Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm

Chủ nhật, 05/02/2012, 06:44
SaigonNews - Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ tuần kết thúc ngày 28/1 đã giảm 12.000 đơn xuống còn 367.000 đơn sau khi điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ, là một trong những nội dung chính của điểm tin tài chính quốc tế tuần qua.

 

Đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ tuần kết thúc ngày 28/1 đã giảm 12.000 đơn xuống còn 367.000 đơn.

1. Mỹ

Mức công bố thấp hơn 3.000 đơn so với dự báo của giới phân tích đánh dấu mức thấp nhất trong gần 4 năm qua. Số đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu trung bình 4 tuần, một chỉ số phản ánh chính xác hơn về xu hướng thị trường lao động giảm 2.000 đơn, xuống 375.750 đơn. Mặc dù vậy, một số nhà kinh tế nhận định tốc độ tạo việc làm hiện nay là khoảng 150.000 công việc/tháng là quá chậm chạp để đưa hàng triệu người thất nghiệp Mỹ có việc làm trở lại.


Trong khi đó lĩnh vực sản xuất tiếp tục là điểm sáng. Theo khảo sát của ADP, các doanh nghiệp Mỹ đã tuyển thêm170.000 nhân viên trong tháng 1, thấp hơn nhiều so với mức 325.000 việc làm được tạo ra thêm trong tháng 12. Số liệu công bố thấp hơn so với ước tính tăng 185.000 việc làm của giới phân tích. Trong khi đó, theo báo cáo của Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), chỉ số PMI khu vực sản xuất của nước này tăng 1 điểm trong tháng 1 lên 54,1 điểm, cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh hơn.

Trong cuộc điều trần trước Hội đồng Ngân sách Hạ viện, Chủ tịch FED khẳng định sẽ không đánh đổi mục tiêu lạm phát để hỗ trợ thị trường việc làm đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp cải tổ chính sách tài khoá. Theo ông Bernanke, các chỉ số tiêu dùng, sản xuất và lao động đã có một số dấu hiệu cải thiện thời gian gần đây nhưng tốc độ vẫn rất chậm và triển vọng vẫn khá mong manh. Do đó, việc áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế là cần thiết trong trường hợp xu hướng cải thiện này đảo chiều nhưng sẽ vẫn đảm bảo duy trì mức lạm phát ở mức 2%. Ngoài  ra, chủ tịch FED còn yêu cầu các nhà lập pháp đề ra một chính sách tài khoá bền vững để giảm hoặc ít  nhất là duy trì tỷ lệ nợ/GDP.

Tuần này, kinh tế Mỹ bất ngờ đón  nhận những thông tin không mấy lạc quan: Niềm tin người tiêu dùng  Mỹ do tổ chức Conference Board khảo sát trong tháng 1 bất ngờ giảm 3,7 điểm xuống 61,1 điểm, trái ngược với dự báo tăng lên 68 điểm của giới phân tích. Chỉ số PMI khu vực Chicago cùng kỳ cũng giảm 2 điểm xuống 60,2 điểm, trước đó, giới phân tích dự báo chỉ số này tăng lên 63,3 điểm. Thị trường bất động sản Mỹ cũng tiếp tục dấu hiệu trì trệ khi chỉ số gián hà S&P/CaseShiller tháng 11 giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, mức sụt giảm mạnh hơn so với tháng 10. Điều này gia tăng khả năng FED sẽ áp dụng thêm các biện pháp kích thích kinh tế như đã tuyên bố trong cuộc họp thường kỳ mới đây.


2. Trung Quốc

Thủ tướng Ðức Angela Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Trung Quốc tuyên bố xem xét tăng cường sự tham gia của mình trong quỹ giải cứu hỗ trợ giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu, trong cuộc họp giữa lãnh đạo Đức và Trung Quốc. Trong cuộc họp báo chung tại Bắc Kinh cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu làm thế nào để cho vay hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) hay sắp tới là Quỹ ổn định châu Âu (ESM), bao gồm cả khả năng thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tuy nhiên, nước này cũng chưa có bất  kỳ cam kết tài chính nào rõ ràng cho EFSF và ESM.

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc bất ngờ phục hồi trong tháng 12/2011. Số liệu chính thức từ Liên đoàn Hậu cần và mua sắm Trung Quốc cho biết chỉ số PMI của Trung Quốc bất ngờ tăng nhẹ lên 50,5 điểm trong tháng 12 từ mức 50,3 điểm trong tháng 11. Trước đó giới phân tích dự báo chỉ số này sẽ giảm xuống 49,5 điểm. Với việc chỉ số PMI tiếp tục trên 50 điểm, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục duy trì đà mở rộng mặc dù với tốc độ chậm.


