Sáng 6/2, tại Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đại diện 53 doanh nghiệp dự cùng lãnh đạo các tỉnh, thành có nuôi tôm nước lợ ven biển từ Cà Mau đến Quảng Ninh.
Theo Bộ NN&PTNT, tôm nước lợ có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản, với khoảng 45% tổng kim ngạch.
Tôm nước lợ được thả nuôi tại 30 tỉnh, thành và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở Việt Nam, gồm tôm sú (loài bản địa) và thẻ chân trắng. Tôm sú được sản xuất giống nhân tạo và nuôi tại Việt Nam từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX.
Từ năm 1998, tôm thẻ chân trắng du nhập vào Việt Nam với hình thức nuôi công nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn ngành tôm sớm đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Ảnh: Việt Tường. |
Từ năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tôm đã vượt qua con số 2,1 tỷ USD.
Năm 2016, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và tôm nuôi đối mặt với nắng hạn, xâm nhập mặn khốc liệt tại đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu có đến 188.000ha tôm bị thiệt hại. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn ngoài dự kiến.
Cụ thể, cả nước thả nuôi được 694.645ha, tăng 100,1% so với năm 2015. Trong đó, tôm sú 600.399ha, thẻ chân trắng 94.246ha, sản lượng thu hoạch 657.282 tấn. Tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 90 thị trường trên thế giới, đạt kim ngạch 3.150.723 USD, tăng 6,7% so với năm 2015.
Khó khăn được Bộ NN&PTNT nêu ra là Việt Nam chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa con giống. Mỗi năm phải nhập khẩu 180.000-260.000 con tôm chân trắng và tôm sú bố mẹ, chủ yếu phải thu gom từ tự nhiên.
Rào cản về giá thành sản xuất; nông dân lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất; hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, công nghệ vùng nuôi quảng canh rất hạn chế và nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cũng là khó khăn lớn.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD. Ảnh: Việt Tường. |
Theo Thứ trưởng NN&PTNT Vũ Văn Tám, bộ xác định ngành tôm đặc biệt có tiềm năng, lợi thế, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hai hướng. Đó là phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp.
Hướng thứ hai sẽ phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững như tôm - rừng, tôm - lúa... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có lợi thế về điều kiện sinh thái.
Từ các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỷ USD, năm 2030 đạt 8-10 tỷ USD.
Chia sẻ với hội nghị, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết năm 2016, doanh nghiệp này xuất khẩu tôm với giá trị hơn 535 triệu USD.
Hướng đi của Minh Phú là thành lập doanh nghiệp xã hội, vừa vì mục đích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Đó là kết hợp giữa trồng rừng ven biển và nuôi tôm, nhằm khuyến khích người tiêu dùng "ăn tôm là bảo vệ môi trường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu Minh Phú đạt 2 tỷ USD vào năm 2021 thì toàn tỉnh Cà Mau có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD. Còn lại 6 tỷ USD, các tỉnh, thành ven biển có thể chung sức đạt được, để biến giấc mơ đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD/năm của ngành tôm Việt Nam thành hiện thực vào năm 2025, chứ không phải năm 2030 như kế hoạch.
Theo Zing