Thị trường Saffron sôi động
Theo tìm hiểu của PV trên thị trường hiện nay, nhuỵ hoa nghệ tây hay còn gọi là Saffron cũng có khá nhiều loại. Tuỳ vào từng loại mà giá và chất lượng cũng khác nhau.
Loại “All red” có giá trung bình 250.000 – 300.000 đồng/gr. Cao hơn 1 chút là loại Negin, dao động từ 350.000 – 420.000 đồng/gram và đắt nhất là Organic.
Saffron Organic sở dĩ đắt hơn các loại kia tới 30%, bởi theo 1 đầu mối buôn mặt hàng này tại Hà Nội: “Do quá trình trồng trọt rất cầu kỳ và yêu cầu khắt khe: đất trồng phải không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng phân bón hoá học; giống cây trồng không bị biến đổi gene; sản phẩm không bị chiếu xạ tiệt trùng; không có hương liệu, phẩm màu và chất bảo quản.”
"Vàng đỏ" hiện được coi là một loại gia vị đắt nhất thế giới (tính theo khối lượng) |
“Còn trên thị trường hàng xách tay (nhập lậu, không qua hải quan, không nộp thuế, không kiểm dịch trước khi thông quan) cũng luôn ở mức trên 400.000 đồng/gr (trung bình khoảng 400.000 – 430.000 đồng/gr)”, đầu mối này chia sẻ thêm.
Còn riêng hàng giả, giá chỉ tầm 120.000 – 200.000 đồng/gr, nhưng được làm rất tinh vi và khó có thể phát hiện nếu không hiểu rõ về Saffron.
Một công ty chuyên kinh doanh mặt hàng xa xỉ này tại Hà Nội cho biết: “Khách hàng mua để sử dụng thì thường không mua số lượng lớn, vì một người trưởng thành chỉ nên sử dụng khoảng 3gr Saffron/tháng (tương đương 36gr/ năm, 100gr có thể dùng được 3 năm).”
“Đa phần đơn hàng lớn là các doanh nghiệp mua làm quà biếu đối tác, đặc biệt là trong dịp Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán này. Còn với khách lẻ, tôi không nhớ được khách mua nhiều nhất là bao nhiêu gram, nhưng số lượng khách mua cả vài trăm gram một lúc là bình thường”, vị này nói.
Đâu là giả, đâu là thật?
Mặc dù mua Saffron tới vài trăm triệu đồng/kg, nhưng nhiều người vẫn không hề biết đâu là sản phẩm thật và đâu là sản phẩm giả mà chỉ mơ hồ mua hàng bằng niềm tin.
Để giúp người tiêu dùng có thể phân biệt được loại xa xỉ phẩm này, PV đã tìm đến gặp một công ty nhập khẩu chính hãng mặt hàng này từ Iran về.
Saffron có giá lên tới hàng trăm triệu đồng/kg |
Đại diện công ty cho biết: “Người tiêu dùng nên cảnh giác với các mặt hàng trôi nổi trên thị trường. Nên khi mua hàng phải có một vài kỹ năng để thử hàng. Có nhiều cách để phân biệt như dựa vào mùi hương, màu sắc hay hình dạng.”
“Nếu dựa vào mùi hương, mọi người nên thả 2-3 sợi saffron vào nước nóng, mùi hương cỏ khô thoang thoảng mật ong lan toả càng mạnh thì loại saffron đó càng tốt”, đại diện này cho biết.
Còn một cách phân biệt khác chính xác hơn theo đại diện công ty, đó là dựa vào màu sắc: “Saffron giả được nhuộm bằng phẩm màu, sẽ phai ngay sau khi cho vào nước, và màu phai ra thường là màu đỏ cam dù chỉ cho vài sợi.”
“Saffron thật khi cho vào nước có thể nhìn thấy quá trình loang màu dần dần, và cho ra màu vàng ươm như màu nắng (tuy nhiên khi cho quá nhiều thì màu cũng chuyển sang vàng cam, cần phân biệt điều này với Saffron giả, chỉ cần 1 vài sợi cũng đã ra màu cam đỏ)”, vị này nói.
Nếu không thể dựa vào những đặc điểm trên thì người mua có thể nhìn qua hình dáng. Saffon thật có phần nhuỵ to và bẹt, sẽ thuôn nhỏ dần theo chiều đi xuống dưới (phần gốc của nhuỵ nhỏ nhất, phần nhuỵ vươn lên đón ánh sáng mặt trời là to nhất.
Đặc biệt, loại saffon đắt và tốt nhất là loại có toàn bộ phần nhuỵ đỏ + phần chân vàng dài khoảng 1mm - 2mm.
Hàng xách tay trôi nổi
Cũng giống như Cà phê tại Việt Nam, tại Iran cũng như tại các nước khác, có vô vàn nhiều thương hiệu Saffron. Hàng có loại mua ở chợ, có loại mua trực tiếp tại nông trại, có những loại của các nhà máy hay công ty lớn. Và không phải hiệu nào cũng tốt, cũng cùng chất lượng như nhau.
Hoa nghệ tây được trồng, thu hoạch ở Iran và trồng ở biên giới Iran và Afganistan mới mang đậm vị Trung Đông |
Khi người tiêu dùng đi du lịch, hoặc nhờ người mua hộ tại nước ngoài, chưa chắc đã chọn được loại Saffron tốt. Thậm chí vì Saffron chưa phổ biến nên bản thân họ cũng không có đủ kiến thức để phân biệt được thật - giả, hoặc không biết loại nào tốt hơn loại nào (vì bản thân Saffron có quá nhiều loại).
Hàng xách tay khi về Việt Nam cũng không đi qua hải quan, không được kiểm tra, kiểm dịch. Đương nhiên, cũng sẽ không có chứng nhận nào về chất lượng, rất rủi ro.
Theo Dân Trí