|
Parkson Paragon đã đóng cửa sau hơn 5 năm hoạt động hồi tháng 5/2016. Tại thời điểm đó, theo nguyên tắc, Parkson mất tiền cọc và bị phạt một khoản tiền lớn do đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vị trí của trung tâm thương mại này nằm ở quận 7, TP. HCM và hai bên đã ký kết hợp đồng thuê lên tới 19 năm.
Trước khi đóng cửa ở Saigon Paragon, Parkson đã đóng cửa ở Keangnam nhưng việc đóng cửa và huỷ hợp đồng cho thuê trước thời hạn khiến công ty này phải chịu khoản phí phạt lên đến 64,7 triệu đô la Singapore.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Khải Silk cho biết, công ty của ông sẽ không phạt Parkson số tiền do huỷ hợp đồng thuê trước thời gian. Theo hợp đồng, số tiền này lên tới hơn 200 tỷ đồng.
“Ai chả có lúc khó khăn”, ông Khải chia sẻ. Do đó, đối với việc Parkson rút lui, Hoàng Khải và Paragon sẽ lấy lại mặt bằng và cho công ty khác thuê. “Nếu phạt nhau như thế kia thì lúc mình khó khăn, ai thương!”, ông Khải cho biết.
Nói thêm về việc không phạt đối tác, ông Khải cho biết: "Làm ăn phải tính kế lâu dài vì mình không chỉ cho thuê, làm ăn với Parkson mà còn nhiều đối tác khác. Họ sẽ nhìn vào thái độ, cách cư xử của chủ nhà khi đối tác gặp khó khăn".
Việc làm này của ông chủ Khải Silk phần nào chia sẻ với những khó khăn trong kinh doanh của Parkson tại Việt Nam khi mới đây, công ty này đã tuyên bố đóng cửa tiếp Parkson Viet Tower tại ngã tư Tây Sơn – Thái Hà (Hà Nội) sau 8 năm hoạt động. “Đến ngày 15/12/2016, Parkson chính thức rút chân khỏi Hà Nội”, thông báo của tập đoàn này cho biết. Đây là trung tâm thương mại thứ 3 bị Parkson khai tử.
Trước Parkson Viet Tower và Parkson Paragon, tháng 1/2015, Parkson Keangnam đã đột ngột đóng cửa và yêu cầu các chủ hàng phải dọn dẹp ngay trong đêm do có khúc mắc với chủ toà nhà Keangnam Hanoi Landmark 72.
Theo Tri Thức Trẻ