|
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở được KTNN kết luận chênh lệch tăng 147,8 triệu USD. Ảnh: Gamuda Land |
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở trước đây là một hạng mục nằm trong Công viên Yên Sở được đầu tư bằng 100% vốn nước ngoài của Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia). Sau đó, dự án được tách riêng ra đầu tư theo hình thức BT giữa UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Gamuda Berhad có tổng mức đầu tư lên tới hơn 319,2 triệu USD. Dự án bắt đầu khởi công từ đầu năm 2009. Theo hợp đồng BT, thành phố Hà Nội sẽ trả lại chủ đầu tư bằng lợi ích thu được từ dự án phát triển khu đô thị mới C2 (Hoàng Mai) rộng 73ha và khu đất C1 (Hoàng Mai, Thanh Trì) rộng 75ha.
Theo kết quả kiểm toán, tổng số chi phí chênh lệch dự án lên tới hơn 147,8 triệu USD và hơn 20,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng sau khi kiểm toán giảm tới 44,8 triệu USD. Nguyên nhân chi phí xây dựng theo báo cáo của chủ đầu tư cao hơn nhiều so với số liệu sau kiểm toán là do tính sai khối lượng quyết toán ở một số công việc và sai đơn giá nguyên vật liệu. UBND thành phố Hà Nội giao đất đối ứng cho chủ đầu tư cao hơn giá trị quyết toán dự án.
Trong đó, chi sai khối lượng hơn 2,6 triệu USD, khối lượng cọc bê tông tại các hạng mục không đúng khối lượng cọc và đóng âm; sai đơn giá 6 triệu USD; giảm 36,1 triệu USD, bao gồm những hạng mục không đủ giá trị xác định, giảm chi phí nhân công, giảm chi phí chung, giảm chi phí nạo vét 5 hồ Yên Sở do các hồ này đã được nạo vét trước thời điểm dự án được phê duyệt.
Ngoài ra, chi phí thiết bị cũng được kiểm toán xác định giảm 33,6 triệu USD, bao gồm: Chi sai khối lượng 3,6 triệu USD; sai tỷ lệ 3,7 triệu USD; các hạng mục sai khác trên 26,2 triệu USD. Chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn được báo cáo tăng lần lượt hơn 11,1 triệu USD và 9,1 triệu USD. Các chi phí khác giảm trên 41,4 triệu USD liên quan đến các khoản chi chưa được bên A kiểm tra và chấp thuận, chi phí bảo hiểm, chi phí lãi vay…
Riêng khoản thuế VAT, chủ đầu tư khai thấp hơn so với số liệu kiểm toán hơn 4 triệu USD. Chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) theo số liệu báo cáo của chủ đầu tư tăng hơn 20,6 tỷ đồng, nằm ngoài khoản chi phí bồi thường GPMB đã được thành phố phê duyệt. Chi phí giai đoạn 2 giảm 11,5 triệu USD.
Yêu cầu nộp trả hơn 22,1 triệu USD
Căn cứ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Tập đoàn Gamuda Berhad và Gamuda Land Việt Nam giảm giá trị quyết toán dự án hơn 61,9 triệu USD, tương đương trên 1.300 tỷ đồng. Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư nộp trả UBND thành phố Hà Nội hơn 22,1 triệu USD, do giá trị sử dụng đất giao cho chủ đầu tư cao hơn giá trị quyết toán dự án đã được KTNN xác định. UBND thành phố Hà Nội giảm số thanh toán cho chủ đầu tư trên 39,8 triệu USD.
Theo KTNN, UBND thành phố Hà Nội không có văn bản chỉ đạo việc chủ đầu tư tự ý lắp đặt các thiết bị thay đổi so với danh mục thiết bị đã được quy định tại hợp đồng BT. UBND thành phố Hà Nội không có văn bản chấp thuận giá trị dự toán của dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở tại Văn bản số 491 ngày 22/1/2014 của Sở TN&MT Hà Nội.
KTNN xác định, Sở TN&MT, đơn vị được thành phố ủy quyền ký hợp đồng BT xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đã tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội chấp thuận ký hợp đồng BT bỏ qua nội dung: “Trước khi bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm mọi chi phí để vận hành nhà máy trong 5 năm sau” đã được thành phố quy định tại Điều 2, Quyết định 300/QĐ-UBND ngày 28/7/2008, dẫn đến thành phố phải tự bỏ chi phí vận hành từ ngày 1/12/2013 đến ngày 12/11/2016 với số tiền 275,5 tỷ đồng; chậm đôn đốc chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán so với hợp đồng BT.
Sở KH&ĐT Hà Nội thẩm định tổng mức đầu tư được lập và phê duyệt chưa đảm bảo theo quy định làm tăng vốn cho dự án. Cụ thể, tăng thêm 15% khối lượng công tác khác 18,4 triệu USD; lợi nhuận định mức tăng hơn 785 nghìn USD; sai khối lượng, đơn giá 12,7 triệu USD; giá thiết bị tăng 26,4 triệu USD… so với dự toán được duyệt, tổng mức đầu tư tăng 81,6 triệu USD. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội, Sở KH&CN Hà Nội liên quan đến việc thẩm định dự toán đầu tư, lắp đặt các trang thiết bị nằm ngoài danh mục thiết bị đã được quy định tại hợp đồng BT.
Trao đổi với PV ngày 3/2, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, Sở chưa nhận được văn bản chính thức liên quan đến kết quả kiểm toán đối với dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do KTNN ban hành nên chưa thể đưa ý kiến về kết quả trên. Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở là dự án trọng điểm, ngoài Sở TN&MT, còn có nhiều Sở khác được giao nhiệm vụ giám sát và tham mưu trong quá trình thực hiện dự án. |
Theo Tiền Phong