|
Rủi ro lớn cho những người chạy theo tin đồn để mua vàng, USD tại thời điểm này |
Đổ xô mua vàng, USD
Những ngày gần đây, giá vàng trong nước tăng nhanh hơn so với giá vàng thế giới.
Hôm qua (6/12), giá vàng thế giới chỉ tăng nhẹ 5 USD/ounce, lên 1.171 USD/ounce nhưng giá vàng miếng SJC tăng nhanh hơn ở mức 300.000 đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng giá mua - giá bán lên 36,25 - 36,65 triệu đồng/lượng, đưa giá vàng SJC cao hơn giá thế giới lên 4,4 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đối với vàng nguyên liệu 4 số 9 được một số đơn vị niêm yết ở mức giá 33 - 33,2 triệu đồng/lượng - cao hơn giá vàng thế giới 800.000 đồng đến 1 triệu đồng một lượng tính theo giá USD ngân hàng.
Đại diện SJC cho biết lực mua vàng xuất hiện ở mức giá cao, trong khi người có vàng đang chờ giá tăng lên nữa mới bán ra. Biểu hiện của việc này là khi giá vàng tăng lên, thị trường có người bán vàng ra. Còn theo Công ty vàng bạc đá quý Doji, nhu cầu trên thị trường gia tăng cả chiều mua và chiều bán nhưng lượng khách hàng mua vàng chiếm 65%.
Giá vàng tăng cũng tác động đến giá USD tự do tăng “hỗn”. Sáng 6/12, giá USD tự do vọt lên mức 23.300 - 23.400 đồng/USD, tăng khoảng 120 đồng/USD so với chiều 5.12, sau đó giảm về mức 23.220 - 23.290 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại biến động nhẹ, tăng khoảng 5 - 20 đồng/USD. Giá mua vào bán ra tại Vietcombank và BIDV cùng ở mức 22.680 -22.760 đồng, tăng 15 đồng so với chốt phiên ngày trước đó; tỷ giá USD/VND tại Vietinbank ở mức 22.695 - 22.765 đồng, tăng 20 đồng.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết một ngày ông nhận 10 - 15 cuộc điện thoại của các cửa hàng vàng hỏi xác thực về tin đồn đổi tiền trong những ngày vừa qua. “Các cửa hàng cho biết lượng người đi rút tiền trong ngân hàng ra mua vàng, USD tăng đột biến. Tuy nhiên, đây chỉ là tin đồn không căn cứ và giới đầu cơ nhân dịp này càng đẩy lên để kiếm lợi. Những người rút tiền mua USD và vàng lúc giá đang cao sẽ bị thiệt”, ông nói.
Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), cho rằng có 2 lý do khiến USD tăng nóng. Thứ nhất, nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp (DN) với nước ngoài gia tăng mạnh vào cuối năm so với những tháng trong năm. Tuy nhiên, về cơ bản, cung cầu USD trên thị trường không quá căng thẳng, nhất là giá bán USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang ở mức thấp hơn giá bán của các ngân hàng thương mại từ 30 - 40 đồng/USD, cũng như giá USD của các ngân hàng thương mại chưa tăng đến kịch trần. Thị trường ngoại tệ vẫn thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của DN được cung ứng kịp thời và đầy đủ, vẫn chưa đến mức cần NHNN phải bán ra can thiệp.
Thứ hai, những ngày qua, râm ran có tin đồn đổi tiền. Đây là tin đồn vô căn cứ nhưng có kẻ “té nước theo mưa” nên gây náo loạn. Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã lo chuyển sang nắm giữ đồng USD và vàng. Họ đi mua USD làm giá USD ngoài thị trường chợ đen biến động mạnh. “Xét trong bối cảnh dự báo năm nay lạm phát thấp với khoảng 5%, thị trường tiền tệ ổn định thì tin đồn này hoàn toàn không có cơ sở”, ông phân tích.
