Mỹ: Trung Quốc không muốn Ấn Độ ngang hàng

Thứ năm, 28/09/2017, 11:27
Trung Quốc có thể áp dụng "bài học" Doklam để mở lại các tranh chấp biên giới im lìm từ lâu với các nước láng giềng khác.

Thuốc thử Doklam

Tờ Foreign Affairs mới đây có bài bình luận về quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhất là những ẩn ý đằng sau vụ căng thẳng biên giới ở khu vực Doklam. Theo đó, mục tiêu đầu tiên của Bắc Kinh là để cho Ấn Độ không có suy nghĩ rằng nước này ngang hàng với Trung Quốc.

Trung Quốc và Ấn Độ có chung đường biên giới dài hơn 4.000km, với gần như toàn bộ đường biên giới chung đó dựa trên các thỏa thuận và khảo sát từ thời thực dân, và phần lớn trong số đó vẫn bị tranh chấp. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền các phần lãnh thổ do Ấn Độ nắm giữ, phần lớn là ở các bang Arunachal Pradesh, Jammu và Kashmir, với những vùng nhỏ hơn được tuyên bố chủ quyền ở Uttarakhand và Himachal Pradesh.

Giữa Ấn Độ và Trung Quốc tồn tại hàng loạt tranh chấp biên giới dai dẳng

Ấn Độ tuyên bố chủ quyền với các vùng đất do Trung Quốc nắm giữ, đáng chú ý nhất là vùng đất có tên gọi Aksai Chin mà Trung Quốc đã cho xây một con đường qua đó vào những năm 1950 nối Tân Cương với Tây Tạng.

Các phần biên giới chia cắt các vùng lãnh thổ bị tranh chấp được đề cập đến như là Đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC). Có những vụ va chạm định kỳ dọc theo LAC, nhưng cả hai quốc gia đã lên kế hoạch cẩn thận nhằm tránh leo thang; kết quả là, đã không có thương vong nào bắt nguồn từ các tranh chấp đất đai trong nửa thế kỷ qua.

Vào ngày 8/6, một đơn vị có quy mô trung đội của lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc đã di chuyển vào vùng lãnh thổ được cả Trung Quốc lẫn Bhutan tuyên bố chủ quyền. Họ đã phá hủy các boongke bằng đá mà Quân đội Hoàng gia Bhutan không thường xuyên sử dụng, và ngay sau đó một đội xây dựng đường của Trung Quốc đã tới cùng với máy xúc, xe ủi đất và một đoàn quân đội hộ tống lớn hơn.

Vào ngày 16/6, binh lính Ấn Độ đã tới và ngăn cản nỗ lực xây dựng đường sá. Hai tháng tiếp theo đó chứng kiến các vụ xô xát định kỳ tại Doklam, cũng như một vụ ném đá (được ghi hình lại và đăng trên YouTube) bên bờ Hồ Pangong đang tranh chấp cách đó gần 1.300km. Ngày 28/8, cả hai quốc gia đều nhất trí với điều mà Ấn Độ gọi là “rút quân nhanh chóng”, và cả hai đều tuyên bố việc không có giải pháp này là một chiến thắng.

Hình ảnh binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ném đá nhau gần Hồ Pangong được đăng tải trên YouTube

Theo giới phân tích Mỹ, động cơ của Ấn Độ trong xung đột này khá dễ để làm sáng tỏ. Ấn Độ có quan hệ rất mật thiết với Bhutan. Theo Hiệp ước hữu nghị năm 1949, Vua Druk Gyalpo của Bhutan đã cam kết “làm theo lời khuyên của Chính phủ Ấn Độ liên quan đến các mối quan hệ bên ngoài của nước này”. Hiệp ước được sửa đổi vào năm 2007 nhằm đưa cả hai chính phủ cam kết “hợp tác chặt chẽ với nhau về các vấn đề có liên quan đến lợi ích quốc gia của hai nước”.

Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Doklam – đặc biệt là sự hiện diện cùng với khả năng về cơ sở hạ tầng vận tải hỗ trợ cho các cuộc tấn công bất ngờ sâu hơn – sẽ đe dọa tới dải đất rộng hơn 27km được biết đến là Hành lang Siliguri nối 7 bang ở Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của nước này. Hành lang này thường được biết đến là “cổ gà” của Ấn Độ – và New Delhi không có ý định để cho Bắc Kinh giành được quyền kiểm soát nó.

Hiệp ước năm 2007 với Bhutan đưa ra lưu ý một cách đáng lo ngại rằng “Chính phủ sẽ không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình cho các hoạt động gây hại tới lợi ích và an ninh quốc gia của nước khác”. Thậm chí nếu Bhutan sẵn sàng để Trung Quốc kiểm soát Doklam, thì Ấn Độ có khả năng sẽ miễn cưỡng (và, theo hiệp ước, không cần thiết) đứng sang một bên.

