CSGT không được vô cớ dừng xe xác minh xe chính chủ

Thứ hai, 21/11/2016, 08:34
Lực lượng CSGT khi hoạt động tuần tra, kiểm soát trên đường không được phép tiến hành xác minh, xử lý đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (hay còn gọi là xe không chính chủ) mà chỉ được áp dụng xác minh, xử phạt trong 2 trường hợp cụ thể sau đây.

Đó là khi điều tra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên hoặc khi người được kiểm tra đang làm thủ tục sang tên ở cơ quan chức năng.

Nhằm giúp người dân hiểu cụ thể và chính xác hơn về nội dung liên quan đến vấn đề xử phạt xe không chính chủ đối với xe mô tô và xe gắn máy kể từ ngày 1/1/2017, ngày 19/11, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) – Công an TP.HCM có thông báo chi tiết về quy định này.

Cụ thể, Căn cứ Khoản 3 Điều 6 Thông tư 15/2014/TT-Bộ Công an quy định về đăng ký xe có quy định trách nhiệm của chủ xe trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 80 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định việc áp dụng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 30 Nghị định này để xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm được thực hiện kể từ ngày 1/1/2017.

Như vậy, những trường hợp chủ xe môtô, xe gắn máy trước đó có mua, được điều chuyển, cho, tặng xe nhưng trong thời hạn 30 ngày mà chưa đến cơ quan CSGT để làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe thì sẽ bị xử phạt căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 30, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô.

Ngoài ra, Khoản 9 Điều 76 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1, Khoản 5 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe.

Việc xử lý đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe chỉ được áp dụng trong 2 trường hợp cụ thể.

Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ôtô chỉ thực hiện qua công tác xác minh khi cá nhân, tổ chức đến cơ quan CSGT đề thực hiện thủ tục đăng ký, di chuyển xe hoặc trong quá trình điều tra giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên.

Đáng chú ý là tại Khoản 9 Điều 76 Nghị định 46/2016/NĐ-CP và chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng CSGT Công an thành phố khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường khi tiến hành kiểm tra giấy tờ xe sẽ không xác minh và xử phạt đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (hay còn gọi là xe không chính chủ). Do đó cá nhân, tổ chức khi sử dụng xe mượn, dùng chung xe với người thân… sẽ không cần phải chứng minh, giải thích về chủ xe đứng tên trong Giấy đăng ký xe.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân có xe chuyển nhượng qua nhiều người nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ theo quy định tại Điều 24 Thông tư số 15/2014/TT-Bộ Công an, Phòng PC67 Công an TP.HCM đề nghị người dân liên hệ với Phòng PC67, Công an các quận, huyện để nộp hồ sơ theo quy định đến hết ngày 31/12/2016.

Cá nhân, tổ chức khi sử dụng xe mượn, dùng chung xe với người thân…sẽ không cần phải chứng minh, giải thích về chủ xe đứng tên trong Giấy đăng ký xe.

Kể từ ngày 1/1/2017, cơ quan đăng ký xe sẽ không giải quyết đăng ký đối với trường hợp xe chuyển nhượng qua nhiều người nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ.

Như vậy, người dân khi tham gia giao thông trên đường không cần phải chứng mình giải thích về chủ xe đứng tên trong Giấy đăng ký xe mà mình đang điều khiển và lực lượng CSGT cũng không được quyền kiểm tra, xác minh và xử phạt đối với hành vi điều khiển xe không chính chủ này.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn