Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về các bất cập của dự án BOT

Thứ tư, 04/10/2017, 17:34
Cho ý kiến về kết quả thanh tra đối với 7 dự án BOT, BT giao thông của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo: Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chung, toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về các tồn tại, bất cập trong thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải theo hình thức BT, BOT.

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chính thức có ý kiến đồng ý nội dung kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra số 1428/KL-TTCP ngày 7- 6 – 2017 mà báo CAND đã có dịp đề cập.

Bộ Giao thông vận tải được kết luận chịu trách nhiệm chung, toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về các tồn tại, bất cập trong thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải theo hình thức BT, BOT: Chưa thực hiện đúng quy định về xây dựng, công bố danh mục dự án đầu tư; chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phê duyệt và quản lý thực hiện dự án; cần có biện pháp kiểm soát và xác định đúng tổng mức đầu tư dự án. Cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán công trình, quản lý chất lượng công trình còn nhiều sơ hở, thiếu sót, dẫn đến thất thoát trong quản lý chi phí, quản lý doanh thu trong quá trình khai thác.

Theo Kết luận thanh tra được công bố ngày 1/9/2017, sau khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chính thức, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 5 khuyết điểm, vi phạm của hình thức đầu tư này.

Thứ nhất, chưa thực hiện đúng quy định về việc xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP; việc công bố sau khi phê duyệt danh mục dự án, không đúng thời điểm tháng 1 hàng năm là thiếu chặt chẽ và ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Minh chứng là với hơn 70 dự án đã thực hiện, không một dự án nào lựa chọn được nhà đầu tư qua đấu thầu, mà 100% qua chỉ định thầu, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực, dẫn đến việc đàm phán, ký kết hợp đồng, giám sát, quản lý vốn đầu tư nhiều bất cập, sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án.

Thứ hai, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án còn bất hợp lý; phê duyệt một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư chưa đúng quy định, còn một số khoản sai lệch. Các dự án BOT, BT hầu hết được thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, mật độ người, phương tiện tham gia lớn, đặt một số có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, gây khó khăn đối với người tham gia giao thông vì không có sự lựa chọn khác (điển hình tại Hà Nội – Thái Bình – Nam Định – Hưng Yên – Hòa Bình...); phát sinh tình trạng né trạm thu phí, đi vào đường ngang, ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương và cả nguy cơ mất an toàn.

Việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án còn thiếu chuẩn xác. Phần lớn các dự án BOT là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn tích phương tiện ở khu vực vốn đã đông đúc.

Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ

Qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư của 6 dự án đã xác định giá trị phê duyệt sai tăng 451 tỷ đồng, trong đó riêng đường Thái Nguyên – Chợ Mới đã tăng 101 tỷ đồng.

Thứ ba, lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết và giám sát thực hiện hợp đồng của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn thiếu chặt chẽ; Nhà đầu tư đã lập, duyệt không đúng nhiều khối lượng, định mức, đơn giá trong dự toán công trình. Thời gian qua, việc tổ chức rà soát dự toán các dự án BOT của Bộ GTVT đã xác định các nhà đầu tư phê duyệt dự toán không đúng tổng số tiền hơn 654 tỷ đồng.

Thứ tư, việc thanh quyết toán xác định giá trị công trình dự án còn bất hợp lý, hầu hết các công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, thu phí đều chậm và chưa quyết toán theo đúng hợp đồng. Việc phê duyệt thiết kế, tổng dự toán, lựa chọn nhà nhà thầu, thực hiện và phê duyệt quyết toán đều thuộc thẩm quyền của nhà đầu tư, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền không giám sát và nghiệm thu, trong khi kiểm toán chỉ thực hiện trên hồ sơ, chứng từ, không thể minh bạch, chính xác toàn bộ hoạt động đầu tư trong quá khứ. Đến thời điểm thanh tra, hầu hết các công trình đều chậm và chưa quyết toán được theo thời hạn hợp đồng ký kết. Trong số 24 dự án đưa vào khai thác mới chỉ quyết toán được 3 dự án.

Thứ năm, kết quả huy động vốn thực hiện các dự án BT, BOT không đạt được mục tiêu đa dạng các nguồn vốn, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xác định phương án tài chính thiếu chính xác, nhất là phương án thu phí giao thông. Đến 85 -90% vốn các nhà đầu tư vay ngân hàng với lãi suất cao, đội phí. Cơ chế thu phí bất hợp lý, giá thu cao, dự án chưa hoàn thành (giá trị đầu tư mới thực hiện 30%) nhưng giá thu phí tương đương dự án đầu tư mới (dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ).

Về kinh tế, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ GTVT có trách nhiệm rà soát, xử lý điều chỉnh tổng mức đầu tư của 6 dự án là 451,5 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách phần đã thanh toán vượt, thanh lý 2 hợp đồng tư vấn với nhà đầu tư trị giá 16,2 tỷ đồng. 7 doanh nghiệp dự án được yêu cầu phải xử lý 316,2 tỷ đồng, bao gồm phê duyệt điều chỉnh dự toán 9 khoản 91 tỷ đồng, rà soát 16 khoản 225 tỷ đồng... Với các kiến nghị này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu: Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra của Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan; tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1- 11 tới đây.

Các dự án trong kết luận thanh tra bao gồm: Dự án hầm đường bộ đèo Phước Tượng, Phú Gia; Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ; dự án đầu tư và xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình; dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn K, 123+105 đến Km 268; dự án đầu tư khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km 0+000 đến Km 123 + 105; dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Nguyên – Chợ Mới; dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn qua Bắc Ninh và Hải Dương.

Theo CAND

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích