Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm vốn: Phải giám sát chặt chẽ

Thứ ba, 21/07/2015, 11:56
Bộ GTVT sẽ tiến hành vay thêm vốn cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và có quy định để kiểm soát vốn và tiến độ thi công.

Sẽ vay thêm

Chính phủ vừa đồng ý vay bổ sung vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc 250,62 triệu USD cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông từ phía Trung Quốc nhằm để bố trí cho phần lớn tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án, phần còn lại sẽ bố trí từ vốn đối ứng của Việt Nam.

Chính phủ cũng đồng ý điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để dự án đi vào khai thác thương mại trong năm 2016.

Trước thông tin này, trao đổi với Đất Việt, ngày 20/7, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Theo quyết định của Thủ tướng, Bộ GTVT sẽ tiến hành vay thêm vốn cho dự án này".

Trong khi đó, cũng trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Đối với dự án này đang tồn tại rất nhiều vấn đề, thứ nhất, là đội vốn; thứ hai, là chậm tiến độ; thứ ba, là an toàn thi công không đảm bảo. Bên cạnh đó, ông Trường cho biết thêm: "Bên cạnh việc bổ sung vốn, Bộ sẽ yêu cầu Tổng thầu đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án này".

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Trong thời gian vừa qua đã nổi cộm lên rất nhiều vấn đề, bên Bộ GTVT cũng đã xem xét việc này và cũng đã có thay đổi, đây cũng được xem là dấu hiệu tích cực".

Bên cạnh đó, ông Thảo cho biết thêm: "Về phía VN, người phụ trách công việc quản lý dự án cũng đã được thay đổi, người có trách nhiệm trong các vi phạm cũng đã được xử lý. Về phía bên thực hiện dự án của Trung Quốc, sau những vụ tai nạn gây ra thì cũng đã đề nghị yêu cầu thay đổi đơn vị thi công, để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ".

Trước việc sau hai lần đội vốn, số tiền bị đội vốn bằng dự toán tổng mức đầu tư ban đầu, theo ông Thảo, khi tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, thì chúng ta luôn lựa chọn những nhà đầu tư bỏ giá thấp, trong khi muốn đảm bảo chất lượng một công trình thì lại phải có giá phù hợp. Đây là sự thật ai cũng nhìn thấy rõ, nên không thể giá rẻ mà lại có công trình tốt.

Thế nhưng, dù biết như vậy, nhưng công trình đã triển khai rồi thì vẫn phải tiếp tục làm, không thể không triển khai tiếp vì như vậy sẽ gây lãng phí, thiệt hại nhiều.

Bỗng nhiên thành con nợ, phải giám sát chặt chẽ

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Thảo cho biết: "Bây giờ thiếu vốn thì dĩ nhiên phải huy động, đi vay từ phía TQ. Giai đoạn trước chúng ta cũng vay từ TQ, nên thiếu vốn thì sẽ tiếp tục vay tiếp. Chủ đầu tư là TQ, Tổng thầu thực hiện là TQ và cuối cùng chúng ta thành con nợ của TQ".

Chính vì vậy, theo ông Thảo, sau hai lần đội vốn, thì chắc chắn phải kiểm soát chặt chẽ về nguồn vốn.

Cụ thể, bây giờ phải xem trong hợp đồng tổng số tiền đã chi trước đây cho nhà thầu xây dựng, so với giá thành trước, công trình đã đội lên bao nhiêu, trượt giá bao nhiêu, bây giờ phần còn lại thì sẽ tính toán ra sao, hay lại dây dưa kéo dài. Tất cả phải được đặt ra để tính toán và có giải pháp cụ thể.

Ông Thảo nhấn mạnh: "Bên chủ đầu tư, cơ quan chủ quản cụ thể là Bộ GTVT phải xem xét, làm sao cho hài hòa, cân đối. Rõ ràng dự án là có vấn đề, nhưng tìm giải pháp làm thế nào để hoàn thành, cố gắng đúng thời hạn càng quan trọng hơn. Nếu như trước đây hứa hẹn 2014 sẽ hoàn thành xong, thì bây giờ rõ ràng phải chốt lịch năm 2016 phải xong".

Theo ông Thảo, phải thành lập Hội đồng bao gồm các chuyên gia đánh giá độc lập để giúp Chính phủ, tiếp tục thực hiện dự án này. Phải có cam kết cụ thể thực hiện đúng tiến độ và chất lượng.

Cụ thể, liên quan đến việc vay bổ sung thêm vốn ưu đãi cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, đầu năm 2014 dự án được các bên liên quan đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 522,86 triệu USD lên 868,04 triệu (tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu) do liên quan đến hàng loạt các hạng mục về giá hợp đồng EPC, chi phí vận chuyển dầm; giá hợp đồng tư vấn giám sát thi công do kéo dài thời gian thực hiện; giá hạng mục đoàn tàu, thiết bị nhập khẩu...

Cuối tháng 12/2014, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tài trợ vốn vay ưu đãi bổ sung hơn 250,62 triệu USD. Sau 7 tháng trình xin thì dự án này đã chính thức được bổ sung thêm vốn vay.

Theo Báo Đất Việt

Các tin cũ hơn