Khát bên những công trình nước sạch tiền tỷ

Thứ hai, 20/07/2015, 09:22
Người dân mong chờ ích lợi từ những công trình, oái ăm thay khi rất nhiều công trình hoàn thiện, nước chảy vài ngày, rồi mọi thứ hư hỏng, bỏ hoang. Một số nơi, người dân lại lâm vào cảnh khô khát...

Chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134) được áp dụng từ năm 2004 trên cả nước. Người dân mong chờ ích lợi từ những công trình này, oái ăm thay khi rất nhiều công trình hoàn thiện, nước chảy vài ngày, rồi mọi thứ hư hỏng, bỏ hoang. Một số nơi, người dân lại lâm vào cảnh khô khát...

Bài 1: Một xã có 6 công trình “đắp chiếu”

Xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) được đầu tư 6 công trình nước sinh hoạt cộng đồng hợp vệ sinh (cụm nước sạch), nhưng không sử dụng được. Có công trình xây dựng dở dang rồi bỏ hoang. Nước chưa về tới bể chứa, đường ống đã vỡ. Người dân phải dùng nước giếng ô nhiễm hoặc tự bỏ tiền lắp hệ thống nước tự chảy ngay cạnh công trình nhà nước đầu tư.

Nước chưa về, bể đã vỡ

Thôn Tân Tiến (xã Đạo Trù) được đầu tư xây cụm nước sạch gồm đường ống dẫn nước từ trên núi về và 7 bể chứa nước cho gần 1.000 người dân. Chị Phạm Thị Ngân (thôn Tân Tiến) nói: “Nhà tôi ngay cạnh bể chứa, xây 4 năm nhưng bể chưa có giọt nước vào. Chúng tôi mong ngóng nguồn nước sạch từng giờ. Nước chưa vào mà bể đã nứt vỡ, đường ống bị xới cả lên”.

Theo khảo sát của chúng tôi, xung quanh bể, cây cối mọc um tùm, van xả nước gãy rụng. Cạnh bể chứa là giếng khơi, nước vàng quạch của gia đình chị Ngân. Đứng tại vị trí bể chứa nhìn ngược lên núi thấy thác nước chảy trắng xóa. “Thác nước ngay trước mặt nhưng chúng tôi phải dùng nước giếng ô nhiễm. Còn cụm nước sạch thì bỏ hoang”, cụ Nguyễn Văn Lân (70 tuổi) nói. Cách bể chứa cạnh nhà chị Ngân vài chục mét, một bể chứa khác cũng bị bỏ hoang.

“Xây dựng xong, chúng tôi bảo hành, sửa chữa hỏng hóc của cụm nước trong vòng 1 năm là hết trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Ngọc Tạo - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng thôn Tân Tiến, cụm nước sạch được khởi công năm 2011, do Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư, tại 4 thôn (Tân Tiến, xóm Gò, Phân Lân thượng, Phân Lân hạ). “Có dự án nước sạch, người dân mừng lắm, hiến đất làm bể, đường ống nước. Số vốn đầu tư khoảng hơn 1 tỷ đồng, nhưng sau 4 năm chưa hoàn thành. Chưa được giọt nước nào về thì đường ống đã vỡ nát, bể nước cũng vỡ. Chúng tôi kiến nghị liên tục nhưng không thay đổi được gì. Chúng tôi phải dùng nguồn nước giếng ô nhiễm”, ông Bình kể.

Tại cụm nước sạch ở thôn Đồng Quạ (Đạo Trù), giếng khơi nằm chỏng chơ gần cánh đồng. Giếng đào từ năm 2007, nhưng nước đục và có nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu, người dân sử dụng 2 tháng rồi bỏ hoang.

Không chỉ riêng thôn Tân Tiến, Đồng Quạ, xã Đạo Trù còn có các cụm nước sạch với vốn đầu tư hàng tỷ đồng nhưng bỏ hoang hoặc hoạt động “thoi thóp” tại các thôn: Đồng Giếng, Tân Lập, Lục Liễu, xóm Gò, Phân Lân thượng, Phân lân hạ, Đạo Trù.

Cạnh đó, xã Bồ Lý (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) được đầu tư 2 cụm nước sạch với số vốn trên 11 tỷ đồng. Hiện, những công trình này hoạt động cầm chừng, có cụm nước đã hỏng hết. Dù giữa mùa mưa, một nửa số dân tại Bồ Lý phải đi xin từng thùng nước về ăn.

Có mặt tại gia đình anh Nguyễn Văn Hải (thôn Đồng Cà, Bồ Lý) chúng tôi chứng kiến cảnh người dân dùng nước rất tiết kiệm. “Chúng tôi chắt chiu từng giọt nước. Khi rửa mặt, rửa chân cố không làm nước rơi vãi để tận dụng nước rửa cho trâu bò uống. Thiếu nước khổ lắm nhưng cam chịu nhìn cụm nước bỏ hoang”, anh Hải cho biết.

Bên cạnh Bồ Lý, cụm nước sạch tại xã Yên Dương (Tam Đảo) cũng chung số phận đắp chiếu. “Cụm nước sạch nhưng người dân gọi là…sạch sành sanh nước vì không có giọt nước nào về bể”, một lãnh đạo xã Đạo Trù cho biết.

Công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang.

Bảo hành 1 năm hết trách nhiệm ?

Cạnh bể nước bỏ hoang tại thôn Tân Tiến có một “cây nước” thiết kế đơn giản gồm: Thùng nhựa (loại 30 lít, đặt trên cao khoảng 15m); cột gỗ chính và 3 cây gỗ làm giá đỡ. Chi phí khoảng 70 triệu đồng/cây nước đủ cho 20 gia đình sử dụng. Hằng tháng, mỗi nhà góp 25.000 đồng phí bảo vệ đường nước. Các thôn khác của xã Bồ Lý, Đạo Trù, Yên Dương người dân cũng tự làm cây nước tương tự.

Theo ông Nguyễn Đắc Vân, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù, công trình nước sạch không đạt hiệu quả do áp dụng một cách máy móc mô hình ở thành phố cho nông thôn. Cụm nước hoạt động được thời gian ngắn rồi bỏ hoang do thiếu vốn bảo trì, vận hành.

“Chủ đầu tư là Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh phúc bàn giao công trình cho xã quản lý. Chúng tôi thành lập tổ quản lý nhưng thiếu kỹ năng cần thiết và kinh phí để duy trì, công trình đành “đắp chiều””, ông Vân nói.

Nói về mục tiêu xây dựng công trình này, ông Vân cho biết: “Cấp trên cho thì cứ làm chứ không khảo sát kỹ tập quán, mong muốn của người dân”. Theo ông Vân, nếu số vốn xây dựng cụm nước sạch giao trực tiếp 50% cho người dân tự đầu tư, 50% vào công tác quản lý sẽ hiệu quả hơn. Giờ không còn ai đến bể tập trung gánh nước nữa.

Ông Tô Thái Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Bồ Lý cho rằng, khi đầu tư cần tính đến quá trình vận hành, bảo trì sau đầu tư. “Hết kinh phí, không ai tu sửa đường ống. Máy bơm nước, dây điện còn bị kẻ gian lấy trộm”, ông Vinh nói.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Tạo-Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc- chủ đầu tư các công trình nước sạch cho biết: “Xây dựng xong, chúng tôi bảo hành, sửa chữa hỏng hóc của cụm nước trong vòng 1 năm là hết trách nhiệm. Việc công trình hoạt động có hiệu quả hay không do chính quyền xã vận hành, chịu trách nhiệm”.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn