Đất vàng VFS định giá 0 đồng: Bộ Tài chính lên tiếng

Thứ năm, 28/09/2017, 10:56
“Nếu quy hoạch Hà Nội thay đổi làm đô thị thì mới được xây chung cư, khách sạn. Cái này đang thanh tra nên phải đợi kết luận thanh tra”.

Đợi kết luận thanh tra

Sáng 27/9, tại cuộc họp báo chuyên đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã có những chia sẻ xung quanh việc đất vàng của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được định giá 0 đồng.

Theo ông Tiến, với VFS, quy hoạch phải rõ ràng khu đất đó được sử dụng làm gì. Quy hoạch như thế nào thì phải sử dụng như vậy.

“Nếu là xưởng phim thì mãi mãi làm xưởng phim. Còn nếu quy hoạch thành phố Hà Nội thay đổi làm đô thị thì mới được xây chung cư, khách sạn. Cái này đang thanh tra nên phải đợi kết luận thanh tra”, ông Tiến khẳng định.

Đất vàng VFS được định giá 0 đồng

Nhắc đến việc giá trị hơn 5.000m2 “đất vàng” của Hãng phim truyện được định giá 0 đồng do là đất thuê, ông Tiến cho rằng theo quy định, có thể định giá 0 đồng, với điều kiện đúng quy hoạch.

Quy hoạch ở đây theo ông Tiến có thể là thuê trả tiền thuê đất hàng năm, trả 1 lần hoặc giao đất nếu trường hợp quy hoạch làm bất động sản.

“Chẳng hạn nếu quy hoạch làm công viên cây xanh, người ta có thể vẫn thuê đất và trả tiền hàng năm, nhưng sẽ không có giá trị gì khi cổ phần hóa, vì không ai mua cả. Nhưng nếu quy hoạch là đô thị thì khác rồi, sống chết người ta cũng phải đầu tư vào”, ông Tiến khẳng định thêm.

Ngoài ra, nếu quy hoạch đất Hãng phim chỉ làm phim mà sau đó lại xây dựng chung cư, siêu thị... thành phố sẽ thu lại hoặc Nhà nước sẽ xác định giá mới theo giá thị trường. Khi đó, công ty cổ phần hóa đủ tiền trả cho nhà nước theo phương án mới thì làm. Không có tiền trả, đấu giá cho đơn vị khác khai thác đất.

Đặc biệt theo ông Tiến, quy hoạch sử dụng đất phải công khai trong bản cáo bạch, công khai tại trụ sở doanh nghiệp. Nếu không công khai  là vi phạm quy định pháp luật, sẽ bị truy cứu trách nhiệm, nhà đầu tư có thể kiện.

Không thể có chuyện chưa đối chiếu quy hoạch đất rõ ràng đã bán, đã cổ phần hóa doanh nghiệp. Những vấn đề này, các công ty tư vấn phải có nhiệm vụ tư vấn cho doanh nghiệp cổ phần hóa.

Giá trị thương hiệu 0 đồng

Cũng liên quan đến vấn đề này, chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, nhiều nghệ sĩ và lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam đều khẳng định không đồng tình với việc xác định giá trị thương hiệu 0 đồng cho hãng phim có bề dày lịch sử 60 năm, sản xuất rất nhiều bộ phim kinh điển.

Giải thích vấn đề này, ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VH-TT-DL cho biết, theo quy định tại khoản 7 Điều 18 Thông tư 127/2014/TT-BTC thì giá trị lợi thế kinh doanh được tính vào giá trị doanh nghiệp gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển.

Theo ông Hoàng, giá trị thương hiệu ở đây bao gồm cả những chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí liên quan đến việc quảng cáo, giữ bản quyền thương hiệu và chi phí đào tạo… trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm.

“Giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là tiềm năng phát triển của doanh nghiệp được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp với lãi suất trái phiếu Chính phủ”, ông Hoàng cho biết.

Trên căn cứ các hồ sơ của VFS xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 30/9/2014. Trong vòng 5 năm kể trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, phần Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam không có chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty, xây dựng trang web… nên công ty không tập hợp được chi phí thực tế để tạo dựng thương hiệu.

Vì vậy, ông Hoàng cho rằng căn cứ theo hướng dẫn xác định giá trị thương hiệu thì giá trị thương hiệu của công ty tại thời điểm 30/9/2014 là 0 đồng.

Trước những băn khoăn của các nghệ sĩ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sẽ báo cáo Thủ tướng để thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL phải phối hợp với Bộ KH-CN, Bộ Tài chính nghiên cứu tính lại giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam căn cứ theo giá trị truyền thống, lịch sử của hãng phim.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn