Bịt kẽ hở thâu tóm 'đất vàng' giá rẻ trong cổ phần hóa

Thứ ba, 10/10/2017, 11:47
Không thể cậy có tiền mà cổ đông nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư chiến lược để hô phong hoán vũ biến mảnh đất của một hãng phim trở thành cao ốc. Nhưng quy định mới liệu đã đủ mạnh để bịt được các kẽ hở thâu tóm đất vàng?

Dự án cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ số 504 Nguyễn Tất Thành (Q.4, TP.HCM) là một trong 60 dự án được Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ thanh tra

Bộ Tài chính vừa công bố một số nội dung dự thảo nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong đó buộc nhà đầu tư cam kết duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp trong ít nhất 3 năm.

"Vấn đề cần phê phán chủ yếu là quản lý đất đai lỏng lẻo, là miếng đất màu mỡ cho sân trước sân sau, thất thoát tài sản nằm ở đấy"

Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết hiện Bộ Tài chính đang soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định về việc này.

Liệu quy định này có chặn được việc nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở của luật để thâu tóm "đất vàng" với giá rẻ không?

Cam kết bằng văn bản

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Bộ này vẫn đề xuất tiếp tục hướng dẫn xác định giá đất cụ thể (thuê và giao) theo Luật đất đai năm 2013.

Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và cho thuê công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước.

Đặc biệt để tránh việc doanh nghiệp "ôm" lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý, phương án sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quyết định của Thủ tướng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị của doanh nghiệp.

Về việc xử lý những vướng mắc trong cổ phần hóa, ngăn chặn thất thoát "đất vàng", ông Đặng Quyết Tiến cho biết Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Dự thảo về cổ phần hóa doanh nghiệp.

Điểm mới nhất là nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản là tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm. Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong 3 năm...

Dự án Garden Gate Residence (tên cũ là Skyway Tower) tại số 8 Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận, TP.HCM là một trong 60 dự án được Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ thanh tra

Có giải quyết gốc rễ?

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quy định buộc nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải cam kết tiếp tục ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm không giải quyết gốc rễ vấn đề bất cập đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp.

Ông Phạm Đình Soạn - chuyên gia về tài chính doanh nghiệp - cho rằng với những ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ, nhà đầu tư vào sẽ chủ động với kế hoạch kinh doanh của họ. Không thể dùng mệnh lệnh hành chính nhà nước mà áp đặt lên thị trường.

Mặt khác, đối với những lĩnh vực đặc thù như điện ảnh chẳng hạn, nếu Nhà nước cần phát triển một hãng phim quốc gia thì Nhà nước cũng phải nắm giữ một tỉ lệ vốn đủ để quyết định đến chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Còn nếu sau 3 năm, một doanh nghiệp rất nhiều tiền không có liên quan đến điện ảnh mà bắt họ phải làm phim thì rất khó phát triển doanh nghiệp. Và hàng nghìn mét vuông "đất vàng" sử dụng lãng phí, không hiệu quả cũng là thất thoát rất lớn cho ngân sách.

Ông Nguyễn Quang Đồng - chuyên gia chính sách công độc lập - cho rằng việc yêu cầu doanh nghiệp mua cổ phần duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm không những không ngăn được doanh nghiệp thâu tóm "đất vàng" mà còn có thể khiến những nhà đầu tư chân chính e ngại.

Lý do là doanh nghiệp cùng ngành nghề với doanh nghiệp cổ phần hóa khó đủ tiềm lực để mua cổ phần (bao gồm đất nếu định giá thực).

Còn đã là nhà đầu tư "nhăm nhe" mua cái vỏ doanh nghiệp để lấy đất, họ chắc chắn không phải là những người kinh doanh cùng lĩnh vực doanh nghiệp cổ phần hóa.

Đường đi khiến "đất vàng" bị thâu tóm với giá rẻ (trái) và cách chặn việc thất thu (phải)

Không thể "cậy" có tiền

Theo nhiều chuyên gia, cần phải thu hút nhà đầu tư chiến lược một cách thực sự chứ không như thời gian qua, quá nhiều cổ đông cứ "cậy" có tiền là nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư chiến lược dù không biết tí nào về ngành nghề mà mình làm chủ. Sau vài ba năm, doanh nghiệp sau cổ phần hóa làm ăn èo uột, doanh nghiệp lấy đất thuê cho thuê lại cất túi hàng trăm tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng không phải ai có tiền cũng trở thành cổ đông chiến lược.

"Cái cần của cổ đông chiến lược không phải chỉ là vốn mà là phần mềm, năng lực để phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Đó mới là quan trọng. Như câu chuyện ở Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), một anh chuyên về đường thủy lại rót vốn vào hãng phim thì rất khó coi đây là cổ đông chiến lược", ông Cung nói.

"Hiện đất VFS được cho thuê sử dụng để làm phim. Trường hợp đất được sử dụng vào mục đích khác phải được cơ quan quản lý nhà nước về đất cho phép và khi đó đất phải được định giá lại.

Có lẽ đây là chỗ mà nhiều người cho rằng VFS hấp dẫn nhà đầu tư và nếu nhà đầu tư chỉ nhìn nhận như thế này không phải nhà đầu tư nghiêm túc. Vấn đề cần phê phán ở đây chủ yếu là quản lý đất đai lỏng lẻo, là miếng đất màu mỡ cho sân trước sân sau, thất thoát tài sản nằm ở đấy", ông Cung nhận định.

Ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG

(chuyên gia chính sách công độc lập): Xử lý theo nguồn gốc đất

Để ngăn chặn thâu tóm "đất vàng" với giá rẻ bèo, Nhà nước cần phân biệt 3 loại nguồn gốc đất của doanh nghiệp đang muốn cổ phần hóa để có hướng xử lý phù hợp.

Thứ nhất, nếu là đất Nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước mà không sử dụng hết, sử dụng sai mục đích thì phải trả về lại quỹ đất của địa phương, từ đó địa phương đấu giá công khai và thu tiền về ngân sách. Đất doanh nghiệp hiện đang thuê của Nhà nước cũng cần được trả lại quỹ đất chứ không thể đưa đất đang được thuê vào tài sản tính để cổ phần hóa.

Thứ hai, nếu phần đất phát sinh ngoài đất Nhà nước giao, tức là phần đất doanh nghiệp mua thêm, mở rộng ra được từ quá trình kinh doanh của mình, đất đó mới được phép tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Cuối cùng, nếu đất được Nhà nước giao và doanh nghiệp đã phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật (nhà xưởng...) trên đất, phần đất này có thể tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, nhưng cần định giá bởi một tổ chức định giá độc lập. Khi giải quyết được vấn đề đất đai, tài sản nhà nước không bị thất thoát, thì những việc về sau là của doanh nghiệp.

Theo TTO

Các tin cũ hơn