|
Khách mua hàng tại chợ An Đông 1 |
3 khiếu nại của tiểu thương
Khiếu nại của tiểu thương tập trung vào 3 vấn đề chính: Thứ nhất, đòi quyền sở hữu sạp (chứ không phải hợp đồng thuê điểm kinh doanh - gọi tắt là thuê sạp). Thứ hai, đề nghị rút số tiền 217 tỷ đồng tiểu thương thanh toán hợp đồng thuê sạp (đang nằm trong Kho bạc Nhà nước) đem gửi ngân hàng, có đại diện tiểu thương tham gia giám sát. Thứ ba, khiếu nại việc chậm sửa chữa chợ theo cam kết của lãnh đạo UBND quận trong những lần họp trước.
Các tiểu thương cho rằng, họ đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng Việt Hoa (do UBND quận 5 hợp tác) để xây dựng chợ từ năm 1991. “Lúc đó chúng tôi nộp 22 triệu đồng/sạp, tương đương 50 chỉ vàng, có thể mua được một căn nhà mặt tiền ngay thời điểm đó”, bà Phượng (quầy Phượng Hoàng) nói. Tiểu thương cho rằng, do đã nộp tiền hợp tác xây dựng chợ thì được cấp quyền sở hữu sạp. “Chúng tôi cần một hợp đồng ổn định, giống như chủ quyền nhà vậy, để yên tâm kinh doanh lâu dài. Vì khi muốn vay tiền ngân hàng để có vốn kinh doanh, chúng tôi thế chấp hợp đồng thì bị ngân hàng từ chối. Ít nhất phải là hợp đồng sử dụng quầy sạp thì ngân hàng mới chấp nhận”, bà Phượng nói thêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số tiền xây dựng chợ vào năm 1991 đúng là tiền đóng góp từ tiểu thương. Nhưng hợp đồng giữa Công ty Việt Hoa với tiểu thương là hợp đồng “Cho sang nhượng quầy, sạp chợ An Đông” với nội dung “thời hạn cho sang nhượng quầy, sạp là 20 năm. Khi mãn hạn hợp đồng, người thuê sạp được quyền ưu tiên thuê tiếp. Nhưng phải ký hợp đồng mới”. Ngoài ra, hợp đồng còn có một số điều khoản như tiểu thương được sang nhượng sạp cho người khác, người sang sạp được miễn tiền hoa chi…
Khi hết thời hạn 20 năm ghi trong hợp đồng ký với Công ty Việt Hoa, năm 2011, tiểu thương ký lại hợp đồng mới “Thuê điểm kinh doanh” 10 năm với Ban quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (do Công ty Việt Hoa đã bàn giao cho quận quản lý). Hợp đồng này được ký kết theo quy định tại Nghị định 02/2003 và Nghị định 114/2009 về phát triển và quản lý chợ; ngoài khoản tiền thuê sạp thì còn nộp thêm tiền phí. Tiểu thương cũng đã nộp tiền thuê sạp cho giai đoạn 5 năm đầu (2011-2016) của hợp đồng.
Có thể kiện Ban quản lý chợ
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tiến độ sửa chữa chợ chậm trễ có nhiều nguyên nhân. Ví dụ, việc cam kết gắn đồng hồ điện cho từng sạp là không thể thực hiện trong một vài tháng, vì với số lượng lớn thì cần phải có thiết kế và công khai thầu (do giá trị trên 1 tỷ đồng), nhưng quận 5 đã dự tính sai nên dẫn đến chậm trễ.
Còn đối với các hạng mục sửa chữa chống thấm và ẩm mốc, việc chậm thực hiện chủ yếu là do Công ty Việt Hoa không hợp tác (công ty này vẫn quản lý lầu 3, lầu 4 của chợ), nhưng quận lại không có biện pháp xử lý để bảo vệ quyền lợi của đông đảo bà con tiểu thương. Do vậy, việc chậm trễ sửa chữa chợ, quận phải chịu trách nhiệm. Tại buổi họp báo, lãnh đạo quận 5 đã đứng ra xin lỗi bà con tiểu thương về việc này.
Về số tiền tiểu thương đã nộp giai đoạn 1 của hợp đồng, tính theo đơn giá khoảng 240 tỷ đồng, nhưng theo số liệu kiểm tra của TP thì thực thu chỉ 217 tỷ đồng (vì một số hộ nộp sớm được khuyến mãi và một số quầy ở góc khuất được giảm giá). Theo kiến nghị của bà Trần Thị Kim Hường, đại diện tiểu thương chợ An Đông 1, phải gửi số tiền 217 tỷ đồng vào ngân hàng thương mại để bà con giám sát cùng với đại diện Ban quản lý chợ An Đông 1.
Tuy nhiên, luật sư Trần Quốc Minh cho rằng, số tiền này đã nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách. Luật sư lý giải, hợp đồng thuê sạp được tiểu thương ký với Ban quản lý chợ An Đông 1 - trực thuộc UBND quận, thì tiền thu vào phải nộp ngân sách, không cá nhân nào được quyền giữ. Do vậy, yêu cầu rút tiền từ Kho bạc Nhà nước để gửi ngân hàng, có sự tham gia giám sát của đại diện tiểu thương là không thể được. Thử đặt vấn đề, nếu 2 cá nhân đại diện này bắt tay với nhau biển thủ số tiền hàng trăm tỷ đồng thì ai chịu trách nhiệm?
Về quyền sở hữu sạp, dù tiền xây dựng chợ ban đầu có nguồn gốc thu từ tiểu thương, nhưng chợ xây trên đất của Nhà nước và theo tìm hiểu của chúng tôi, các quy định hiện hành không có quy định nào cho phép cấp chủ quyền cho sạp có diện tích vài mét vuông.
Chúng tôi cũng khảo sát tại một số chợ có nguồn gốc xây dựng bằng nguồn tiền thu từ tiểu thương như chợ Bến Thành, Bình Tây…, thì hiện nay tiểu thương các nơi này cũng chỉ ký kết hợp đồng “Sử dụng sạp”, “Sử dụng điểm kinh doanh”, “Thuê điểm kinh doanh”, chứ không có chợ nào ký hợp đồng “Sở hữu quầy sạp”!
Tuy nhiên, luật sư Trần Quốc Minh cho rằng, nếu tiểu thương không đồng ý vẫn có quyền kiện ra tòa, nhưng cần lưu ý, đối với hợp đồng 20 năm (1991-2011) trước đây, nay đã hết thời hạn và thời hiệu. Còn việc tiểu thương cho rằng cơ sở vật chất chợ xuống cấp, nóng nực, ngột ngạt, phòng cháy chữa cháy chưa tốt… làm ảnh hưởng đến mãi lực kinh doanh của mình, thì tiểu thương có quyền kiện việc thực hiện sửa chữa chậm tiến độ của Ban quản lý chợ An Đông 1 để đòi bồi thường.
Cần nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy
Mang tên là trung tâm thương mại nhưng An Đông 1 rất xuống cấp, đề nghị quận nhanh chóng sửa chữa, đặc biệt là nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy để bảo vệ người kinh doanh và khách hàng khi có hỏa hoạn. Nhớ lại vụ cháy ở Trung tâm thương mại ITC quận 1 năm xưa, khách hàng đến An Đông 1 mua hàng cảm thấy rất lo lắng.
Khách hàng PHAN THANH TUẤN,
ngụ đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, TPHCM
Chỉ tăng thuế ở An Đông 2 là không công bằng
Chúng tôi kinh doanh ở An Đông 2 do công ty tư nhân quản lý thì năm nào Chi cục Thuế quận 5 cũng tăng thuế 10% - 30%. Vậy tại sao những năm gần đây cơ quan thuế không tăng thuế ở An Đông 1, trong khi tình hình kinh doanh nơi nào cũng gặp khó khăn như nhau. Chỉ tăng thuế chúng tôi mà không tăng thuế chợ An Đông 1 là không công bằng cho chúng tôi. Đề nghị quận phải công bằng trong đối xử với tiểu thương.
Một tiểu thương ở An Đông 2 (xin giấu tên)
|
Theo SGGP