3. Châu Âu
 

 

Lĩnh vực sản xuất khu vực eurozone tiếp tục thu hẹp tháng thứ 6 liên tiếp trong tháng 1/2012 nhưng với tốc độ chậm hơn. Số liệu điều chỉnh cho thấy chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của 17 nước đồng euro tăng nhẹ lên 48,8 điểm trong tháng 1, tăng 1,9 điểm so với tháng 12. Trong đó chỉ số sản lượng tăng lên 50,4 điểm từ mức 47,1 điểm trong tháng 12 trong khi chỉ số đơn đặt hàng  mới tiếp tục giảm trên toàn khu vực. Đức là nền kinh tế lớn duy nhất duy trì đà mở rộng của lĩnh vực sản xuất sau 4 tháng giảm liên tiếp. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất tại Pháp, Tây Ban Nha và Italia đã rơi vào tình trạng thu hẹp từ nhiều tháng nay.

Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực eurozone tháng 12/2011 tiếp tục tăng mạnh. Tỷ lệ người lao động không tìm được việc làm tại 17 quốc gia châu Âu tăng 0,1% so với tháng 11 lên 10,4%, mức cao nhất kể từ tháng 6/1998 trước khi đồng euro ra đời. Số người thất nghiệp ở eurozone tăng lên 16,5 triệu người. Các chuyên gia dự báo số lượng này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi các biện pháp kinh tế khắc khổ của các nước được triển khai hết. Trước tình hình này, các lãnh đạo EU đang cân nhắc sử dụng quỹ 82 tỷ euro để kích thích thị trường lao động.

Kết thúc phiên họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên trong năm 2012, các nước EU đạt được thống  nhất về việc đẩy nhanh thực hiện Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu, và ký kết hiệp ước mới nhằm kiểm soát ngân sách chặt chẽ, tuy nhiên, vấn đề nợ của Hy Lạp tiếp tục không được đề cập. Các lãnh đạo EU đã nhất trí Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 7 tới, sớm hơn 1năm so với dự kiến, nhằm hỗ trợ các nước khó khăn về tài chính. 25 trong tổng số 27 nước Liên minh châu Âu (EU) trừ Anh và Séc ủng hộ hiệp ước nhằm kiểm soát ngân sách chặt chẽ. Các cuộc thảo luận về chiến lược để hồi phục tăng trưởng và tạo việc làm vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể trong bối cảnh chính phủ các nước đang phải cắt giảm chi tiêu công, tăng thuế để giải quyết  những khoản nợ khổng lồ.

Doanh số bán lẻ Đức bất ngờ giảm sút trong tháng 12/2011 trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục xu hướng giảm. Doanh số bán lẻ tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu tháng 12 tiếp tục giảm 1,4% so với tháng trước, sau khi đã giảm 1% trong tháng 11. So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ giảm 0,9%, trái ngược với mức tăng 0,9% trong tháng 11. Trước đó, giới phân tích dự  báo doanh số  bán lẻ  sẽ  phục hồi nhẹ trong tháng
cuối cùng của năm 2011. Trong khi đó, trái ngược với tình hình tại các nước khác trong khu vực châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp tại Đức tháng 1 giảm xuống 6,7% từ mức 6,8% trong tháng trước nhờ số lượng người không có việc làm giảm mạnh hơn dự báo.

4. Australia
 
Thặng dư thương mại của Australia tăng trở lại trong tháng 12/2011 trong khi số lượng cấp phép xây dựng bất ngờ giảm mạnh trong tháng 12. Cán cân thương mại hàng hoá và dịch vụ của Australia đã điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ thặng dư 1,71 tỷ AUD trong tháng 12, tăng 0,37 tỷ AUD so với tháng 11 và vượt dự báo của các chuyên gia. Nguyên nhân chính là sự tăng mạnh của hoạt động xuất khẩu vàng phi tiền tệ. Trong khi đó, số lượng đơn cấp phép xây dựng, một chỉ báo cho thị trường bất động sản trong thời gian tới bất ngờ giảm 1% trong tháng 12, trái ngược với mức tăng 10,1% trong tháng 11 và dự báo tăng 0,2% của giới phân  tích.


Chỉ số niềm tin của giới đầu tư Australia tháng 12 tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng qua. Khảo sát của tổ chức NAB cho thấy chỉ số phản ánh đánh giá của giới doanh nghiệp về nền kinh tế tháng 12/2011 tăng thêm 1 điểm lên 3 điểm, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 5/2011. Nguyên nhân chủ yếu là những động thái mạnh mẽ nhằm hỗ trợ nền kinh tế của NHTW nước này khi hạ lãi suất cơ bản hai lần liên tiếp trong hai tháng cuối cùng của năm 2012.
 
5. Nhật Bản

Chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản bất ngờ tăng lên trong tháng 12, sản lượng công nghiệp giảm thấp hơn dự báo, tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tháng 11 tăng nhẹ. Chi tiêu tiêu dùng tháng 12 của các hộ gia đình tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trái ngược với mức giảm 3,2% trong tháng 11 và mức dự báo giảm 0,2% của giới phân tích đưa ra trước đó. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp cùng thời kỳ giảm 4,1%, thấp hơn so với mức giảm - 4,2% trong tháng 11. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng thêm 0,1% lên 4,6%  trong  tháng 11.

Misa

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn