Đột nhập khách sạn 'ổ chuột' giá bèo ở Sài Gòn

Thứ tư, 27/09/2017, 13:53
Ẩn khuất đâu đó trong lòng thành phố là những căn phòng chật hẹp, tồi tàn được cho thuê với giá rẻ bèo. Đó là nơi dung thân cho những khách thập phương đang miệt mài mưu sinh trên đất Sài Gòn.

Trong một “khách sạn” cho người nghèo ở khu vực Chợ Lớn

Nói “khách sạn” cho oai chứ thật ra đó chỉ là những căn phòng vài mét vuông, người ngủ cục cựa một chút cũng đã khó.

Lang thang khu vực Bến xe Chợ Lớn (Q.5) như một người không nhà cửa, tôi được những người lượm ve chai hỏi han, hướng dẫn nhiệt tình: “Tới đường Ngô Nhân Tịnh, rẽ vào con hẻm đầu tiên bên tay phải, hỏi thăm phòng trọ cô Ba - đó là nơi ngủ nghỉ dành cho người nghèo tụi mình, chỉ tính tiền ở theo từng ngày”.

Một ngày trong “ổ chuột”

Chiều 9.9, tôi lò dò đến dãy trọ của cô Ba (65 tuổi) nằm trong một chung cư cũ ở hẻm 144 Chu Văn An (nối đường Ngô Nhân Tịnh với đường Chu Văn An, P.2, Q.6). Tiếp khách, cô Ba lấy CMND rồi đề nghị: “Có gì quý giá đưa hết đây cô giữ. Lên đó ngủ lơ tơ mơ là mất liền. Ở chung nên không biết lòng dạ người tốt, kẻ xấu được, khách lạ vào không biết nên bị mất tài sản hoài!”.

Tôi bước vào trong. Nền nhà ẩm thấp, đất bụi bám rít rịt lòng bàn chân. Phòng trọ tối om, ở theo kiểu tập thể với giá thuê 25.000 đồng/ngày và nằm hun hút cuối dãy, cạnh nhà vệ sinh. Cầu thang dẫn lên phòng làm bằng gỗ bị hư mục, nhiều bậc phải được quấn dây vải, chắp vá nhiều chỗ để đảm bảo khách không bị... té ngửa khi leo.

Lên phòng, hình ảnh đập vào mắt tôi là cảnh ba người đàn ông đang say giấc. Ánh sáng mặt trời hiếm hoi từ mấy lỗ cửa sổ rọi thẳng vào căn phòng có diện tích khoảng 6m2, gối và mền bốc mùi hôi nồng nặc.

Một góc “khách sạn” dành cho những người nghèo

Thấy tôi là “khách mới”, ông Tú (45 tuổi, quê Tiền Giang) căn dặn: “Ở đây phải cẩn thận, vì đủ loại thành phần tạp nham ngoài xã hội. Đặc biệt, phòng trọ này tập trung rất nhiều người... đồng tính “đi khách đêm” ở khu Chợ Lớn. Ngủ đây phải chấp nhận rủi ro. Tối bị tụi nó sờ soạng, ôm ấp... thì phải phản ứng mạnh để nó né mình ra”.

Nói xong, ông Tú ứa nước mắt nhìn ra cửa sổ, giọng rầu rầu: “Không nhà không cửa, nghèo khó mạt hạng mới thuê trọ, sống trong hoàn cảnh này”.

"Ở đây ai nấy hùn tiền 10.000 đồng/ngày mua thức ăn thôi, chứ gạo thì... không khi nào thiếu. Dân Sài Gòn tốt bụng, đi phát quà thấy người bán vé số là ghé lại tặng cho một suất. Thành ra, gạo, mì tôm có ăn hoài".

Bà Lê Thị Quăn, 60 tuổi, quê Phú Yên

Chiều, người thuê trọ đi làm trở về. Ai nấy đều phải nằm khép nép, nghiêng nửa người mới đủ diện tích. Lúc tôi đi vệ sinh lên thì... mất chỗ ngủ vì có người nằm sải lai chiếm mất. Chẳng còn cách nào khác, tôi phải “ngủ ngồi” tựa lưng vào vách tường.

Thấy cảnh đó, ông Tùng (50 tuổi, quê Tiền Giang) hỏi han rồi bảo: “Tao làm bốc xếp ở gần cầu Tân Hóa (Q.Tân Phú). Một ngày được trả 180.000 đồng, làm 8 tiếng. Nếu ưng thì mai mốt tao giới thiệu qua làm chung. Đi xe buýt bận đi bận về, tiền thuê trọ nữa nên phải tằn tiện mới có dư đó nghen!”.

Quá ngột ngạt, tôi tìm ra phía trước dãy phòng để “gia nhập” nhóm khách thuê trọ khác đang ngồi nhậu bên mấy lít rượu chuối hột.

Ngà ngà say, anh Thanh (34 tuổi, quê H.Vĩnh Hưng, Long An) nói mình đang thất nghiệp, buồn nên đi “cướp cô hồn” kiếm mồi về nhậu, xong hỏi cả nhóm: “Gần đây có chỗ nào sửa đồ không ta? Cái áo tui nó bị rách ngay nách, cái quần thì bị rớt hột nút”.

Nghe đến đây, ông Phúc (47 tuổi, quê H.Cần Đước, Long An) chen ngang “hư thì đi mua đồ mới mặc đi cha nội”. Thanh cười cười, vẻ hơi ái ngại trả lời: “Đi sửa mặc chứ không có tiền mua quần áo mới. Bữa hôm có cái dây nịt cũng bị hư luôn, làm mấy nay cứ mặc quần tà lỏn không hà, chẳng dám mặc quần dài vì... sợ tuột. Tháng gì mà xui dữ dằn”.

Trong chầu nhậu, tôi kể mình là người từ tỉnh lẻ vào Sài Gòn đang kiếm việc suốt mấy ngày nhưng chưa được, sắp cạn túi nên mới tìm tới “khách sạn” giá rẻ ở tạm. Nghe thế, ông Phúc tỏ ra đồng cảm: “Cái xóm nhà trọ này ai mà... không nghèo. Chỉ có đôi bàn tay trắng chứ hông gì lận lưng cả. Mà có nghèo mới mò đầu vào đây ở”.

Chốc chốc, lại có khách thuê trọ thức dậy đi làm. Người đi bán ổ khóa, người đi bốc xếp, người đi bán bưng phục vụ... đủ kiểu, đủ nghề. Có khi nhà vệ sinh dùng chung phải “đóng băng” vì ai đó lỡ bị “tào tháo dí”, ngồi trong toilet cả mấy chục phút mới giải quyết xong.

Một người nằm với bề rộng hai viên gạch nền nhà
Mỗi người... hai viên gạch
Lẩn khuất sâu trong con hẻm 382 Phạm Thế Hiển (P.3, Q.8) có căn nhà trọ rộng chừng vài chục mét vuông là nơi dung thân của hàng chục người bán vé số hằng đêm. Quy luật bất thành văn ở đây: “Mỗi người chỉ được nằm trong khuôn khổ... hai viên gạch (bề ngang) dưới nền nhà”. Đông đúc nhất có lúc lên tới 30 người cùng ăn ngủ, sinh hoạt. Nét mặt mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng vì đêm hôm bán vé số, ông Đào Bến (62 tuổi, quê Phú Yên) chia sẻ: “Ở đây tiền trọ khoảng 400.000 đồng/tháng. Ở đông, lại đi bán vé số cùng lúc nên nhiều khi đi vệ sinh mất mấy chục phút mới tới lượt. Được cái ở đây ai cũng... nghèo nên không bị mất đồ, với có thứ gì giá trị đâu mà lấy của nhau”.
Đang nằm bên cạnh, bà Lê Thị Quăn (60 tuổi, quê Phú Yên) cười bảo: “Tụi tui già cả, không lao động được nên đi bán vé số. Một tháng trừ hết chi phí, tui dư được tầm 500.000 đồng gửi về quê cho đứa cháu ngoại ăn học”. Vừa dứt lời, bà Quăn khoe: “Ở đây ai nấy hùn tiền 10.000 đồng/ngày mua thức ăn thôi, chứ gạo thì... không khi nào thiếu. Dân Sài Gòn tốt bụng, đi phát quà thấy người bán vé số là ghé lại tặng cho một suất. Thành ra, gạo, mì tôm có ăn hoài...”.
Ở khu vực đường Cô Giang, Cô Bắc (P.Cầu Ông Lãnh, Q.1) cũng có “khách sạn” giá vài chục ngàn đồng/ngày đêm. Bà Hiếu (55 tuổi, quê Bình Định) trọ trong một “khách sạn” bình dân ở con hẻm 17 đường Cô Giang, tằn tiện từ chỗ ở, đồ ăn dành dụm tiền bạc nuôi đứa con út đang học đại học. “Giữa trung tâm nên cái gì cũng đắt đỏ, thuê nhà kiểu vậy cho đỡ tốn tiền”, bà nói.
0 giờ một ngày giữa tháng 9, sau khi chạy xe ôm trở về, ông Cường (54 tuổi, quê Đồng Tháp) vẫn miệt mài phụ vợ mình là bà Kiều (50 tuổi, quê Bình Định) lột trứng cút bán trên đường Nguyễn Trãi (Q.1).“Tui cũng ở nhà trọ tập thể trên đường Cô Bắc. Mấy chục người xài chung nhà vệ sinh nên bất tiện đủ điều. Bà chủ quy định một ngày tắm... một lần. Tắm nhiều hơn là bả chửi nghe nhức cả đầu”, bà Kiều kể về sự bất tiện khi ở “khách sạn” tập thể.
Gánh hàng rong cùng những cuốc honda ôm giúp vợ chồng ông Cường nuôi đứa con trai 14 tuổi đang học ở quê khỏe re. Ngặt nỗi, đôi chân lúc nào cũng thoăn thoắt, mắt thiệt tinh... để chạy khi cơ quan chức năng đi tuần tra trật tự lòng lề đường. Vừa nhớ chuyện, bà Kiều vừa nhoẻn miệng cười bảo: “Sài Gòn mà, đây là nơi kiếm tiền nên chấp nhận hết! Miễn sao có tiền cho tương lai thằng con tươi sáng hơn là vợ chồng già tụi tui có động lực, tiếp tục cuộc mưu sinh trên mảnh đất này”...
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn