Tại buổi họp báo thường kỳ quý III chiều 11/10, Bộ Tài chính nhận được nhiều câu hỏi của phóng viên về cách thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber và Grab tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết hiện Uber, Grab không đáp ứng điều kiện nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ. Đồng thời cũng không đáp ứng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế.Phương pháp thu hiện nay là áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
Về cách tính nghĩa vụ thuế của Uber, Grab, ông Trí cho biết có 2 loại. Thứ nhất phải đóng 3% thuế VAT trên doanh thu được hưởng. Ngoài ra còn 2% thuế TNDN trên tổng doanh thu được hưởng.
Cộng cả thuế VAT và TNDN, Uber và Grab đóng là 5% trên doanh thu được hưởng.
Cộng cả thuế VAT và TNDN, Uber và Grab phải đóng là 5% trên doanh thu được hưởng. Ảnh: Hiếu Công. |
Với tổ chức có hợp đồng đối tác với Uber và Grab sẽ phải đóng thuế VAT và TNDN đối với phần doanh thu được hưởng (không bao gồm phần doanh thu của Uber/Grab).
Với cá nhân là đối tác của Uber/Grab phải đóng 2 loại thuế là VAT và thuế thu nhập cá nhân.
Thuế VAT là 3% tổng doanh thu được hưởng. Thuế thu nhập cá nhân là 1,5% trên doanh thu được hưởng.
Tổng cộng cá nhân phải đóng 4,5% thuế với tổng doanh thu được hưởng.
Bộ Tài chính cho rằng theo quy định về thuế, doanh nghiệp nào xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì phải nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Đối với nhà thầu nước ngoài không đáp ứng điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai thì áp phương pháp theo tỷ lệ trên doanh thu.
Phương pháp này cũng áp dụng với cá nhân kinh doanh có thể xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh.
Khi được đề nghị cung cấp số liệu về doanh thu, lợi nhuận và số tiền nộp ngân sách của Uber, Grab, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết sẽ giao cho Tổng cục Thuế cung cấp.
Tuy nhiên vị này nhấn mạnh những số liệu liên quan tới bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, theo quy định của Luật Quản lý Thuế, ngành thuế phải tuân thủ để bảo đảm bí mật cho người nộp thuế. Do đó, với những thông tin có thể cung cấp thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ cung cấp cho báo chí.
Các khoản thuế Uber bị truy thu. Đồ họa: Hiếu Công. |
Trước đó, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Uber B.V, bao gồm truy thu và tiền phạt.
Quyết định này được đưa ra sau khi Cục thuế TP.HCM thanh tra công ty này. Thời kỳ thanh tra được xác định kể từ lúc Uber B.V bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam đến tháng 6/2017.
Trong số thuế bị truy thu, có hơn 26,3 tỷ đồng là thuế VAT khấu trừ nộp thay, hơn 14,6 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay và gần 10,5 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài.
Theo Zing