Phá rừng già trồng… cây non
Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh này trồng mới được từ 10.000 – 14.000ha rừng, nâng độ che phủ từ 58% lên 64% năm 2015 - đạt tỷ lệ cao nhất cả nước. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, phóng viên NTNN nhận thấy nhiều con số báo cáo có vấn đề chưa rõ ràng.
Cụ thể, sở dĩ hàng năm Tuyên Quang có diện tích trồng rừng lớn và có độ che phủ cao nhất cả nước là bởi rừng được trồng đi trồng lại trên cùng một diện tích, nhưng vẫn được tính là trồng mới. Điều đáng nói nữa là, nhiều dự án trồng rừng đã ngang nhiên chặt hạ gỗ lớn tại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để trồng những cây gỗ non như keo, xoan, lát, mỡ…
Nhiều diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng có cây gỗ lớn ở xã Thanh Tương (Na Hang) đã được phạt sạch để trồng rừng mới |
Đơn cử như cuối năm 2009, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Na Hang cho trồng mới hơn 500ha rừng phòng hộ tại các xã Sơn Phú, Thanh Tương, Khâu Tinh…
Tuy nhiên, sang đến năm 2010, khi kiểm kê lại đã có hơn 100ha rừng bị chết trắng, để lại những vùng đất trơ trọi mà trước đó nơi đây là rừng tạp, rừng tái sinh, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Điều đáng nói là cùng diện tích trên, sau khi cây bị chết đã được trồng lại tới 2 lần nhưng vẫn được tính là “trồng mới”.
Đầu tháng 7, chúng tôi về xã Sơn Phú (Na Hang) và được người dân dẫn lên những quả đồi đã từng trồng xoan, mỡ, lát, nhưng theo quan sát của chúng tôi hiện chỉ còn vài cây còi cọc còn sót lại, chen lẫn rừng lau lách um tùm. Ông Hà Văn Hạnh ở thôn Pắc Hẩu bức xúc nói: “Từ năm 2009 – 2012 họ đã phá rừng và trồng mới khoảng 30ha lát, mỡ ở đây. Nhưng các anh thấy đấy, tìm mãi mới thấy một cây lát, cây trồng không phù hợp, không hiệu quả, ấy vậy mà vẫn được nghiệm thu”.
Người dân thôn Cổ Lểng, xã Thanh Tương phản ảnh các dự án trồng rừng kém hiệu quả, lợi dụng phá rừng. |
Tại thôn Khuổi Hoi, tình trạng còn be bét hơn khi cả một cánh rừng rộng lớn đã được phát sạch, thân gỗ đã được lấy đi, chỉ còn trơ lại những gốc cây to cả người ôm bị đốt cháy nham nhở. Đưa mắt nhìn sang núi đằng xa, chúng tôi nghe rõ tiếng cưa máy đang réo và tiếng cây đổ rầm rầm. Một người dân ở đây cho biết, việc phá rừng để trồng mới này là do kiểm lâm chỉ đạo. “Chúng tôi chỉ là người làm thuê, họ chỉ đến đâu chúng tôi chặt đến đó thôi”, một người dân cho hay. Tương tự lại xã Thanh Tương, người dân cũng phản ánh nhiều diện tích rừng có cây gỗ lớn cũng đã được phát quang để trồng mới…
Rời Na Hang, chúng tôi tìm đến các xã Thượng Lâm, Khuổi Hà (huyện Lâm Bình), nơi được cho là có nhiều diện tích trồng rừng kém hiệu quả, song năm nào cũng có kế hoạch trồng mới. Ông Trần Văn Lâm ở bản Phắt, xã Thượng Lâm cho biết, hiện ông được Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình giao quản lý 50ha rừng xoan, mỡ, lát, được trồng 6 năm trước. “Đất ở đây không phù hợp với xoan, mỡ nên chết nhiều lắm, chỉ có lát còn sống được, nhưng phát triển rất chậm, không biết đến bao giờ mới được thu” – ông Lâm lo lắng.
Lỗi là do… dân?
Sau khi ghi nhận các ý kiến của người dân và tìm hiểu thực tế, phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hải – Trưởng phòng NNPTNT Lâm Bình. Nói về hiệu quả trong trồng rừng mới, ông Hải chỉ nói chung chung: “Do là huyện nghèo mới tách năm 2011, nên ngoài việc trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất cũng được lãnh đạo quan tâm. Tuy nhiên, đúng là kết quả không như mong muốn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tình – Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình cho biết, hiện Ban đang quản lý 39.000ha rừng tự nhiên, ngoài ra còn quản lý và phát triển 2.000ha rừng phòng hộ mới trồng và 1.100ha rừng sản xuất. Về nguyên nhân các dự án trồng rừng kém hiệu quả, ông Tình cho rằng: “Một phần do thời tiết khắc nghiệt, phần do thời điểm trồng chưa hợp lý, người dân trồng, chăm sóc chưa đúng kỹ thuật dẫn đến lượng cây trồng bị hao hụt nhiều”.
Về tình trạng tại các xã như Thanh Tương, Sơn Phú, Thượng Lâm… “lợi dụng” việc phát thực bì trồng rừng mới, nhiều người đã “tiện tay” chặt phá những cây gỗ lớn, quý, mà theo người dân có sự chỉ đạo của kiểm lâm, chúng tôi đã làm việc với ông Khổng Văn Quang – Hạt phó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang. Tại buổi làm việc, ông Quang khẳng định: “Rừng trồng mới ở Sơn Phú, Thanh Tương được thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh là trồng ở những vùng đất trống”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra các chứng cứ đã thu thập được, thì ông Quang lại chống chế rằng: “Chúng tôi đã nhờ chính quyền địa phương họ thống kê những vùng không có rừng mới phát trồng mới. Có thể khi phát họ… nhầm vị trí. Nếu đúng họ chặt gỗ lớn để trồng rừng, chúng tôi sẽ xử lý”.
Ông Triệu Đăng Khoa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang xác nhận, việc các diện tích trồng rừng lát, xoan, mỡ ở Na Hang, Lâm Bình… do cây không phù hợp dẫn đến chết, đã được đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát và xác nhận là có thực.
Ông Khoa cho hay: “Cây chết có rất nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản do người dân trồng không đúng kỹ thuật, trồng chậm dẫn đến cây yếu, nên tỷ lệ sống thấp. Còn thông tin một số địa phương chặt phá rừng gỗ lớn để trồng rừng chúng tôi mới biết, sẽ cho kiểm tra, xử lý ngay”.
Dự án lấy nhiều đất rừng tự nhiên
Ngày 20.5.2014, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra Quyết định 203 về việc thu hồi, cho thuê đất gắn với giao rừng vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất đũa tre, giấy và bột giấy Na Hang tại xã Thanh Tương. Theo đó, dự án sẽ thu hồi trên 4,76 triệu m2 đất, trong đó đất có rừng tự nhiên sản xuất là gần 2,49 triệu m2, đất có rừng trồng sản xuất 642.395m2, đất trồng rừng sản xuất trên 1,62 triệu m2. |
Theo Dân Việt