Doanh nghiệp xin Thủ tướng hành lang để chạy nhanh hơn

Thứ tư, 07/12/2016, 09:09
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị nghiên cứu hướng xử lý đất vàng sau cổ phần hóa trong khi doanh nghiệp nhà nước xin hành lang để “chúng em chạy nhanh hơn”.

Ngày 6/12, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá 15 năm qua, số lượng DNNN đã giảm xuống rất nhanh.

Năm 2001, cả nước có khoảng 6.000 DNNN, đến năm 2011 con số đó là 1.369. Nhưng hết tháng 10 năm nay con số chỉ còn là 718. Giai đoạn 2011-2015, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã thu về cho Nhà nước 77.931 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Tuy nhiên, số vốn hóa ra thị trường chỉ 8%, tức là còn 92% vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, quá trình sắp xếp, tái cơ cấu còn tiến triển chậm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ, năng lực quản trị, điều hành của các doanh nghiệp này còn nhiều yếu kém.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết vẫn còn tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực trong khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, mua sắm thiết bị, vật tư… Một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả kinh tế lớn, làm thất thoát vốn của Nhà nước.

Đất vàng sẽ được xử lý thế nào?

Trước thực trạng này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh tập trung thảo luận, làm rõ 2 vấn đề: nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên và giải pháp khắc phục để lợi ích nhà nước sau cổ phần hóa được tốt nhất, huy động xã hội tốt nhất.

Thủ tướng yêu cầu phân loại xem doanh nghiệp nào cần 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp nào thì không. Các cơ chế, chính sách để thoái vốn có còn phù hợp không. Những vấn đề mới nào phát sinh khi cổ phần hóa DNNN như việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, chất lượng của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, cũng phải xem chất lượng hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa ra sao. Đặc biệt phải công khai, minh bạch, chặt chẽ trong việc cổ phần hóa để không bị thất thoát tài sản của Nhà nước nhất là đất đai ở vị trí thuận lợi.

“Tôi thấy nhiều doanh nghiệp phản ánh một số chính sách không còn phù hợp nữa. Có doanh nghiệp được định giá cao, sau kiểm toán giá trị giảm nhiều. Các đồng chí đề nghị gì về vấn đề xử lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa và chính sách với người lao động dôi dư sau tái cơ cấu, cổ phần hóa?”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Về việc này, đại diện Bộ Tài chính cho hay hiện, một số quy định đã được sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tiễn. Cụ thể, doanh nghiệp cổ phần hóa có thể lựa chọn một trong hai hình thức là giao đất hoặc thuê đất đối với từng diện tích đất doanh nghiệp đang sử dụng.

“Doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ tính vào giá trị doanh nghiệp đối với diện tích đất nhận giao. Đối với đất thuê, doanh nghiệp chỉ thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định như các doanh nghiệp khác, không phải tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu thông tin.

Ông Hiếu nói thêm cơ chế thoái vốn là 30% đấu giá công khai, tối đa 70% bán cho người lao động hoặc nhà đầu tư chiến lược đối với SCIC. Đáng chú ý, nếu khối lượng cổ phần bán ra có mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên, Bộ Tài chính yêu cầu phải tổ chức đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

“Phải có hành lang để chúng em chạy nhanh hơn”

Tại hội nghị, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam cho rằng sở dĩ việc cổ phần hóa ở các doanh nghiệp nhà nước hiện còn chậm là do “không có sự quyết liệt nội tại, chủ quan, không có quyết tâm đổi mới để hội nhập thực sự, thiếu tính tự giác và trách nhiệm đối với Chính phủ và đất nước”.

Ông thẳng thắn thừa nhận là một "ông chủ giả" như ông xài tiền Nhà nước thì vẫn khỏe hơn là bỏ tiền ra mua cổ phiếu để đầu tư. Tuy có chịu áp lực nhưng công bằng mà nói chỉ là bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước chứ không có yêu cầu chỉ tiêu cụ thể về cổ tức, tốc độ tăng trưởng, về tiền lương người lao động.

"Bảo toàn vốn Nhà nước của chúng ta cũng đã rất lạc hậu. Báo cáo Thủ tướng là phải có hành lang để chúng em chạy  nhanh hơn chứ khổ quen rồi sướng không chịu được", ông nói.

Trong khi đó, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) than gặp khó trong việc cổ phần hóa.

“Hiện giá trị lựa chọn tư vấn được hạn chế rất thấp nên khó chọn nhà thầu có năng lực, nhất là nhà tư vấn định giá nước ngoài”, ông Thành nói đồng thời đề nghị Chính phủ sửa đổi các quy định cho phù hợp.

Theo Zing

Các tin cũ hơn