Những ngày này, bất cứ khi nào đến Thái Lan, người ta đều có thể bắt gặp hàng đoàn khách du lịch Trung Quốc trò chuyện huyên náo trong lúc xếp hàng chờ cấp visa tại sân bay Suvanabhumi của Bangkok.
Họ sẽ gọi những bát mì giá 40 baht (1,3 USD) từ các xe hàng rong ven đường, mua sắm trong các trung tâm thương mại và chụp hình selfie cả nhóm tại các ngôi chùa. Họ cũng có thể được bắt gặp khi làm thủ tục nhận phòng tại các khách sạn hay chia sẻ hình ảnh qua điện thoại khi lên và xuống xe ở các điểm du lịch lớn như Bangkok, Pattaya, Phuket và Chiang Mai.
Chính phủ Thái Lan đã tích cực khai thác thị trường Trung Quốc và kết quả là khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 8,7 triệu trong số 34 triệu du khách đến Thái Lan vào năm 2016, tăng 10,3% so với năm 2015. Dù vậy, có một số yếu tố đằng sau sự gia tăng số lượng du khách từ Trung Quốc.
Sự gia tăng lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan được nhiều người cho là nhờ vào sự thành công của bộ phim "Lost in Thailand" vào năm 2012 tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Ngoài ra, tỷ giá có lợi khi đổi từ tiền nhân dân tệ Trung Quốc sang tiền baht Thái Lan cũng là một nguyên nhân trong bối cảnh tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc có thu nhập ngày càng tăng và ham muốn đi du lịch, khám phá. Kết hợp tất cả những yếu này với nhau cho ra đời cái gọi là "tour không đồng" được chào mời như những kỳ nghỉ tuyệt vời với mức giá "thanh lý".
Một nhóm du khách Trung Quốc chờ xe đến đón ở Pattaya, Thái Lan. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, những tour du lịch trọn gói phổ biến này, được tổ chức bởi các công ty ủy quyền với chủ người Trung Quốc nhưng đăng ký ở Thái Lan, đã gây tranh cãi. Từng hoan nghênh việc đưa thêm nhiều khách du lịch đến đất nước vào thời điểm kinh tế ảm đạm, chính phủ Thái Lan một năm trước đã thay đổi suy nghĩ và tuyên bố trấn áp các nhà khai thác, nói họ làm tổn hại đến hình ảnh của đất nước.
Một khi đến Thái Lan, du khách thường bị ép mua hàng từ những cửa hàng nhất định trong tour, và đôi khi bị bắt mua thêm quà. Nếu họ phản đối, họ sẽ bị mắng mỏ và thậm chí bị phạt. Chẳng hạn, họ có thể không được hướng dẫn viên trả lại chìa khóa phòng khách sạn, theo một bài báo của Financial Times năm ngoái.
Người Thái có những vấn đề khác với các tour này. Vì được quản lý và đầu tư bởi công dân Trung Quốc, phần lớn doanh thu từ tour rơi vào túi các công ty đóng ở Trung Quốc, trong khi các chủ khách sạn, nhà hàng địa phương Thái Lan là người chịu thiệt vì phần doanh thu họ được chia nhỏ hơn rất nhiều. Các nhà khai thác tour cũng trốn thuế địa phương, khiến chính phủ Thái Lan mất đi khoản thu lớn.
Bất chấp việc trấn áp, các "tour không đồng" dường như chưa thể biến mất trong một sớm một chiều. Báo Phuket Gazette tháng này đưa tin rằng chùa Kathu nằm trên hòn đảo gần đây đón hàng trăm xe khách mỗi ngày, toàn là khách Trung Quốc. Ngôi nhà kiếm tiền từ việc bán bùa may mắn, với giá bán được cho là lên tới 20.000 baht (627 USD), thậm chí cao hơn. Bài báo nói ngôi chùa liên kết với một công ty lữ hành Trung Quốc.
Một phần làm nên sự hấp dẫn của những "tour không đồng" này là mọi nhu cầu của du khách Trung Quốc đến Thái Lan dường như đều được đáp ứng. Chỉ nói lắp bắp vài câu tiếng Anh, và có lẽ không biết câu nào tiếng Thái, những du khách mua tour tránh được vấn đề rào cản ngôn ngữ. Đây có thể là điều có lợi, nhưng cũng có thể là bất lợi vì họ sẽ gặp khó khăn trong việc trình báo với cảnh sát Thái Lan khi bị ép buộc mua những món đồ mà họ không muốn.
Các nhà chức trách Thái Lan đã tiến hành một cuộc trấn áp vào tháng 10/2016. Ba công ty lữ hành lớn kinh doanh "tour không đồng" bị bắt quả tang, dẫn đến 2.150 xe khách bị tịch thu và 29 nhà khai thác bị truy tố trong một kỳ nghỉ "tuần lễ vàng" của Trung Quốc.
Yuthasak Supasorn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan, nói với South China Morning Post rằng vấn đề lớn nhất với các nhà khai thác "tour không đồng" là họ không cho du khách Trung Quốc tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng.
