Thiết kế, quy hoạch của Jina bị phản đối vì lấn sông, bêtông hóa và thương mại hóa 2 bờ sông Hàn. |
Không thể đơn giản hóa việc hệ trọng
Ngay trong buổi đầu tiên thuyết trình, lấy ý kiến chuyên gia về đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn của đơn vị tư vấn Jina (Hàn Quốc) do Sở Xây dựng Đà Nẵng tổ chức (17.7), gần 100% ý kiến của các kiến trúc sư, cơ quan quản lý nhà nước liên quan đều phản đối.
Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, KTS Hoàng Quang Huy nói: “Sông Hàn không chỉ là tài sản riêng của Đà Nẵng, mà là báu vật của tạo hóa dành cho người dân cả nước, là dòng sông “đặc biệt”, luôn đầy nước quanh năm, không gây lũ lụt và cũng chưa bao giờ cạn.
Dòng sông nằm êm đềm, mềm mại giữa lòng TP. Vì vậy, quy hoạch hai bên bờ là việc làm hệ trọng. Tại sao TP lại giao cho một đơn vị tư vấn nước ngoài? Nếu chỉ một đơn vị thì kết quả chỉ có một ý tưởng, một giải pháp. Thay mặt các KTS ở Hội Quy hoạch đô thị Đà Nẵng, ông Huy đề nghị UBND TP nên tổ chức cuộc thi thiết kế như đã từng thi thiết kế đối với các công trình nhỏ hơn là cầu Trần Thị Lý, thư viện, Trường Nguyễn Khuyến... với sự tham gia của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.
Chưa đi sâu phân tích các chi tiết của đồ án, các công trình kiến trúc nhà tư vấn đề nghị, KTS Huỳnh Việt Thành - nguyên PGĐ Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phản đối ngay: “Đồ án của Jina chỉ quy hoạch từ Bắc cầu Trần Thị Lý đến Nam cầu Thuận Phước là đã “chặt khúc” sông Hàn.
Quy hoạch dòng sông là cả hệ thống, ít nhất là gồm cả thượng lưu và hạ lưu liền kề, hệ thống thoát lũ, nhận nước và hành lang hai bên... nhưng Jina đã bỏ qua. Thậm chí thương mại hóa sông Hàn, bằng cách bố trí dày đặc hệ thống nhà hàng, 9 bến du thuyền, nhà cao ốc suốt khu vực trung tâm”.
Điều mà nhà tư vấn Jina phải nhận nhiều chỉ trích nhất đó là đề xuất... lấn sông Hàn. Với lý do tăng thêm diện tích cây xanh từ 5% lên 10-15%, Jina đã đưa ra giải pháp xây kè cả 100m để lấn sông, trồng vườn hoa, cây xanh như công viên giải trí. Cùng quan điểm này, KTS Trần Văn Hoàng cho rằng với đồ án của mình, Jina đã biến sông Hàn thành con kênh vì giảm diện tích mặt nước, “cứng hóa” đôi bờ vốn mềm mại bằng cách đưa ra các kè hình răng cưa, cản dòng chảy.
Phân khúc sông làm 4 đoạn để quy hoạch chẳng khác nào biến sông thành 4 cái ao. Việc nghiên cứu không tính đến dòng chảy, thủy triều, tác động môi trường...
Vội vã hay khuất tất?
KTS Tô Văn Hùng - Trưởng khoa Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nghi vấn: “Vì sao Jina không căn cứ vào các công trình văn hóa lịch sử như Bảo tàng Chămpa, thư viện, tòa thị chính, thành Điện Hải... căn cứ vào “ký ức” TP để làm điểm nhấn, quy hoạch.
Ngược lại, Jina chỉ chọn các công trình mới của Tập đoàn Sun Group như “Vòng xoay mặt trời”, khách sạn Novotel, cầu đi bộ vỏ sò (đã bị TP dừng) để làm hệ quy chiếu, nghiên cứu?”. Chưa kể, chỉ vì đồ án chặt khúc sông Hàn, quy hoạch vội vã của Jina, mà Đà Nẵng đã quyết định dừng một số dự án đã cấp phép ven bờ sông Hàn, khiến nhiều nhà đầu tư phản ứng.
Đại diện cho giới KTS địa phương, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP. Đà Nẵng đã có kiến nghị phản đối gần như toàn bộ đồ án quy hoạch của Jina, đồng thời đề nghị UBND TP. Đà Nẵng phải “thận trọng với sông Hàn”. Nên có cuộc thi thiết kế với sự tham gia của các nhà tư vấn trong và ngoài nước để có được nhiều ý tưởng sáng tạo, độc đáo, táo bạo khác nhau.
Cần quy định ý tưởng sáng tạo đó phải sát thực tế, khả thi. Phải quy định rõ giới hạn nghiên cứu cả về chiều rộng lẫn chiều dài của cả dòng sông suốt dọc dài TP. Tuyệt đối không được lấn sông Hàn, ngược lại phải bảo vệ, tôn tạo những công trình văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống có giá trị, tôn trọng quyền lợi của người dân...
Đại diện ngành GTVT, cảng vụ, bộ đội biên phòng đều có ý kiến phản đối Jina vì đồ án quy hoạch của nhà tư vấn này không nghiên cứu hiện trạng, chưa đề cập đến luồng tuyến, dòng chảy, thủy triều, bến cảng cũ mà đã vội vã, duy ý chí khi đưa ra các giải pháp lấn sông, bố trí dày đặc công trình thương mại, bến du thuyền.
Theo LaoĐộng