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Trump không hề trao đổi với họ cho tới ngày 17/11, sau khi ông Trump thực hiện vài cuộc hội đàm với một số nhà lãnh đạo nước ngoài.
Điều này dường như tạo ra sự bối rối cho chính phủ một số nước muốn chúc mừng chiến thắng vị Tổng thống mới đắc cử.
Nguồn thạo tin nói với CNN rằng một vài quốc gia thân cận với Mỹ gặp nhiều khó khăn khi liên hệ với phía đội ngũ của ông Trump để sắp xếp thành công cuộc điện đàm song phương.
Hơn nữa, một số nhà ngoại giao cho biết những cuộc gọi này không trải qua bất kỳ cuộc kiểm duyệt hay xác nhận nào.
Minh chứng cho điều này, sau nhiều nỗ lực vô vọng, cuối cùng, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull có trong tay số điện thoại cá nhân của tỷ phú Trump nhờ sự hỗ trợ của golf thủ Greg Norman.
Năm 2008, ông Obama trả lời 22 cuộc gọi từ những người đứng đầu thế giới. Các cuộc gọi này ưu tiên các nhà lãnh đạo từ quốc gia có tầm quan trọng về mặt chiến lược với Mỹ và hợp lý về mặt thời gian, theo tổ chức phi lợi nhuận Partnership for Public Service.
Trong khi đó, bộ máy chuyển giao quyền lực của Trump công bố danh sách 29 nhà lãnh đạo nước ngoài đã nói chuyện với Tổng thống tân cử Trump và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence.
Năm 2008, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama bắt đầu nhận các cuộc điện đàm 2 ngày sau khi đắc cử, trong khi đó, ông Trump đã thực hiện các cuộc gọi với các nhà lãnh đạo thế giới ngay trong ngày bầu cử. Ảnh: CNN |
Hãng tin CNN xác minh một cách độc lập những nguyên thủ quốc gia điện đàm với ông trùm địa ốc, trong đó bao gồm lãnh đạo các nước Ireland, Australia, Canada, Nhật Bản, Israel, Đan Mạch, Ai Cập , Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Mexico, Argentina, Hàn Quốc và Ukraine. Ông Trump cũng đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Vua Saudi Arabia Salman bin Abdelaziz Al-Saud.
Ngày 16/11, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống đắc cử Trump phản pháo thông tin của New York Times cho rằng các lãnh đạo thế giới, các đồng minh của Mỹ đang “chật vật để tìm cách để có thể liên hệ được với ông Trump”.
"Tôi nhận và hồi đáp các cuộc điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài chứ không phải như @nytimes nói. Nga, Anh, Trung Quốc, Saudi Arabia, Nhật và nhiều nước khác nữa. Tôi luôn sẵn sàng tiếp chuyện với họ", ông viết.
Nhiều học giả "nhíu mày" trước việc ông Trump thực hiện các cuộc điện đàm một cách bừa bãi và cho rằng ông vẫn mang theo tính bồng bột vào Nhà Trắng.
"Tất cả chỉ là một đống lộn xộn. Nó không giống như việc tuân theo trình tự hợp lý và sẽ không giúp ích gì cho vị tỷ phú", Đại sứ Anh tại Mỹ Christopher Meyer nói với CNN.
Mặt khác, Leslie Vinjamuri, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học London, cho rằng việc "ngôi sao truyền hình" ưu tiên liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin "gây ra nỗi lo lắng cho các đồng minh châu Âu của Mỹ".
"Những gì ông ấy khởi đầu thể hiện rằng con đường ngoại giao của Trump còn rất gian nan", cô Vinjamuri cho biết.
Trong khi đó, ông Meyer cho rằng việc các nhà lãnh đạo thế giới bỏ qua nghi lễ ngoại giao truyền thống là điều "bất bình thường".
"Tôi chưa hiểu điều gì sẽ xảy ra. Đây là luật là các tân tổng thống cần nắm rõ khi bắt đầu cuộc chơi", Meyer nhận định.
Trước những điều khác thường trong chiến dịch tranh cử của vị tỷ phú và nay là những động thái đầu tiên khi đắc cử, ông Meyer cho rằng giới quan sát không cần quá ngạc nhiên bởi Trump thường đi ngược với số đông.
"Chiến dịch tranh cử của ông ấy đã phá bỏ mọi quy tắc. Câu hỏi lớn nhất là Trump sẽ làm gì tiếp theo trong phòng Bầu dục", ông Meyer tiếp lời.
"Chiến thắng của Donald Trump cảnh báo chúng ta về thực tế rằng ông ấy có thể sẽ không là nhà lãnh đạo tuân thủ các luật lệ, trật tự vốn có. Điều này sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao, bởi các đối tác của Mỹ quen với cách tiếp cận thảo luận mềm mỏng và cẩn thận của Tổng thống đương nhiệm Obama", cô Vinjamuri giải thích.
Vinjamuri còn cho rằng quan điểm, các chính sách dưới thời tỷ phú Trump có thể phương hại mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh quan trọng.
Theo Zing