Thủy điện và thiên tai còn nguy hiểm hơn nước biển dâng

Thứ ba, 26/09/2017, 11:21
Nước biển dâng vẫn không nguy hiểm bằng thiên tai vì ĐBSCL chưa chuẩn bị cho việc đối phó với thiên tai như bão lớn, hơn nữa các thủy điện trên dòng chính và thượng nguồn sẽ làm biến đổi dòng chảy, là gia tăng thêm thời tiết cực đoan.

Sáng 26-9, GS.TS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu, khẳng định như vậy khi trình bày báo cáo đề dẫn đánh giá tổng quan về các thách thức với ĐBSCL.

Theo giáo sư Trần Thục, khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm với diện tích nhiễm mặn lên tới 1,7 triệu ha, ĐBSCL còn thường xuyên bị lũ lụt, diện tích bị ngập lũ lên tới khoảng 1/2 diện tích toàn đồng bằng, mức ngập từ 1÷4 m và thời gian ngập kéo dài từ 1-6 tháng.

Thiên tai còn nguy hiểm hơn nước biển dâng

"Với ĐBSCL hiện nay, tài nguyên nước có vai trò quyết định cho phát triển bền vững. Còn thiên tai với ĐBSCL sẽ nguy hiểm hơn là nước biển dâng.

Chúng tôi nói chuyện với người dân thì họ nói nước biển dâng mỗi năm lên 1-2cm không làm họ không sợ lắm, vì đó là vấn đề lâu dài, nhưng họ sợ thiên tai lớn, đó là thứ mà chúng ta chưa có chuẩn bị cho đối phó với những cơn bão lớn đổ bộ vào ĐBSCL", ông Thục cho hay.

Lưu ý những thách thức lớn của ĐBSCL, giáo sư Trần Thục chỉ rõ, đó là thách thức từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở phía thượng nguồn, phát triển kinh tế - xã hội nội tại của ĐBSCL và do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo ông Thục, việc thay đổi chế độ dòng chảy đến đồng bằng, đặc biệt là suy giảm dòng chảy mùa cạn sẽ làm suy giảm lượng phù sa đến đồng bằng và làm gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai, nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

"Đó là vấn đề sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức và do thiếu phù sa bù đắp. Đó là vấn đề gia tăng xâm nhập mặn là những tác động lớn đối với ĐBSCL, trong đó, sụt lún đồng bằng do thiếu phù sa bù đắp là nguy cơ lâu dài và nghiêm trọng nhất đối với khu vực này", ông Thục chỉ rõ.

Theo ông Thục, đã có nhiều quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng, quy hoạch phát triển ngành và địa phương cũng như nhiều nỗ lực, chương trình, dự án về phát triển và bảo vệ ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo ông Thục, những nỗ lực này còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết và còn mang tính ngắn hạn.

Vì thế, rất cần thiết phải có một định hướng tổng thể cho sự chuyển đổi trong phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ĐBSCL trước các thách thức và các các tác động.

Chuyển đổi phải là kế hoạch dài hạn và ở quy mô lớn về không gian cũng như đối tượng cần chuyển đổi.

Dù biết nước bị nhiễm mặn nhưng anh Trần Hoàng Quân, ấp Kinh 4, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) vẫn bơm vào 2,5ha ruộng của gia đình với hy vọng cứu lúa đang chết dần do khô hạn

Thủy điện làm một số loài sinh vật tuyệt chủng

Theo giáo sư Trần Thục, các dự án trên dòng chính ở hạ lưu sông Mekong (144 hồ thủy điện) sẽ gây biến động nhanh và đáng kể mực nước phía hạ lưu, gây ra sự suy giảm rất lớn về bùn cát và gây gián đoạn các mùa sinh thái - thủy văn.

Các dự án dòng chính có thể sẽ dẫn đến những tổn thất vĩnh viễn về đa dạng sinh học dưới nước và trên cạn. Khoảng 17% diện tích đất ngập nước của dòng sông Mekong sẽ bị mất và một số loài sinh vật quan trọng có thể sẽ bị tuyệt chủng.

Các cộng đồng dân cư sống trong phạm vi 15 km từ sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng do suy giảm nghề đánh bắt và tổn thất về nông nghiệp.

Biến đổi khí hậu sẽ cường hóa những tác động đến an ninh lương thực do các đập dòng chính gây ra, làm suy giảm năng suất thủy sản và nông nghiệp trong bối cảnh gia tăng nhu cầu lương thực.

"Thủy điện dòng chính hạ lưu Mekong ảnh hưởng bất lợi đến hàng triệu người sống ven sông. Sinh kế của khoảng 2,1 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp", ông Thục chỉ rõ.

Theo giáo sư Trần Thục, kết quả phân tích cho thấy, bậc thang các đập thủy điện của Trung Quốc và trên dòng chính ở hạ lưu gây tác động nghiêm trọng đến chế độ phù sa bùn cát phía hạ du, kể cả ĐBSCL sụt giảm tới 42% tổng lượng hàng năm tại Tân Châu - Châu Đốc.

"Trong vài năm gần đây, do sụt giảm phù sa và do khai thác cát đã làm gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông trên dòng chính sông Mekong và bờ biển vùng bán đảo Cà Mau.

Trong tương lai, tác động của việc sụt giảm phù sa sẽ nghiêm trọng hơn, khi tất cả các công trình thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh sông Mekong đi vào vận hành. Ước tính tổng lượng phù sa sụt giảm là vào khoảng 75%", ông Thục phân tích.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích