|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Kevin Lamarque. |
Trong không khí lộn xộn của một chính phủ bị Twitter tác động nhiều, không quan chức cấp cao nào của Mỹ công khai chất vấn liệu việc Tổng thống Donald Trump gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “Người tên lửa” và đe dọa có thể “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên có làm suy giảm chiến lược của chính ông hay không. Nhưng có quan ngại ngày càng lớn rằng những lời lẽ trên của ông Trump “có thể đã đóng những cánh cửa còn lại” của khả năng tìm ra một giải pháp ngoại giao nhanh chóng nhằm phá vỡ thế bế tắc, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, chuyên gia về Triều Tiên Joseph DeThomas nhận định.
Các nhà quan sát Triều Tiên kỳ cựu tin rằng, những đe dọa của ông Trump càng khiến ông Kim không muốn nhượng bộ trong cuộc đối mặt với Washington. Với việc đích thân xuất hiện trước ống kính để đáp trả ông Trump và đe dọa lại, ông Kim đã gắn uy tín cá nhân của mình và gia đình vào cuộc đối đầu lần này.
Những phát biểu của ông Trump chắc chắn đang gây băn khoăn ở Bình Nhưỡng, khi các nhà lãnh đạo ở đó nỗ lực lý giải tín hiệu từ những ồn ào vừa qua. Nhưng bất kỳ sự lạc quan nào của họ có thể đã bị xóa sạch bởi lời đe dọa phá hủy hoàn toàn Triều Tiên.
Những quan chức Mỹ từng lạc quan về triển vọng ngoại giao vài tuần trước giờ có vẻ đang lo ông Kim có thể sắp tung ra những hành động leo thang mới. Một khả năng là thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, với đường bay qua Thái Bình Dương, để thể hiện năng lực của Bình Nhưỡng. Một khả năng khác là Triều Tiên sẽ gắn đầu đạn nhiệt hạch vào những tên lửa như vậy để chúng nổ trên đại dương, cho dù điều này có thể khiến Mỹ trả đũa. Triều Tiên cũng có thể thử phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm để thể hiện năng lực đáp trả nếu Mỹ tấn công phủ đầu.
Mỹ nên nhượng bộ trước
Xung đột không phải điều không thể tránh khỏi, ngay cả khi Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói rằng tuyên bố của ông Trump nghĩa là “Mỹ đã tuyên chiến với chúng tôi”. Nhưng giới phân tích tin lời đe dọa mà ông Ri đưa ra rằng Triều Tiên có thể bắn máy bay Mỹ bay gần không phận Triều Tiên là nghiêm túc. Khi cả hai bên liên tục phô diễn sức mạnh quân sự sau những lời đe dọa sặc mùi súng ống, rủi ro xảy ra tai nạn và tính toán sai lầm càng lớn.
Theo những người theo dõi tình hình Triều Tiên, trong 70 năm qua, đặc điểm của Triều Tiên là dù nhỏ nhưng không lùi bước, được trang bị tận răng và sống sót bằng cách không nhân nhượng trước bất kỳ đe dọa nào từ bên ngoài. Thái độ của chính quyền Bình Nhưỡng là: “Chúng tôi không sợ chết, nhưng chúng tôi sẽ khiến các ông phải trả cái giá mà các ông không muốn”.
Chính quyền của ông Trump từng hy vọng dùng Trung Quốc làm đòn bẩy để gây sức ép. Nhưng Bình Nhưỡng dường như bất chấp cả đe dọa từ Bắc Kinh. Ngay cả khi Trung Quốc thống nhất để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên thì Bình Nhưỡng vẫn dửng dưng.
Một ví dụ của việc Bình Nhưỡng không chùn bước trước áp lực từ Trung Quốc là bài báo lên án Trung Quốc với những lời lẽ nặng nề do hãng thông tấn Triều Tiên đăng ngày 22/9. Bài viết khẳng định Triều Tiên tự hào tự mình chống lại: “Dù có lãnh thổ và dân số nhỏ, người dân Triều Tiên có một niềm tự hào là đứng lên chống lại siêu cường duy nhất của thế giới”.
Sẽ sai lầm nếu hy vọng rằng giới lãnh đạo cao nhất Triều Tiên sẽ lục đục khi xung đột leo thang. Các quan chức chính trị, tình báo và quân sự Hàn Quốc có vẻ tin rằng nếu chính quyền của ông Kim sụp đổ, họ cũng sẽ bị kéo theo. Số phận gia đình và những người thân tín của Tổng thống Iraq Saddam Hussein cho thấy bài học ảm đạm rằng những người trong cuộc không dễ tách khỏi chính quyền.
Lộ trình nào có thể cho phép Mỹ và Triều Tiên thoát khỏi miệng hố chiến tranh? Có thể nó sẽ bắt đầu bằng sự nhượng bộ từ Washington để có thể làm dịu nỗi lo của Triều Tiên. Một khả năng là Mỹ đề xuất thu hẹp quy mô cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vào năm 2018. Một lá bài bất định sẽ là cử chỉ kịch tính của ông Trump để “đến Triều Tiên” như cựu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower cam kết sẽ làm vào năm 1952, đỉnh điểm của chiến tranh Triều Tiên. Với một vị Tổng thống thích kịch tính, sẽ rất khó để dàn xếp một cuộc gặp ở khu phi quân sự, giới quan sát nhận định.
Bước đầu tiên để quay đầu với đối đầu sẽ rất nhỏ. Nhưng cho đến giờ, những tuyên bố của ông Trump đã đốt ngọn đuốc lớn. Một tuyên bố đầu tiên về việc giảm căng thẳng cần được tiếp nối bằng các biện pháp xây dựng lòng tin, rồi cuối cùng là các cuộc đối thoại về phi hạt nhân và giảm lực lượng của Mỹ ở khu vực.
Nhiều chuyên gia cho rằng, một bài học khiêm nhường mà ông Trump cần học là: đừng vội bước đến vách đá, bây giờ cần dừng lại để bắt đầu tháo gỡ.
Theo Tiền Phong