Nỗ lực lặng lẽ của Triều Tiên nhằm "bắt mạch" Mỹ

Thứ tư, 27/09/2017, 14:24
Triều Tiên được cho là vẫn âm thầm tiếp cận các chuyên gia, nhà ngoại giao Mỹ để giải mã những tín hiệu rối loạn từ chính quyền Trump.

Người dân ở Bình Nhưỡng hôm 22/9 tập trung trước một màn hình lớn để nghe thông báo từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AFP.

Các quan chức chính phủ Triều Tiên đã và đang âm thầm cố gắng dàn xếp những cuộc trao đổi với các nhà phân tích, chuyên gia có mối liên hệ với đảng Cộng hòa ở Washington trong một nỗ lực rõ ràng nhằm giải mã Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như những thông điệp mà ông truyền đi, theo Washington Post.

Hiện tượng trên diễn ra trước cả khi cuộc khẩu chiến hiện tại giữa Tổng thống Mỹ với lãnh đạo Triều Tiên bùng phát. Tuy nhiên, nó trở nên cấp bách hơn trước việc ông Trump và ông Kim liên tục có những lời lẽ miệt thị, đe dọa trực tiếp nhằm vào nhau. Điều này khiến các nhà phân tích không khỏi lo âu về khả năng dẫn tới những hiểu nhầm thảm họa.

"Mối lo lắng lớn nhất của họ là Tổng thống Trump. Họ không thể hiểu ông ấy", một nguồn tin giấu tên am hiểu cách Triều Tiên tiếp cận các chuyên gia về châu Á có liên quan đến đảng Cộng hòa cho hay.

Đến nay, chưa xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên hứng thú với việc thỏa hiệp về chương trình hạt nhân, tên lửa mà họ đang theo đuổi. Chính quyền Trump cũng thể hiện rõ ràng rằng hiện tại họ không muốn thảo luận.

Tại một cuộc họp đa phương ở Thụy Sĩ hồi đầu tháng, các đại diện Triều Tiên tỏ ra cương quyết khi yêu cầu họ phải được nhìn nhận như một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời nói "không" với phi hạt nhân hóa.

Tiếp cận lặng lẽ

Trong bối cảnh những cuộc trao đổi ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng gần như vắng bóng, nhằm hiểu rõ hơn mục đích của người Mỹ, đại diện Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc đã mời ông Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tới Bình Nhưỡng để gặp mặt. Ông Klingner hiện là chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên thuộc Quỹ Heritage.

Trump có nhiều mối quan hệ gần gũi với Heritage và viện nghiên cứu này cũng có ảnh hưởng lớn tới Tổng thống Mỹ trên hàng loạt vấn đề, từ chính sách hạn chế đi lại cho đến vấn đề chi tiêu quốc phòng.

"Họ mong muốn được tiếp cận với các học giả và cựu quan chức Mỹ", Klingner cho biết. Ông đã từ chối lời mời của phía Triều Tiên. "Những cuộc gặp như vậy khá hữu ích, nhưng nếu Triều Tiên muốn gửi một thông điệp rõ ràng, họ nên tiếp cận trực tiếp chính quyền Mỹ".

Các nhà trung gian Triều Tiên cũng tiếp cận ông Douglas H. Paal, chuyên gia về châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush. Ông Paal hiện đảm nhận cương vị phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế.

Họ muốn Paal thu xếp các cuộc trao đổi giữa những quan chức Triều Tiên và chuyên gia Mỹ có liên hệ với đảng Cộng Hòa tại một địa điểm trung gian, ví dụ như Thụy Sĩ. Lời đề nghị tiếp tục bị ông từ chối.

"Người Triều Tiên thực sự thiết tha gửi thông điệp", Paal nhận xét.

Bình Nhưỡng đã đưa ra khoảng 7 lời mời như trên với những bên từng tổ chức thành công các cuộc gặp mặt trước đây giữa quan chức Triều Tiên và Mỹ. Theo cây bút Anna Fifield từ Washington Post, đây là con số đáng ngạc nhiên đối với một quốc gia đang đe dọa tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ.

Trong hai năm qua, Bình Nhưỡng đã cử những quan chức từ Bộ Ngoại giao đến gặp các cựu chuyên gia, nhà ngoại giao Mỹ ở những địa điểm trung lập như Geneva, Thụy Sĩ, Singapore hay Kuala Lumpur, Malaysia.

Họ gọi đây là các cuộc thảo luận "Ngạch 1.5" bởi chúng được công nhận chính thức ở phía Triều Tiên nhưng không chính thức về phía Mỹ, dù chính quyền Mỹ đều được thông báo về những cuộc gặp này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

Từ khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng, các đại diện Triều Tiên chủ yếu quan tâm tới việc giải mã những chiến lược phi truyền thống của Tổng thống Mỹ, theo các nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề.

Trong giai đoạn đầu, người Triều Tiên phân vân trước những câu hỏi lớn như liệu Tổng thống Trump có nghiêm túc về việc đóng cửa các căn cứ quân sự Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản như lời ông nói từ chiến dịch tranh cử không? Hay liệu ông có thực sự muốn đưa vũ khí hạt nhân trở lại phía nam bán đảo Triều Tiên không?

Càng về sau, những câu hỏi Triều Tiên đưa ra càng cụ thể hơn, chẳng hạn: Vì sao các quan chức hàng đầu Mỹ, như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson, lại thường xuyên phát ngôn mâu thuẫn với Tổng thống.

"Người Triều Tiên đang tiếp cận thông qua nhiều kênh cũng như nhiều nguồn khác nhau", Evans Revere, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người từng tham gia các cuộc thảo luận với Triều Tiên, cho hay.

"Tôi đoán họ cảm thấy bối rối, không biết Mỹ đang muốn đi theo hướng nào. Thế nên, họ cố gắng mở ra các kênh để bắt mạch Washington", Revere nhận định. "Họ chưa bao giờ thấy Mỹ hành động như thế này".

Revere hồi đầu tháng tham dự một cuộc gặp đa phương với quan chức Triều Tiên tại làng Glion, Thụy Sĩ, cùng ông Ralph A.Cossa, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) và những cá nhân thường xuyên liên lạc với các đại diện từ Bình Nhưỡng.

Cuộc gặp là sự kiện thường niên do Trung tâm Geneva về Chính sách An ninh tổ chức. Tuy nhiên, năm nay, nó diễn ra đặc biệt khó khăn bởi những căng thẳng đang leo thang giữa Triều Tiên và Mỹ.

Các đại diện từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Mông Cổ, Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu (EU) cũng góp mặt. Thụy Sĩ đề nghị Mỹ cử một quan chức tới, song Washington từ chối.

Các đại diện Triều Tiên tham dự cuộc gặp cho thấy họ nắm tường tận về tất cả những bình luận mà Tổng thống Mỹ đăng trên mạng xã hội Twitter, đến nỗi họ có thể trích dẫn nguyên văn chúng.

Phái đoàn của Bình Nhưỡng do ông Choe Kang-il, phó giám đốc cơ quan phụ trách về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, dẫn đầu. Tháp tùng ông còn có ba quan chức khác, độ tuổi ngoài 20. Họ khiến những người dự họp không khỏi bất ngờ với khả năng phân tích, kiến thức về Mỹ cùng giọng Anh - Mỹ hoàn hảo.

"Họ vô cùng tự tin", ông Cossa nhận xét.

"Họ có thể bối rối về mục đích của chúng ta nhưng họ hoàn toàn hiểu rõ bản thân muốn gì", ông Revere nói thêm.

Những người tham gia từ chối tiết lộ nội dung cuộc thảo luận. Tuy nhiên, các nguồn tin khác cho biết phía Triều Tiên đã lập tức khước từ một đề xuất do Nga và Trung Quốc đưa ra, theo đó, Triều Tiên sẽ đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa, đổi lại Mỹ ngừng tiến hành các cuộc tập trận tại Hàn Quốc. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không đồng tình.

Phái đoàn các nước rời cuộc gặp kéo dài một ngày rưỡi mà không thu được bất kỳ bước tiến đáng chú ý nào.

"Tôi rất bi quan", ông Shin Beom-chul, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện Ngoại giao và An ninh Quốc gia ở Hàn Quốc, chia sẻ sau khi tham dự cuộc họp tại làng Glion. "Triều Tiên vẫn muốn giữ vũ khí hạt nhân và họ sẽ chỉ quay trở lại bàn thảo luận nếu Mỹ từ bỏ 'chính sách thù địch'. Họ muốn Mỹ ngừng mọi cuộc tập trận quân sự và gỡ bỏ hoàn toàn những biện pháp trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên".

Phó giáo sư Ken Jimbo đến từ Đại học Keio, Nhật Bản, cũng có mặt trong cuộc gặp. Ông cho rằng Triều Tiên có thể vẫn muốn thảo luận nhưng với những điều kiện mà không ai chấp nhận được.

"Triều Tiên muốn được công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân", ông Jimbo nói. "Nhưng khi nào họ mới sẵn sàng đối thoại? Đây là điều mà tôi luôn hỏi người Triều Tiên: Bao giờ mới đủ?".

Theo VNE

Các tin cũ hơn