Tiền lệ nguy hiểm

Trên thực tế, binh lính Trung Quốc và Ấn Độ thường xuyên lấn sang biên giới của nhau khoảng một vài trăm mét, phụ thuộc vào việc họ có thể chiếm được bao nhiêu đất trước khi các giới chức trách có thẩm quyền cao hơn can thiệp. Chẳng hạn, vào tháng 4/2013, một trung đội của Trung Quốc đã tiến gần 20km vào vùng lãnh thổ do Ấn Độ nắm giữ gần Daulat Beg Oldi ở Kashmir, nhưng khoảng 3 tuần sau đó họ đã rút lui sau cuộc tranh cãi căng thẳng về ngoại giao.

Cuộc đối đầu trực tiếp lần này kéo dài hơn dự tính, từ vài ngày sang vài tuần rồi tới vài tháng. Sau khoảng tuần đầu tiên, nó từ một sự khởi xướng trên thực địa sang một lựa chọn chính sách được thực hiện ở cấp cao nhất của Chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh đã khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong dân chúng Trung Quốc bằng cách cho đăng những câu chuyện mang tính kích động (và trong một số trường hợp mang tính phân biệt chủng tộc cao) trên báo chí và phương tiện truyền thông xã hội.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung

Theo giới phân tích Mỹ, Trung Quốc có 4 mục tiêu then chốt trong tranh chấp này, hai mục tiêu nhắm thẳng vào Ấn Độ và hai mục đích với ảnh hưởng trực tiếp hơn tới Mỹ và các quốc gia khác trên toàn thế giới.

Mục tiêu đầu tiên là để cho Ấn Độ không có suy nghĩ rằng nước này ngang hàng với Trung Quốc. Theo đó, cuộc chiến năm 1962 đã làm tiêu tan hoàn toàn bất cứ ảo tưởng nào rằng hai quốc gia khổng lồ tại châu Á là bạn bè hay có cùng vị thế. Trong những thập kỷ tiếp theo, khoảng cách về quân sự và kinh tế (đặc biệt từ những năm 1990 trở đi) giữa 2 quốc gia dường như giãn rộng hơn.

Tuy nhiên, trong thế kỷ mới, sự tự tin của Ấn Độ đã đều đặn tăng lên: lãnh đạo của cả 2 đảng phái chính trị lớn ngày càng miêu tả Pakistan là đối thủ của đất nước trong quá khứ, và Trung Quốc là đối thủ trong tương lai. Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, thái độ này đã được đi kèm với hành động khi tăng cường hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và lưỡng dụng của Ấn Độ dọc theo LAC, và gia tăng hợp tác an ninh với các đối tác Thái Bình Dương của nước này, trong đó có Australia, Nhật Bản và Việt Nam.

Ấn Độ cũng thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với Mỹ. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Washington vào tháng 6/2017, Ấn Độ đã tuyên bố nước này sẽ mua 22 máy bay không người lái Guardian MQ-9B của Mỹ cho hoạt động giám sát trên biển.

Vào ngày 10/7, Mỹ và Ấn Độ đã bắt đầu tiến hành phiên bản thế kỷ 21 của cuộc diễn tập hải quân hàng năm Malabar, mà lần đầu tiên có sự tham gia của tàu sân bay của 2 nước cũng như của Nhật Bản.

Trong quá khứ, Ấn Độ nhìn chung lảng tránh các cuộc tập trận đa phương có sự tham gia của Mỹ, hay bất cứ hành động nào mà có thể bị Bắc Kinh nhìn nhận là một bước đi hướng tới liên minh với Mỹ.

Tàu chiến của Mỹ và Ấn Độ tập trận chung trên Ấn Độ Dương

Tờ báo Mỹ nhấn mạnh vụ việc tại Doklam chứa đựng những bài học cho Mỹ và bất kỳ quốc gia nào khác quan tâm tới tính toán chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh. Bằng cách tập trung vào Bhutan, Trung Quốc có thể đang cố gắng gây chia rẽ giữa Ấn Độ và đồng minh dễ tổn thương nhất của nước này. Bắc Kinh có thể muốn biết liệu Ấn Độ có đi tới chiến tranh trước một đối thủ mạnh hơn nhiều để bảo vệ đất đai của nước khác hay không.

Đây là cách mà Trung Quốc thăm dò ý chí của Ấn Độ trong hợp tác với hàng loạt quốc gia trong khu vực như Maldives, Nepal và Sri Lanka cũng như một số quốc gia Đông Nam Á hiện nay.

Một thất bại trong việc bảo vệ Bhutan sẽ có những hệ quả nghiêm trọng đối với uy tín của Ấn Độ với vai trò một đối tác.

Ngoài ra, việc Trung Quốc nhanh chóng di chuyển thiết bị xây dựng đường vào khu vực tranh chấp cho thấy Bắc Kinh có thể đang sao chép cách tiếp cận của nước này trên Biển Đông. Trung Quốc cũng có thể áp dụng "bài học" Doklam với cách tiếp cận theo kiểu “xây dựng và sở hữu” để mở lại các tranh chấp biên giới im lìm từ lâu với các nước láng giềng khác.

Trung Quốc thậm chí có thể dùng lực đòn bẩy là các khoản đầu tư của mình vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh để rút tỉa nhượng bộ chính trị - một chiến thuật đã được các nước đế quốc châu Âu sử dụng trong hàng trăm năm.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn