Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 20/9, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 11,02% so với cuối năm 2016. Mức tăng cao hơn so với nhiều năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46%; năm 2015 tăng 10,78%...)
Khác với những năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng đều từ những tháng đầu năm. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên tín dụng tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống.
Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đều tăng mạnh so với cuối năm 2016, như xuất khẩu tăng 8,14%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 25,12%; công nghiệp ưu tiên tăng 18,9%...
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết người Việt ngày càng có xu hướng thanh toán không sử dụng tiền mặt. Cụ thể, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế đang giảm dần từ 19,02% vào năm 2005 xuống 14,02% năm 2010, đến cuối năm 2016 chỉ còn là 11,49%.
Số lượng thẻ phát hành đã đạt trên 121,5 triệu thẻ tính đến hết tháng 6/2017. Như vậy, trung bình mỗi người dân đã sở hữu 1,3 chiếc thẻ ngân hàng để thanh toán. Cả nước có trên 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 39 đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Một thông tin đáng chú ý là mặt bằng lãi suất giữ ổn định và giảm trước sức ép tăng trong 6 tháng đầu năm. Nhiều tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm (từ mức 9-10,5%/năm.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: ngắn hạn 6-6,5%/năm, trung và dài hạn 8-10,5%/năm. Đối với sản xuất kinh doanh thông thường khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung dài hạn.
Theo Zing