Rủi ro chạy theo tin đồn
|
Bình luận về tin đồn liên quan đến tiền trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tin đồn đổi tiền hoàn toàn không có cơ sở. Theo đó, tiền tệ là công cụ cực kỳ quan trọng để duy trì, phát triển nền kinh tế của một quốc gia. Bất kỳ sự thay đổi nào của đồng tiền, chẳng hạn đổi tiền, thay đổi mệnh giá đồng tiền sẽ ảnh hướng lớn đến nền kinh tế. Thông thường, có một số lý do để một quốc gia tiến hành đổi tiền, chẳng hạn đồng tiền trượt giá, mất giá, kiểm soát thuế, chống tham nhũng… Còn hiện nay, nền kinh tế VN đang có sự ổn định nhất định, tỷ giá ổn định vài năm nay, thị trường vàng khá bình ổn, tiền gửi tiết kiệm vẫn chảy đều đặn vào hệ thống ngân hàng với lãi suất phù hợp. Những yếu tố cơ bản này cho thấy hiện tại Chính phủ không phải dùng biện pháp đổi tiền nào để đạt được một trong những mục đích ở trên.
“Lưu ý là việc mua vàng và ngoại tệ giữa lúc biến động là vô cùng rủi ro cho người mua. Người dân cần trang bị kiến thức để không trở thành nạn nhân của tin đồn thất thiệt”, ông cảnh báo.
Theo nhận xét của đại diện Công ty SJC, thị trường vàng đang chờ nguồn cung dù nhỏ trên thị trường để giải tỏa tâm lý găm giữ này. Điều này cũng có thể xảy ra bởi trước đây NHNN từng bán đấu thầu vàng ra thị trường. “Tôi tin rằng chỉ cần thông tin NHNN sẽ đấu thầu, những người nắm giữ vàng sẽ bán vàng ra. Lúc đó USD trên thị trường tự do sẽ hạ nhiệt”, vị này nhận định. Với mức chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, giá USD bị đẩy lên quá cao, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận xét những người mua vàng tại thời điểm này sẽ gặp nhiều rủi ro trong trường hợp nhà nước thực hiện bán vàng can thiệp. Ông cho biết một số nhà đầu tư trước đây mua vàng với giá cao đang muốn giá tăng lên để bán lại số vàng này. Bài học trên thị trường vàng qua sự kiện Brexit và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đưa ra dự báo giá vàng sẽ tăng, nhưng thực tế giá vàng liên tục giảm 154 USD/ounce sau đó. Ngoài ra vào cuối tháng 12, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đồng USD là rất cao, đồng thời Tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump tuyên bố hỗ trợ nền kinh tế nên dòng tiền từ vàng cũng đang dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán… Với những yếu tố này, vàng không được hưởng lợi để có thể nắm giữ, khả năng giá vàng sẽ giảm trong năm 2017 là rất lớn và những người lao vào vàng ở thời điểm giá cao hiện nay rất rủi ro.
Riêng đối với USD, nếu xét về lợi nhuận thì việc nắm giữ USD không lời bằng tiền đồng. Với mức giá USD tự do ở 23.300 đồng, so với đầu năm USD tăng giá khoảng 1.000 đồng, tương đương khoảng 4,5%. Trong trường hợp, NHNN bán USD can thiệp thị trường, giá USD sẽ hạ nhiệt, người mua tại thời điểm sẽ bị thiệt.
Phát hiện 761 cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ vi phạm
Bộ Khoa học - Công nghệ vừa công bố kết quả thanh tra chuyên đề “Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ” năm 2016.
Cơ quan chức năng đã phát hiện 761 trong số 2.942 cơ sở thanh tra (chiếm 25,9% số cơ sở được thanh tra) có hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong đó các đơn vị bị xử phạt cảnh cáo 132 cơ sở, xử phạt bằng tiền 629 cơ sở với tổng tiền phạt trên 4,2 tỉ đồng. Hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa chiếm 47%, vi phạm quy định về đo lường (cân không có chứng chỉ kiểm định hoặc đã hết hiệu lực kiểm định, khối lượng vàng không đạt theo giá trị công bố) chiếm 19%, vi phạm không đạt chất lượng, chiếm 15%, không công bố tiêu chuẩn áp dụng chiếm 12%...
|
Theo Thanh Niên