|
Sau ngày 30/9/2017, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào vận hành thử. |
Đại diện Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, đến nay dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông về công tác xây lắp cơ bản đáp ứng được tiến độ thi công đề ra, hoàn thành 90%. Các bên đang tiếp tục bám sát tiến độ thi công tổng thể đã đề ra, đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp, trang trí hoàn thiện trong quý I năm 2017. Sau ngày 30/9/2017 sẽ đưa dự án vào vận hành thử liên động toàn hệ thống với thời gian chạy thử 3-6 tháng như chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA Đường sắt đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm 2017 như sau:
Hoàn thiện toàn bộ phần xây dựng lắp trang trí kiến trúc bao gồm cả khu Depot trước ngày 31/3/2017; bắt đầu lắp đặt thiết bị ngày 15/3/2017; hoàn thành lắp đặt thiết bị ngày 31/7/2017; đóng điện toàn tuyến ngày 1/9/2017; thời gian vận hành thử liên động toàn hệ thống tối thiểu 3 tháng và có thể lên tới 6 tháng tùy thuộc kết quả chạy thử trước khi bàn giao công trình đưa vào khai thác.
Nói về công tác mua sắm các đoàn tàu để phục vụ cho dự án trên, đại diện Ban QLDA Đường sắt thông tin, sẽ mua sắm 13 đoàn tàu chuẩn B1. Đến nay đã hoàn thành công tác sản xuất, chế tác cho cả 13 đoàn tàu bên Trung Quốc. Đoàn tàu đầu tiên đang được vận chuyển về Việt Nam bằng đường thủy và sẽ đến cảng Hải Phòng để làm thủ tục nhập khẩu vào đầu tháng 2/2017. Các đoàn tàu còn lại sẽ lần lượt được vận chuyển về Việt Nam trước thời gian vận chạy thử năm 2017.
|
Sáng ngày 4/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra thực tế tại nhà ga La Khê của dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. |
Ngoài ra, 11 chuyên ngành thiết bị còn lại của Dự án bao gồm: Thu soát vé tự động (AFC); Thiết bị công nghệ khu Depot, Cung cấp điện (9 hồ sơ chuyên ngành con); Ray tiếp xúc; Thang cuốn thang máy; Điều hòa thông gió; Cấp thoát nước và PCCC; Cảnh báo cháy tự động FAS; Điện động lực chiếu sáng; hệ thống Thông tin và hệ thống Tín hiệu. Tổng thầu đang tiến hành mua sắm/đấu thầu cho dự án. Hiện tại, đã lựa chọn được nhà cung cấp thiết bị của một số chuyên ngành như: hệ thống Thông tin, hệ thống Tín hiệu, AFC, một số thiết bị thuộc chuyên ngành công nghệ khu Depot và hệ thống ray tiếp xúc, dòng điện rò, tủ đóng cắt 750 DC.
Đại diện Ban QLDA Đường sắt thông tin thêm, công tác đào tạo nhân lực đang thực hiện theo kế hoạch, tổng số nhân lực cần đào tạo theo kế hoạch dự án là 651 người (đào tạo tại Trung Quốc là 201 người và đào tạo tại Việt Nam là 450 người).
Đối với công tác đào tạo tại Trung Quốc, đã hoàn thành và cấp chứng chỉ cho 190/201 người, chỉ còn 11 nhân sự quản lý thuộc trưởng, phó phòng sẽ được tiến hành đào tạo trong tháng 3/2017 (đào tạo 24 ngày).
Đối với công tác đào tạo tại Việt Nam, đã hoàn thành công tác tuyển dụng và đào tạo lý thuyết 439/450 nhân sự vận hành, khai thác dự án. Công tác đào tạo thực hành sẽ được tiến hành đồng thời với quá trình lắp đặt thiết bị, bắt đầu từ quý 2 năm 2017 và hoàn thành trước khi bắt đầu lắp đặt chạy thử. Hiện còn thiếu 11 nhân sự thuộc các vị trí công nhân sửa chữa, bảo dưỡng đường ray, AFC. Tuy nhiên, các nhân sự này không ảnh hưởng đến quá trình vận hành, khai thác giai đoạn đầu, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội sẽ tiến hành tuyển dụng bổ sung đáp ứng yêu cầu của Dự án.
Theo Dân Trí