"Họ tạo ra hình ảnh và nhận thức sai lầm về Thái Lan trong vai trò một điểm đến du lịch", ông nói.
Chính phủ "chỉ đang làm công việc của mình", ông nói về cuộc trấn áp. "Các 'tour không đồng' vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng và có hại cho ngành du lịch của cả Thái Lan lẫn Trung Quốc. Hành động của chính phủ rõ ràng là điều cần thiết trong trường hợp này".
Tuy nhiên, Suparerk Soorangura, Chủ tịch Hiệp hội Công ty Lữ hành Thái Lan, lại có một cái nhìn khác. "Loại hình kinh doanh này không nên được coi là hình sự, vì nó không vi phạm pháp luật hoặc bất kỳ quy định nào, và người tiêu dùng hiểu rõ điều kiện sử dụng dịch vụ tại thời điểm mua", ông nói.
"Cơ quan quản lý du lịch quốc gia của nhiều nước sử dụng chiến thuật tương tự để giảm chi phí của các tour trọn gói bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp theo đầu người cho các nhà khai thác lữ hành đưa khách du lịch vào nước họ. Các cơ quan chức năng liên quan của Thái Lan cần hiểu rõ hơn về thực tiễn kinh doanh trong thế giới cạnh tranh này".
Nhóm du khách Trung Quốc chụp ảnh trước Hoàng cung ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP |
Theo ông, cơ quan quản lý du lịch Thái Lan không nắm được những thực tế đang diễn ra trong ngành du lịch trên toàn cầu.
"Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất thu hút các kiểu tour du lịch trọn gói như thế này. Ngay cả đối với du khách Thái đi du lịch ở nước ngoài, chúng ta cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự: phải mua sắm ở một số điểm bắt buộc để được giá tour rẻ, còn không giá tour sẽ cao".
Thái Lan cũng không phải là điểm đến duy nhất mà khách du lịch Trung Quốc bị đưa vào các cửa hàng và phải bỏ tiền mua sản phẩm không mong muốn. Ở Hong Kong, những tour như vậy được gọi thẳng thắn là tour "cưỡng ép mua sắm".
Khách du lịch được miễn phí hoặc giá rẻ về chỗ ở và đi lại nhưng trong phần lớn thời gian của tour, họ được đưa đến các cửa hàng và bị gây áp lực trong việc mua sắm. Chính phủ Trung Quốc đã cấm các tour này tới Hong Kong và Macau vào tháng 10/2013, nhưng các nhà khai thác vẫn tiếp tục phớt lờ lệnh cấm.
Hai năm sau đó, vào tháng 10/2015, một nhóm gồm 19 khách du lịch Trung Quốc được đưa đến một cửa hàng trang sức ở khu Hưng Hom của Hong Kong. Tranh cãi nổ ra sau khi một du khách từ chối mua hàng. Miao Chunqi, 53 tuổi, thành viên của nhóm du khách đến từ tỉnh Hắc Long Giang, cố gắng can thiệp và bị bốn người đàn ông lao vào đánh đập. Sau đó, ông được xác nhận qua đời tại bệnh viện.
Bất chấp thành công lớn của Thái Lan trong việc thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới mấy chục năm qua, ông Suparerk nói rằng hoạt động quản lý du lịch vẫn còn nhiều điều cần hoàn thiện.
"Với sự quản lý yếu kém và cơ sở hạ tầng nghèo nàn, ngay cả khi có ít du khách hơn, môi trường cũng sẽ bị hủy hoại. Chính phủ và Tổng cục Du lịch Thái Lan phải sử dụng các công cụ tiếp thị để thúc đẩy thị trường mà họ muốn thu hút", ông nói.
Các nhà chức trách Thái Lan từ lâu đã tìm cách thu hút nhiều khách du lịch giàu có hơn, thay vì được biết đến như là điểm đến của "tây ba lô" và du lịch tình dục. Có lẽ, những người đi "tour không đồng" cũng nằm trong danh sách ít được hoan nghênh.
"Chúng ta cũng phải nhớ rằng Trung Quốc là một nước lớn với dân số đông và nền kinh tế mạnh, và có rất nhiều khách du lịch cao cấp hơn muốn đến Thái Lan", ông Suparerk nói. "Liệu chúng ta có xứng đáng với phân khúc thị trường này với sự quản lý yếu kém và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện như hiện tại?"
Mặc dù các "tour không đồng" vẫn đang đưa du khách đến vương quốc, có những dấu hiệu cho thấy du khách Trung Quốc ngày càng không thích kiểu du lịch này. Sáu trong số 10 du khách Trung Quốc đến Thái Lan thuộc nhóm "du khách tự do, độc lập", những người không thích đi chung trong một nhóm quá đông, nên tự đặt vé máy bay, phòng khách sạn và các tour tại địa phương qua ứng dụng trên điện thoại. Con số này dự kiến tăng lên 70% trong tương lai gần.