Tiết lộ lý do chủ tịch Tập đoàn dầu khí bị cho thôi chức

Thứ hai, 20/07/2015, 16:17
Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Xuân Sơn vừa bị cho thôi chức do có liên quan đến số vốn đầu tư của PVN tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương.

Ông Nguyễn Xuân Sơn sinh năm 1962 tại Hà Tĩnh, đã tốt nghiệp các trường Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ), chuyên ngành Quản trị kinh doanh, cấp đào tạo trên đại học; Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành Vật giá và Trường Đào tạo cán bộ Dầu khí, cấp đào tạo Đại học.

Ông Nguyễn Xuân Sơn đã có 30 năm gắn bó với ngành dầu khí.

Ông Nguyễn Xuân Sơn

Từ năm 1984 ông là cán bộ Vụ Tài chính Kế toán Tổng cục Dầu khí sau đó là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PVN).

Từ năm 2003 đến tháng 10/2006, ông Sơn giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), sau đó giữ chức Tổng giám đốc PVFC đến tháng 5/2007.

Vào tháng 12/2008, ông Sơn được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương

Từ 15/11/2010 đến nay, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc PVN.

Ông Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm thay ông Phùng Đình Thực - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6/2014.

Theo nguồn tin trên báo Lao động, việc ông Nguyễn Xuân Sơn vừa bị thôi chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN có liên quan đến việc ông này phải chịu trách nhiệm về số vốn đầu tư của PVN tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương.

Theo một nguồn tin của báo Lao động, việc ông Sơn trong thời gian làm TGĐ Ocean Bank đã phải chịu trách nhiệm liên đới về khoản đầu tư 800 tỷ đồng của PVN tại ngân hàng này do có nguy cơ mất trắng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây tuyên bố mua lại bắt buộc Ocean Bank với giá 0 đồng để trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.

Những nghi vấn này không phải không có cơ sở khi Báo cáo tình hình quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương năm 2014 cho thấy, tính đến 31/12/2014, PVN vẫn còn nắm giữ 80 triệu cổ phần OJB, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 20%.

Liên quan đến trách nhiệm trong việc làm “thất thoát” nguồn vốn Nhà nước tại PVN, Khoản 4, Điều 59 tại Nghị định số 149/2013/NĐ-CP ngày 31/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quy định:

Khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc PVN không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm:

a) Để PVN lỗ;

b) Để mất vốn nhà nước;

c) Quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư; không trả được nợ;

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo quý III/2014, Phó Tổng giám đốc PVN Lê Minh Hồng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc thoái vốn Nhà nước tại các ngân hàng, công ty tài chính… phải theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, để đảm bảo tiến hành song song và an toàn cho hệ thống ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc.

“Chúng tôi sẽ phải làm theo hướng dẫn chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nên tới giờ PVN vẫn chưa rút vốn khỏi OceanBank”, ông Lê Minh Hồng chia sẻ trong cuộc họp báo.

Cũng liên quan đến khoản đầu tư vào Oceanbank của PVN, bên lề cuộc họp báo ngày 5/6/2015, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu PVN đã mua bảo hiểm tiền gửi (khoản tiền gửi), trích lập dự phòng rủi ro (góp vốn cổ phần) thì lại được xem là an toàn.

Quyết định 51 đã quy định rõ rằng doanh nghiệp đã trích dự phòng rủi ro cho toàn bộ khoản đầu tư thì vốn này vẫn an toàn. Các DN đã trích lập quỹ dự phòng rủi ro nên khi thoái vốn thấp hơn giá trị sổ sách vẫn bảo toàn được vốn nhà nước.

Cho đến giờ, sau khi NHNN tuyên bố mua lại Oceanbank, PVN vẫn chưa lên tiếng về việc mất khoản đầu tư 800 tỷ đồng tại Oceanbank? Hiện chưa rõ tập đoàn xử lý ra sao, đã trích dự phòng hay chưa?

Cũng theo ông Tiến, những khoản đầu tư ngoài ngành vào ngân hàng đã bị cấm. Theo Nghị định 09/2009 và Nghị định 71 của Chính phủ, những khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm phải dừng, không được đầu tư tiếp, gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ rủi ro... Còn doanh nghiệp đã đầu tư rồi sẽ phải thoái vốn trước ngày 31/12/2015.

Theo quy định, nếu để mất vốn nhà nước thì tùy mức độ vi phạm, chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc PVN không được thưởng, không nâng lương, thậm chí bị xử lý kỷ luật.

Theo VTCnews

Các tin cũ hơn