Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã bắt đầu?

Thứ hai, 22/01/2018, 14:57
Thế giới chưa chuẩn bị sẵn sàng cho "cuộc đại chiến giữa những người khổng lồ" Mỹ và Trung Quốc. Thực tế, nó đã bắt đầu và ngày càng quyết liệt tại WTO dưới trào Donald Trump - vị Tổng thống luôn đòi hỏi thương mại công bằng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 tháng 7-2017

"Rõ ràng là Mỹ đã sai lầm khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những điều khoản đã cho thấy sự thiếu hiệu quả trong việc bảo đảm Trung Quốc sẽ thực thi một nền kinh tế mở, định hướng thị trường".

Đó không phải là nhận định của một học giả theo chủ nghĩa xét lại, đó chính xác là những gì được viết trong báo cáo thường niên gửi quốc hội của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ ngày 20-1.

Trong khi các báo cáo trước đó của cơ quan này luôn nói Trung Quốc "chơi không đẹp" trong thương mại, báo cáo đầu tiên dưới trào ông Trump đã cho thấy thái độ cứng rắn chưa từng có với Bắc Kinh.

"Vật đổi sao dời"

"Không còn nghi ngờ gì nữa, các quy định của WTO đã không thể hạn chế các hành vi bóp méo thị trường của Trung Quốc".

Báo cáo gửi Quốc hội năm 2018 của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ

Mỹ là một trong những quốc gia ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO ngày 11-12-2001. Tám tháng trước đó, một vụ va chạm chết người giữa chiến đấu cơ Trung Quốc và máy bay do thám Mỹ đã xảy ra trên bầu trời đảo Hải Nam. Vụ việc nhanh chóng trở nên mờ nhạt sau khi Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân trở thành người đầu tiên gọi điện chia buồn với người đồng cấp Mỹ George W. Bush, cam kết sát cánh cùng Washington trong cuộc chiến chống khủng bố sau vụ tấn công 11-9-2001.

Ngày 27-12-2001, Tổng thống George W. Bush đã quyết định trao cho Trung Quốc quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (Tối huệ quốc), chấm dứt cuộc tranh luận trường kỳ tại Quốc hội Mỹ đồng thời dỡ bỏ rào cản lớn nhất trong việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên.

"Động thái này sẽ giúp thế giới đón nhận Trung Quốc một cách tích cực hơn trong khuôn WTO Đồng thời, tôi mong rằng, nhiều tỷ USD hàng hóa xuất từ Mỹ sẽ đến với thị trường đông dân nhất thế giới một cách dễ dàng hơn", ông Bush nói.

17 năm sau, năm 2018, Mỹ trở thành quốc gia kiện Trung Quốc lên WTO nhiều nhất, với 21 lần.

Trung Quốc đang tăng cường tiếp cận các cảng biển chiến lược thông qua sáng kiến Vành đai Con đường

Cho rằng Bắc Kinh đã can thiệp quá nhiều vào thị trường bằng các biện pháp trợ giá, Mỹ cùng với Liên minh châu Âu và Nhật Bản phản đối quyết định của WTO công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường hồi tháng 12 năm ngoái. Điều đó đồng nghĩa hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ vẫn sẽ bị so sánh với giá tại một nước thứ 3, vẫn sẽ bị đánh thuế chống bán phá giá.

Thực tế cho thấy nước Mỹ dưới trào ông Trump đã bắt đầu chán ngấy với WTO và có xu hướng dần thoát ly khỏi tổ chức này.

Ứng viên Trump đã từng gọi WTO là một tổ chức thảm họa, tuyên bố sẽ rút Mỹ nếu thắng cử. Đến nay, dù điều đó chưa xảy ra, đã có những dấu hiệu cho thấy ông Trump đang từng bước giữ lời hứa của mình. Các điều khoản của WTO đã bị xem xét lại theo hướng chúng có bất công hay gây tổn hại cho lợi ích của nước Mỹ hay không.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer hồi tháng 9-2017 tuyên bố chính quyền Trump sẽ "xử" Trung Quốc không cần theo luật chơi của WTO – tổ chức luôn ra rả thương mại công bằng.

"Công bằng kiểu gì khi một số nước áp thuế 10% lên xe hơi còn Mỹ thì giữ ở mức 2,5%?", ông Lighthizer khi đó nhấn mạnh và họ đã bắt đầu làm điều đó.

Tối hậu thư của WTO

Ngày 20-1, WTO đã đặt hạn chót để Mỹ điều chỉnh các biện pháp chống bán phá giá áp đặt với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc theo phán quyết của WTO đưa ra hồi năm ngoái.

Theo đó, chậm nhất đến ngày 22-8-2018, Mỹ phải điều chỉnh những sai phạm.

Bất đồng với Mỹ về cách thức đánh giá biên độ phá giá, tháng 12-2013, Trung Quốc đưa vụ việc ra WTO. Cụ thể, Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm các quy định của WTO khi sử dụng phương pháp Zeroing (mọi biên độ phá giá có giá trị nhỏ hơn 0 đều được quy về 0) để tính biên độ phá giá trung bình của các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường, nhờ đó có kết quả cao hơn và có thể áp thuế chống phá giá cao hơn thực tế.

Tháng 10-2016, phần lớn các các chuyên gia WTO đã đưa ra kết luận ủng hộ lập luận của Trung Quốc. Tới tháng 6-2017, dưới thời ông Trump, Mỹ tuyên bố sẽ thực hiện các điều chỉnh theo khuyến cáo của WTO trong một khoảng thời gian "thích hợp" mà không nêu rõ thời điểm cụ thể.

Sốt ruột, Trung Quốc đã yêu cầu WTO chỉ định một thời hạn cụ thể.

Ai sẽ thắng?

Tháng 8-2017, Trung Quốc trở lại ngôi vị là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, trên cả Nhật Bản

Trung Quốc đã cho thấy họ là một đối thủ khó nhằn với sức mạnh đang lên về kinh tế. Sự hối tiếc của Mỹ, như trong báo cáo ngày 20-1, xuất hiện trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang va chạm chan chát trong thương mại.

Chính quyền Mỹ đang chuẩn bị cho một quyết định sau cuộc điều tra liên quan đến Điều 301, Luật thương mại năm 1974 nhắm vào Trung Quốc. Khởi động vào tháng 8-2017, nếu chứng minh được Bắc Kinh đã đánh cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, chính quyền Trump sẽ có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt bằng thuế lên hàng hóa Trung Quốc cho đến khi nào quốc gia này thay đổi chính sách cố hữu.

Dù tổng thống Trump chưa tiết lộ "hình phạt" đối với Trung Quốc, người ta sẽ sớm biết trong một vài tuần tới, theo hãng tin Reuters ngày 20-1. Rõ ràng, Mỹ cho thấy họ làm đúng như những gì đã nói: xử Trung Quốc không cần tới WTO!

Người Trung Quốc, trong khi đó, vẫn cho thấy sự ôn hòa trước cuộc chiến. Bắc Kinh, dù nắm trong tay các dùi cui thương mại và đã từng không ngần ngại sử dụng nó với các nước khác, vẫn nhã nhặn kêu gọi Mỹ không nên từ bỏ WTO.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump hôm 16-1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các vấn đề thương mại có thể được giải quyết bằng cách "làm cho miếng bánh hợp tác trở nên to hơn" hay "Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc" khi ông Trump đến Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái.

Lần cuối cùng nước Mỹ khai mào một cuộc chiến thương mại là với chính đồng minh Nhật Bản vào những năm 1980. Tokyo đã phải đầu hàng, đồng ý tự nguyện giảm xuất khẩu và chuyển các nhà máy sản xuất ôtô tới Mỹ để tạo ra việc làm cho người Mỹ.

Tất nhiên, Trung Quốc không phải là Nhật Bản. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ kéo dài và không kết thúc đơn giản như vậy.

Điều ngạc nhiên là Nicholas Lardy, giáo sư Viện nghiên cứu Peterson, cho rằng Trung Quốc chứ không phải Mỹ mới là người thắng cuộc. Lý do được ông đưa ra là khả năng chịu đựng của Trung Quốc và làn sóng phản đối từ các doanh nghiệp Mỹ mà chính quyền Trump sẽ vấp phải. "Cái giá chính trị mà ông Trump phải trả để duy trì các biện pháp bảo hộ sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra để trả đũa Trung Quốc", ông Lardy nói với báo Wall Street Journal.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích