Nâng cấp 19km đường lập 2 trạm thu phí: Đại biểu Quốc hội đề nghị dừng 1 trạm

Thứ năm, 12/10/2017, 08:40
Việc đặt trạm thu phí BOT Ea Đar trên QL 26 (đoạn qua địa bàn huyện Ea Kar) không được các cử tri tỉnh Đắk Lắk nhất trí vì dự án chỉ đầu tư mở rộng được 7,4km đường dựa trên nền đường cũ sẵn có, việc đặt trạm thu sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn nên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có văn bản đề nghị đến Bộ GTVT dừng trạm thu phí này.

Ngày 11/10, trao đổi với PV, ông Y Biêr Niê - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk - cho biết - Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Đắk Lắk liên quan thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BOT trên QL 26 địa bàn huyện Ea Kar.

Trạm thu phí BOT Ea Đar trên QL 26 đoạn qua huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk

Trước đó, vào ngày 23/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã gửi văn bản kiến nghị của cử tri về dự án đầu tư BOT Ea Đar trên QL 26. Qua đó, Đoàn đại biểu đề nghị Bộ cho dừng thu phí tại trạm BOT Ea Đar vì nhà đầu tư chỉ nâng cấp, mở rộng 7,4km đường dựa trên nền đường cũ sẵn có nhưng đã đặt trạm thu phí và dự kiến thời gian thu phí là 18 năm 10 tháng sẽ ảnh hưởng đến đời sống còn khó khăn của người dân Đắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, Đoàn cũng đề nghị Chính phủ thanh toán cho nhà đầu tư, mua lại trạm thu phí này để giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Trong văn bản trả lời, Bộ GTVT cho rằng về chủ trương dự án đầu tư, nâng cấp QL 26 đã triển khai từ năm 2008 nhưng không thể thực hiện vì ngân sách địa phương và trung ương còn nhiều khó khăn. Việc mở rộng dự án theo đánh giá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Dự án cũng nhận được sự thống nhất triển khai theo hình thức BOT của các địa phương.

Theo Bộ GTVT tổng chiều dài toàn dự án khoảng 40km, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng tuyến tránh thị xã Ninh Hòa (Km0+00 – Km2+897), nâng cấp, mở rộng tuyến QL 26 đoạn qua Khánh Hòa từ Km3+411 đến Km11+504 và đoạn qua tỉnh Đắk Lắk từ Km91+383 đến Km98+800; xây dựng mới cầu vượt đường sắt và sửa chữa tăng cường 2 cầu cũ Bến Giành và Đại Cát trên tuyến. Giai đoạn 2 căn cứ nguồn vốn còn lại để tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh một số hạng mục phù hợp theo quy hoạch và nhu cầu của địa phương. Phương án đầu tư đề xuất bố trí 2 trạm thu phí tại Km8+800 tỉnh Khánh Hòa và Km93+770 tỉnh Đắk Lắk để hoàn vốn cho dự án.

Bộ GTVT cũng kết luận “Việc đặt trạm thu giá sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án được thực hiện theo quy định pháp luật. Việc đặt trạm này để hoàn vốn cho các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.

Về đề nghị dừng thu phí BOT trên QL 26 và đề nghị Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư để mua lại trạm của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT cho biết “Chính phủ chưa có chủ trương sử dụng ngân sách để mua lại các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Đồng thời, danh mục đầu tư ngành GTVT trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã trình Quốc hội cũng không bố trí nguồn vốn cho nội dung mua lại các trạm thu đã đầu tư nên chưa thể thực hiện mua lại các trạm thu giá BOT như kiến nghị”.

Liên quan vụ việc, ông Y Biêr Niê cho biết: “Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, việc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri băn khoăn không nhất trí ở việc mục đích của tỉnh Đắk Lắk là huy động vốn để cải tạo, nâng cấp QL 26 để thu hút đầu tư, đi lại thuận tiện nhưng dự án nâng cấp QL 26 chỉ làm một đoạn rất ngắn đã đặt trạm thu phí là chưa hợp lý và thời gian thu phí là 18 năm 10 tháng là rất dài”.

Cũng theo ông Y Biêr, đoạn đường từ Đắk Lắk về Khánh Hòa có tới 3 trạm thu phí nhưng nhà đầu tư chỉ nâng cấp, mở rộng quá ít còn đoạn giữa các trạm này thì mặt đường hư hỏng vẫn để như cũ mà đã vội vàng đặt trạm thu là không được.

“Tôi hoàn toàn đồng ý việc đầu tư theo hình thức BOT, nhưng nếu được nhà đầu tư bài bản thì rất ưu việt, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải họ có thể mất thêm một tí chi phí nhưng ngược lại họ được đi trên những con đường tốt, thời gian vận chuyển ngắn hơn, hư hỏng phương tiện ít hơn, bù trừ lại họ vẫn có lợi. Ở đây vấn đề là đầu tư sao cho hoàn chỉnh chứ không thể đầu tư một đoạn rồi đặt trạm là tôi không đồng tình”, ông Y Biêr nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Y Biêr cũng đề nghị phải tính toán lượng xe chạy trên quốc lộ của chủ đầu tư có đúng hay không để xem xét rút ngắn thời gian thu phí lại. Đồng thời, tại các cuộc họp Quốc hội tới ông sẽ kiến nghị về việc các trạm thu phí trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để có những điều chỉnh hợp lý, góp phần giúp Tây Nguyên thu hút được nguồn đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Như Dân Trí đã đưa tin, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501 (Cico 501, trụ sở tại Đà Nẵng) làm chủ đầu tư dự án cải tạo nâng cấp QL26 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk với chiều dài khoảng 8km và đoạn qua xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) nâng cấp, cải tạo 11km. Chủ đầu tư đã xây dựng 2 trạm thu phí Ea Đar (Đắk Lắk) và trạm Ninh Xuân (Khánh Hòa) khi mới nâng cấp, cải tạo khoảng 19km đường đã không được sự đồng tình của người dân.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn