Chủ tịch Bạc Liêu hiến kế để thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 27/09/2017, 08:51
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho rằng các tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp, An Giang cần giữ ổn định, đảm bảo an ninh lương thực còn cuối nguồn thì chuyển dần cây trồng khác hoặc nuôi tôm.

Bên lề Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu tại Cần Thơ ngày 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nói với Zing.vn rằng ông thấm thía rất nhiều về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo ông Trung, nước biển dâng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ĐBSCL, nhất là vùng cuối nguồn như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng..

Ông Vương Thành Trung. Ảnh: Việt Tường.

- Là một trong những tỉnh cuối nguồn và có diện tích lớn tiếp giáp với biển, ông thấy tình hình biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra như thế nào?

- Nước biển dâng tạo ra bất ngờ và làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Người dân ven biển Bạc Liêu những năm trước chỉ thấy triều cường dâng cao vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhưng năm vừa rồi triều cường có sự thay đổi, xuất hiện bất thường so với nhiều năm. Điều đó cho thấy nếu chúng ta không tính kỹ, tính xa và không có dự báo cụ thể thì bờ biển sẽ bị tác động rất lớn.

Dự báo những năm tới phù sa sẽ giảm 50-75%. Chúng tôi thấy rằng với lượng phù sa ít như thế thì chắc chắn triều cường, nước biển dâng sẽ tác động mạnh mẽ và sâu hơn.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đưa ra câu hỏi là khả năng người dân mình chống lại nước biển dâng và triều cường có được hay không. Chúng tôi nghĩ là không nên, Bạc Liêu đang thích ứng dần. Tất nhiên là chúng ta đều biết hàng trăm năm nay bà con quen làm lúa thì mình thay đổi cái gì để mà thích ứng?

Chúng tôi chuyển dần sang nuôi tôm, một vụ tôm một vụ lúa, hoặc hai vụ tôm một vụ lúa. Với cách làm này thì Bạc Liêu, Sóc Trăng và một phần của Cà Mau đã chuyển dần diện tích rất lớn đất lúa trước đây để thích ứng với biến đổi khí hậu theo mô hình một vụ lúa, một vụ tôm rất hiệu quả.

Sóng biển tàn phá bờ kè ở Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Ảnh: Nhật Tân.

- Ông tính toán gì cho vùng lúa ổn định trong chuỗi liên kết vùng để phát triển bền vững trong tình hình biến đổi khí hậu?

- Chúng ta cần xác định vùng lúa ổn định này trong tương lai xa có nên giữ hay không. Cá nhân tôi là cần so sánh giá trị của lúa so với các loại thủy sản khác, rồi nhu cầu của lúa gạo cho nhiệm vụ của an ninh quốc gia còn nữa hay không, nếu còn thì ở mức độ nào.

Tôi kiến nghị nên chuyển dần diện tích lúa ổn định này sang cây trồng thích hợp khác vì chúng ta không thể chống lại nước biển dâng. Việc chuyển đổi này phải đến liên kết vùng và nên chăng chúng ta chỉ giữ lúa ở Đồng Tháp, An Giang. Các tỉnh này đầu nguồn, có nước ngọt, phù sa nhiều thì các anh tính toán giữ khu vực này để ổn định lúa cho ĐBSCL và cả nước.

Vùng còn lại là Cà Mau, Sóc Trăng, một phần Bạc Liêu, Kiên Giang thì đất lúa chuyển dần sang cây trồng khác hoặc nuôi tôm để mà thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế liên kết vùng hiện nay chưa mạnh mẽ, chưa có vai trò của một nhạc trưởng nào đó để điều phối chung. Nếu như tình trạng này mà kéo dài thì việc liên kết vùng có thời gian rất dài mới làm được.

Nông dân huyện Trần Đề (Sóc Trăng) thu hoạch lúa. Ảnh: Việt Tường.

Sau hội nghị này tôi hy vọng Thủ tướng có chỉ đạo sát sao hơn, nếu từng tỉnh phát triển riêng lẻ như thế này sẽ phá nát không gian của vùng, đặc biệt là hành lang ranh giới của các tỉnh sẽ không an toàn.

Hiện nay các tỉnh có những vùng riêng và trong đó có những tiểu vùng nhỏ mà giữ nó thì rất tốn kém. Chúng ta nên giữ các vùng lớn sẽ ít tốn kém và hiệu quả cao.

- Vậy, Bạc Liêu quy hoạch thế nào để phát triển theo hướng như ông nói?

- Bạc Liêu xâm nhập mặn rất sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân vì toàn tỉnh gần như hoàn toàn ngập trong nước mặn. Trong quá trình chuyển dịch Bạc Liêu nhiều lần làm việc với các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là hai lần làm việc với Thủ tướng và đề xuất ba giải pháp cơ bản.

Mặn có lúc xâm nhập đến TP.Sóc Trăng khiến lúa ở Sóc Mồ Côi bị thiệt hại. Ảnh: Việt Tường.

Một là vùng mặn - lợ, chúng tôi chuyển hẳn việc sản xuất lúa ở đây sang vùng ngọt bởi vì nước mặn ngập sâu quá rồi . Vùng này Bạc Liêu sản xuất tôm thâm, được Thủ tướng cho chủ trương cho thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối với vùng này, Bạc Liêu được Trung ương giao sản xuất tôm công nghệ cao lớn nhất quốc gia với trên 100.000 ha.

Đối với vùng lợ - ngọt xen canh, chúng tôi chuyển đổi sang một vụ lúa một vụ tôm với trên 50.000 ha. Hiện nay lúa - tôm hiệu quả rất cao, vì sản xuất tôm bù lại lượng phù sa cho sản xuất lúa và trồng lúa tạo môi trường nuôi tôm tốt hơn.

Riêng vùng lúa ổn định thì chúng tôi có hệ thống đê bao khép kín, có bao tiêu sản phẩm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn