|
VNPT mắc nhiều sai phạm |
Tiềm ẩn mất vốn
Đợt thanh tra diễn ra tại công ty mẹ và 5 đơn vị thuộc VNPT về việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp năm 2016. Kết quả thanh tra hoạt động đầu tư tài chính tại VNPT cho thấy 3/5 doanh nghiệp được thanh tra đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31.12.2016, có tổng vốn đầu tư khoảng 6.553 tỉ đồng, số vốn đầu tư tiềm ẩn rủi ro mất vốn khoảng 637 tỉ đồng. Tại công ty mẹ, số vốn đầu tư tài chính dài hạn 6.311 tỉ đồng, trong đó đầu tư vào 28 công ty con 5.077 tỉ đồng.
Trong năm 2016 có 27/28 công ty con hoạt động kinh doanh có lãi khoảng 1.809 tỉ đồng; công ty còn lại thua lỗ 2.239 tỉ đồng. Nhưng nếu xét qua các năm, có 10 công ty con của VNPT đang kinh doanh thua lỗ, số lỗ vào cuối năm 2016 khoảng 679 tỉ đồng. Số vốn đầu tư tiềm ẩn rủi ro mất vốn của 28 công ty con trực thuộc VNPT tính theo tỷ lệ góp vốn là 563 tỉ đồng.
Cũng trong năm 2016, VNPT đầu tư 540 tỉ đồng vào 30 công ty liên kết, có 27 công ty hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi khoảng 290 tỉ đồng; 3 công ty thua lỗ khoảng 7 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 khoảng 134 tỉ đồng; đầu tư của các công ty liên kết tiềm ẩn rủi ro mất vốn tính theo tỷ lệ góp vốn khoảng 29 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, VNPT cũng thực hiện nhiều hoạt động đầu tư khác vào 12 đơn vị khoảng 694 tỉ đồng. Trong số đó, chỉ 4 đơn vị kinh doanh có lãi khoảng 384 tỉ đồng. Là một trong những đơn vị kinh doanh có lãi trong năm 2016, nhưng số lỗ lũy kế của Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn lại lỗ lũy kế khoảng 102 tỉ đồng. Số vốn còn lại được VNPT đầu tư vào các tổ chức viễn thông nhiều nước như ATH, Acasia Malaysia, Intersputnik.
Dừng, chậm và giãn tiến độ nhiều dự án
Điển hình là dự án xây dựng Trung tâm Giao dịch và điều hành viễn thông quốc gia chậm hơn 7 năm, đến nay vẫn chưa khởi công; dự án trang bị hệ thống HLR tập trung mạng Vinaphone chậm tiến độ gần 2 năm; dự án Trung tâm nút mạng VTLT khu vực miền Trung và Tây Nguyên chậm 1 năm; dự án tuyến cáp quang Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng chậm hơn 1 năm…
Nhiều dự án đầu tư do VNPT thực hiện đến nay đã phải dừng hoặc giãn tiến độ, như dự án cáp quang biển Ba Hòn - Phú Quốc; dự án tòa nhà thứ 2 Trung tâm nút mạng viễn thông liên tỉnh khu vực phía Bắc tại Hà Nội; dự án trang thiết bị hệ thống quản lý tòa nhà thông minh tại Trung tâm nút mạng miền Trung và Tây nguyên. Các dự án này đến nay đã dừng triển khai vì thiếu hiệu quả kinh tế, không thật sự cần thiết. Tổn thất từ việc dừng các dự án này ước tính 4 tỉ đồng.
Quá trình thanh tra ngẫu nhiên 3 dự án do VNPT triển khai đã phát hiện một số vật tư thiết bị nhập khẩu có sự thay đổi về xuất xứ hàng hóa. Chẳng hạn, tại dự án trang thiết bị hệ thống vô tuyến 3G khu vực 7 tỉnh miền Bắc mạng Vinaphone năm 2015, Tổng công ty Hạ tầng mạng ký hợp đồng nhập khẩu thiết bị NODER của Nokia, nhưng tờ khai hàng hóa nhập khẩu lại cho thấy thiết bị này được nhập từ Trung Quốc, trong khi vẫn giữ nguyên giá thanh toán hợp đồng trúng thầu.
Sai phạm này cũng diễn ra tại dự án trang bị hệ thống truyền dẫn Đông Bắc năm 2015, hợp đồng trúng thầu ghi thiết bị nhập khẩu từ Hoa Kỳ, nhưng theo tờ khai hải quan thiết bị lắp đặt tại dự án được nhập khẩu từ Malaysia. Tại dự án phát triển mạng vô tuyến các tỉnh phía Nam giai đoạn 2014 - 2015, hợp đồng trúng thầu ghi thiết bị xuất xứ Canada, nhưng theo tờ khai hải quan nhà thầu cung cấp thiết bị nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc…
Kê khai sai, nộp thiếu thuế
Thanh tra Bộ Tài chính cũng phát hiện công ty mẹ VNPT kê khai và nộp thiếu thuế giá trị gia tăng 104,1 tỉ đồng do chưa xuất hóa đơn và thực hiện khai nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào. Bên cạnh đó, có 5 công ty được thanh tra kê khai và nộp thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 hơn 97 tỉ đồng. Trong đó, công ty mẹ nộp thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp 74,8 tỉ đồng, Vinaphone 18 tỉ đồng, Công ty cổ phần Viễn thông tin học bưu điện 275 triệu đồng và Tổng công ty Truyền thông 2,3 tỉ đồng.
Nhiều dự án do VNPT đầu tư trong những năm qua phải dừng thực hiện hoặc hủy nhưng tập đoàn khó thu hồi khoản vốn đã chi cho nhà thầu. Cụ thể, dự án Bệnh viện Bưu điện 3 tại Đà Nẵng, VNPT chi đầu tư 26,4 tỉ đồng; dự án Khu điều dưỡng Quảng Nam đã chi cho nhà thầu 12,3 tỉ đồng; dự án Trung tâm Giao dịch và điều hành viễn thông quốc gia chi 51 tỉ đồng…
Theo Thanh Niên