|
Có thể tóm gọn câu chuyện: Sáng 18-11, một chiếc xe tải chở 800 con vịt chạy đồng (khoảng 2kg/con) từ Long An đến Đồng Tháp để nuôi thêm vài tuần nữa rồi bán. Xe vừa sang phần đường bên phải của Quốc lộ 1 (thuộc địa bàn Long An) thì mất lái và lật ngang. Cửa thùng xe bung ra, 800 con vịt - cả sống và chết - văng khắp mặt lộ.
Nhiều người đi đường trông thấy vội dừng xe, cùng bà con tại chỗ giúp người chủ số vịt trên là anh Nguyễn Quốc Phú (36 tuổi) gom hết vịt vào bãi đất trống cạnh đó. Nhìn xác vịt la liệt, anh Phú lặng người, rớm nước mắt. Khi được hỏi chuyện lỗ lã, anh nói giá vịt lúc này là 45.000 đồng/kg, bây giờ ráng bán 20.000 đồng/con để thu lại ít vốn. Nghe vậy, nhiều người đã mua hỗ trợ anh, người mua ít thì 3 con, nhiều nhất đến 20 con. Sau hơn 2 giờ, số vịt chết được bán hết. Anh Phú cảm ơn mọi người; dành khoảng 20 con vịt tặng những người phụ bán với anh nhưng họ kiên quyết không nhận.
Một ngày sau vụ việc, trong lúc đang chờ dự một sự kiện nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, anh bạn là giáo viên toán ở một trường THPT tại TP.HCM điện thoại nói về vụ này với giọng hào hứng: “Tôi thích loại tin này, nó có tác dụng xả stress. Lâu nay cứ nghe toàn chuyện lừa lọc, giựt dọc, đánh đấm, chém giết mà nhức cả cái đầu!”. Một kiểu phản ứng rất hiếm thấy.
Đúng là loại tin tốt như vậy có tác dụng giải stress, đặc biệt với những người quan tâm đến các diễn biến hướng thiện trong đời sống xã hội. Không chỉ giúp làm dịu thần kinh, nó còn khiến cho cái nhìn về cuộc sống dễ chịu hơn và lòng tin vào con người bám rễ sâu hơn.
Thế nhưng, thực tế đời sống cho thấy những “sự cố giữa đường” như thế này cũng liên tục bị thử thách, thậm chí trở thành những đám đông náo loạn hả hê trên nỗi buồn đau của người khác. Thử đặt chuyện “800 con vịt” này bên cạnh những vụ việc đã được dán nhãn “hôi của” từng xảy ra vài năm gần đây, ta sẽ thấy buồn nhiều hơn vui, xấu hổ hơn kiêu hãnh.
Những trường hợp người đi đường thể hiện cái tình với người gặp nạn chỉ là số ít so với những đám đông bỗng chốc hóa “bầy đàn”, vô tâm đến tàn nhẫn! Với công nghệ hiện nay, chỉ cần vài thao tác đơn giản, hình ảnh của những câu chuyện tệ hại đó sẽ hiện ra cùng với những tiếng nói bất bình, sôi sục ném ra từ phía công chúng.
Để không phải cứ liên tục xát muối vào vết thương lâu lành của số đông người tử tế, hãy ngừng thói quen áp đặt quan niệm “cha chung không ai khóc” cho những hành vi xấu xa (thậm chí là ăn cắp, buôn lậu… ở nước ngoài), nghĩa là cần xác định địa chỉ trách nhiệm cụ thể về điều gây xấu hổ đó.
Đạo đức, lối sống, lòng tự trọng, tính tự giác… của con người đã được giáo dục, bồi đắp ra sao và căn bản hơn, triết lý giáo dục đã được định hình như thế nào? Câu hỏi này vốn cũ và nó sẽ vẫn còn cũ nếu thiếu một câu trả lời xác đáng.
Theo NLĐ