Bộ Công Thương nói gì về việc mạnh tay xáo trộn tổ chức, nhân sự?

Thứ tư, 23/11/2016, 08:57
Trả lời PV tối qua, theo Bộ Công Thương, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Bộ sẽ thực hiện sắp xếp lại nhân sự theo tổ chức bộ máy mới. Dự kiến việc phân bổ nhân sự này sẽ hoàn thành trong đầu quý I/2017.

Bộ Công Thương sắp có biến động mạnh về công tác cán bộ, nhân sự.

Như Dân trí đã đưa tin, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa quyết định đưa ra bàn cùng tập thể Ban cán sự Bộ Công Thương nhằm thông qua phương án kiện toàn và tái cấu trúc nhân sự. Theo đó, phương án xây dựng cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2020 đưa ra theo hướng giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương đã trả lời các câu hỏi với báo chí:.

Thưa ông, việc cơ cấu nhân sự theo đề án của Bộ Công Thương dự kiến bao giờ có hiệu lực? Các chức danh được phân bổ sẽ như thế nào?

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ theo hướng tinh gọn. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương (thay thế Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương).

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Bộ sẽ thực hiện sắp xếp lại nhân sự theo tổ chức bộ máy mới. Dự kiến việc phân bổ nhân sự này sẽ hoàn thành trong đầu quý I/2017.

Về cơ cấu lãnh đạo của các đơn vị sẽ thực hiện đúng theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015 (phân bổ chức danh lãnh đạo).

Việc Bộ Công Thương tiên phong tinh giản bộ máy bằng cách giảm đầu mối các Vụ, Cục đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đề nghị Bộ Công Thương cho biết mục tiêu của việc giảm các đầu mối này?

Mục tiêu của việc giảm các đầu mối (Cục, Vụ, Viện) của Bộ Công Thương là để cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển.

Ngoài ra, thời gian tới, chủ trương của Bộ Công Thương sẽ là đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Việc này chắc chắn sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho việc nâng cao tính cạnh tranh cũng như phát triển doanh nghiệp.

Đối với các Cục, Vụ nằm trong danh sách sáp nhập, lãnh đạo tại đây sẽ bố trí ra sao? Căn cứ vào các điều kiện, tiêu chí nào?

Theo dự kiến, số lượng đầu mối của Bộ sẽ giảm đi 7 đơn vị, do đó sẽ dôi dư 7 vị trí cấp trưởng. Đối với lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc danh sách sáp nhập, Bộ Công Thương dự kiến một số phương án sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo này căn cứ vào các  tiêu chí như: chức vụ Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương; ngạch công chức; trình độ đào tạo; kinh nghiệm công tác; độ tuổi...

Một số phương án bố trí lãnh đạo sau khi sáp nhập có thể tính tới như:

Bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo trong các đơn vị trong Bộ hiện còn thiếu lãnh đạo; bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ (hiện tại, một số đơn vị sự nghiệp còn thiếu lãnh đạo cấp phó so với quy định, hoặc có lãnh đạo cấp trưởng chuẩn bị nghỉ hưu).

Là nguồn bổ sung, thay thế những công chức lãnh đạo chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc cử làm Tham tán trong các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Bổ nhiệm/Cử giữ các chức vụ lãnh đạo/ người đại diện tại các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty đối với Lãnh đạo có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác đáp ứng được yêu cầu điều hành doanh nghiệp.

Trường hợp năng lực trình độ yếu kém, sức khỏe không đảm bảo sẽ thực hiện giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Sau sáp nhập, chia tách, Bộ có tính tới trường hợp sẽ dư thừa nhân sự và những nhân sự dư thừa sẽ được sắp xếp ra sao?

Một số phương án sắp xếp nhân sự dôi dư sau khi sáp nhập, chia tách được Bộ Công Thương dự kiến như sau:

Ưu tiên tạo điều kiện tìm công việc mới tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ đối với những trường hợp đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm mà đơn vị sự nghiệp còn thiếu.

Tạo điều kiện tìm việc làm mới trong các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ đối với nhân sự có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Là nguồn bổ sung, thay thế những công chức/ viên chức chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc cử làm Tùy viên trong các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Những trường hợp năng lực, trình độ kém, sức khỏe không đảm bảo sẽ thực hiện giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Sự thay đổi này có dẫn đến việc dư thừa nhân sự khiến cho người lao động bị mất việc? Bộ đã có đánh giá tác động chưa?

Bộ Công Thương cũng đã đánh giá tác động của sự thay đổi cơ cấu tổ chức, bộ máy dẫn tới việc dư thừa nhân sự và có thể khiến người lao động phải nghỉ việc. Mặt khác, theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, lộ trình đến năm 2021 số lượng biên chế tinh giản là 10% (trung bình mỗi năm tinh giản 1,5%).

Chủ trương tinh giản của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp trong giai đoạn hiện nay và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Bộ Nội vụ cũng đã giao chỉ tiêu biên chế năm 2017 của Bộ Công Thương, theo đó số lượng biên chế năm 2017 giảm so với năm 2016. Do đó, Bộ Công Thương sẽ rà soát lại những lao động dôi dư, Bộ sẽ có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi tối đa (có thể) cho họ theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Xin ông cho biết, các Thứ trưởng có phân công lại nhiệm vụ không? Nếu có, cụ thể sẽ như thế nào? Dự kiến bao giờ bộ máy sẽ được kiện toàn?

Hiện tại, lãnh đạo Bộ Công Thương đã được phân công nhiệm vụ theo từng mảng công việc chuyên môn và theo từng đơn vị phụ trách. Do đó, khi có cơ cấu tổ chức mới, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ họp, trao đổi và Bộ trưởng sẽ quyết định việc phân công nhiệm vụ cho các Thứ trưởng. Dự kiến việc kiện toàn bộ máy sẽ hoàn thành trong đầu quý I/2017.

Được biết, Bộ đã có hội nghị họp với các Cục/Vụ liên quan, có được sự đồng thuận của các đơn vị hay không? Phương án cuối cùng liệu khi nào sẽ có và có nhiều thay đổi so với phương án đã được đưa ra hay không?

Trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Bộ đã tổ chức họp với các Cục, Vụ, Viện liên quan. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị trong Bộ có liên quan và cơ bản đều nhận được sự đồng thuận của cá cơ quan, đơn vị.

Dự kiến, Nghị định chính thức sẽ được Chính phủ ban hành trong tháng 12/2016. Sự thay đổi so với phương án đã được đưa ra (nếu có) sẽ do Chính phủ quyết định.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn