Quốc hội sẽ tiến hành kỳ họp thứ 4 khóa XIV ngày 23.10 tới đây. Kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, thu và chi, nợ công và trả lãi, năm 2018 sẽ được thảo luận trước yêu cầu cần tăng cường chất lượng của tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, việc giải ngân cho các dự án, công trình phải được xem xét thật cẩn trọng, “mọi dự án công trình phải được tính toán thật kỹ, được phản biện khách quan, khoa học bảo đảm không hối tiếc đầu tư”(1), “để chúng ta không phải hối tiếc khi đầu tư các công trình này và cũng để ngân sách Nhà nước không ở vào tình thế “đã đâm lao phải theo lao”(2).
Bài viết này nêu lên 2 dự án đầu tư công cần xem xét kỹ trước khi giải ngân.
1. Dự án Luồng sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố
Dự án này được Bộ GTVT kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long.
Khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho triển khai (công văn số 123/TTg-CN ngày 22.01.2007) tổng mức đầu tư của dự án là 3148,5 tỷ đồng. Mười tháng sau, tổng mức đầu tư của dự án được Bộ GTVT duyệt tại Quyết định số 3744/QĐ-BGTVT ngày 30.11.2007 tăng lên 10319,2 tỷ đồng, tăng gấp 3,28 lần.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28.11.2013 về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 – 2016. Đối với việc sử dụng trái phiếu chính phủ cho dự án, Nghị quyết nói rõ: “Đối với Dự án Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu: Giao Chính phủ chịu trách nhiệm đánh giá kỹ về tác động môi trường và hiệu quả của Dự án; cắt, giảm các hạng mục chưa cần thiết, chỉ bố trí vốn cho giai đoạn 1 để dự án phát huy tác dụng thiết thực”.
“Về phản ánh của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trân nêu tại Bài báo "Để không phải tiếp tục theo lao", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu nội dung của Bài báo (kèm theo), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 27 tháng 4 năm 2017. Thủ tướng Chính phủ chưa có chủ trương xây hầm chui qua Kênh Tắt.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.”
Qua theo dõi, yêu cầu báo cáo mà Văn phòng Chính phủ truyền đạt trong công văn trên cho tới ngày 27/8/2017, vẫn chưa được thực hiện.
Xin được nói thêm rằng cuối tháng 3/2017, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản số 154/TB- KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án Luồng sông Hậu. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án hàng hải xử lý tài chính 391,7 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách nhà nước 3,1 tỷ đồng; giảm thanh toán 177,5 tỷ đồng; giảm giá trị hợp đồng 129,7 tỷ đồng; xử lý khác 81 tỷ đồng.
Thông báo của Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra nhiều đơn vị liên quan trực tiếp tới Dự án sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm về những sai sót tại công trình. Cụ thể, có đơn vị đã “thiếu trách nhiệm trong việc đề nghị bố trí vốn vượt kế hoạch cho Dự án, dẫn đến vượt nhu cầu hơn 1.586 tỷ đồng”; có đơn vị “sai sót trong việc tham mưu để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định thầu một số gói thầu chưa phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu”. Yêu cầu của Bộ GTVT là các đơn vị đã có sai sót khẩn trương kiểm điểm và báo cáo kết quả trước ngày 15/6/2017.
Rõ ràng, dự án Luồng sông Hậu (qua Kênh Quan Chánh Bố và Kênh Tắt) rất cần được kiểm tra giám sát chặt chẽ việc chi tiêu từ ngân sách nhà nước.
ĐBSCL đối diện với nhiều nguy cơ. |
2. Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé
Ngày 05.04.2017 Bộ NN&PTNT có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 của dự án.
Sau khi tiếp cận được hồ sơ của dự án, tác giả đã có tthư gửi Thủ tướng Chính phủ (ngày 15.04.2017) trình bày những bất cập của dự án và kiến nghị Bộ NNvPTNT cần chỉnh sửa bổ sung theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định và những nội dung không thể thiếu, trước khi trình TTCP.
Ngày 17.04.2017, Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 đã được một Phó Thủ tướng ký.
Quy mô đầu tư được phê duyệt: Xây dựng cụm công trình giai đoạn 1, gồm các hạng mục - Cống Cái Lớn, cống Cái Bé; - Đê nối hai cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61; - Kênh nối sông Cái Lớn - Cái Bé; - Sửa chữa cống âu Tắc Thủ. Tổng mức đầu tư dự kiến là 3.309,5 tỷ đồng.
Quyết định đã nêu lên “những vấn đề lưu ý giai đoạn sau”. Trong đó có 5 vấn đề cần nhấn mạnh là: (1) Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của dự án trong đó có môi trường nước và môi trường đất trong khu vực của dự án; (2) Nghiên cứu tác động của công trình đến vùng hưởng lợi; (3) Về công tác quản lý vận hành; (4) Đề xuất giải pháp lấy nước mặn cho vùng sản xuất lúa tôm; (5) Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.
Như vậy, cách triển khai Dự án mà Quyết định 498 phê duyệt là xây dựng công trình trước (giai đoạn 1) và nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến hệ quả và hậu quả của giai đoạn 1 ở giai đoạn sau.
Tại sao không nghiên cứu ít nhất 5 vấn đề trên đây trước hoặc cùng lúc với 4 hạng mục công trình để chọn phương án tối ưu cho các hạng mục này trong bối cảnh biến đổi khí hậu nước biển dâng?
Địa bàn phía trên của vùng Dự án chi chít những cống mà việc vận hành còn chưa đạt mục tiêu (hình 1), bây giờ Dự án giai đoạn 1 lại chồng lên thêm 2 cống Cái Lớn và Cái Bé. Tại sao không mô phỏng cơ chế vận hành hệ thống tất cả các cống để tìm cơ chế vận hành phù hợp với quy luật, cho phép khai thác tối ưu tài nguyên đất, tài nguyên nước và sinh kế người dân, mà lại xây cống Cái Lớn, Cái Bé trước?
Một số đặc điểm thủy văn ĐBSCL |
Đồng lũ nửa kín Tây Nam sông Hậu, với chi chit các Kênh KH được đào từ giữa những năm 1980, và các cống phần lớn được xây trong Dự án KH8 – KH9 được WB tài trợ. |
Xin nhấn mạnh rằng cơ chế vận hành này tùy thuộc vào vị trí của hai cống Cái Lớn, Cái Bé, và vị trí hai công này tùy thuộc vào BĐKH, nước biển dâng. Mặc dù bài toán khá phức tạp nhưng mô phỏng là công cụ nằm trong tầm tay, tại sao không sử dụng trước khi phê duyệt đầu tư 3300 tỷ đồng giai đoạn 1?
Với ngạn ngữ nước ta, cách triển khai của QĐ 498 là “Sinh con rồi mới sinh cha”, hay “Đẽo chân theo guốc”! Cách làm này thuộc về quá khứ, cho tới nay đã dẫn tới tình trạng ngân sách Nhà nước luôn ở vào tình thế “đã đâm lao phải theo lao”.
Hơn thế nữa, cách làm của QĐ 498 đi ngược lại ý kiến đã được Thủ tướng Chính phủ nói rõ ngày 27.9.2017, tại phiên bế mạc hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL: “Mọi dự án công trình phải được tính toán thật kỹ, được phản biện khách quan, khoa học bảo đảm không hối tiếc đầu tư”; “Vì có nhiều yếu tố bất định, trước khi chọn 1 giải pháp công trình, phải tính toán cán cân Được – Mất trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường”.
Vì những lý do trên đây, trong khi ngân sách nhà nước có khó khăn, nợ công rất nhiều, xin kiến nghị với Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ hoãn việc giải ngân cho Dự án; yêu cầu Bộ NN&PTNT phải bổ sung hố sơ, trình lại Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Chú thích:
(1) Trích phát biểu kết luận của Thủ tướng CP tại hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, Cần Thơ 27.09.2017.
(2) Trích phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội nghị nói trên đây.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân
Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI
Theo Đất Việt